M&A đảo chiều?
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) đang từng bước tạo giá trị cộng hưởng cho môi trường kinh doanh, nhưng cũng đứng trước thách thức ngày càng nhiều DN Việt bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm.
CôngThương - Theo nghiên cứu của Công ty AVM Việt Nam (chuyên nghiên cứu, tư vấn mua bán, sáp nhập DN), trong tổng số 5,1 tỷ USD giá trị các thương vụ năm 2012 tại Việt Nam, tổng giá trị các thương hiệu có yếu tố nước ngoài chiếm tới 66% giá trị các giao dịch. Các công ty đa quốc gia hoặc các Quỹ đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính đang nhắm vào các DN kinh doanh tốt tại Việt Nam (VN). Dẫn đầu cả về số lượng và giá trị là Nhật Bản, chỉ trong 2 năm 2011-2012, tổng giá trị các thương vụ lên tới 1,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng không bỏ qua các cơ hội thâm nhập thị trường M&A VN.
Thâu tóm hay bị thâu tóm trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của xã hội. Nhưng trái với những lo ngại trên, ông Đỗ Văn Sử - Cục Đầu tư nước ngoài - cho rằng: “Điều này tùy thuộc vào từng thương vụ, từng đối tác, từng lĩnh vực và từng thời kỳ, với những kết quả rất khác nhau”. Mặt khác, “với các DN hoạt động chưa hiệu quả, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài mang tính quyết định, hoặc tham gia với tư cách là cổ đông chiến lược, đã tạo ra cú huých và giá trị cộng hưởng”, ông Sử nói.
Việc DN Việt bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm chưa đến mức quá lo ngại. TS Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Báo Đầu tư- khẳng định và phân tích: Thứ nhất, nếu so với các nước trong khu vực khi tiếp nhận luồng vốn FDI thì tỷ lệ đầu tư theo hình thức M&A tại VN còn rất thấp. Thứ hai, VN đã có Luật Cạnh tranh, chống độc quyền nên những vấn đề thuộc về thâu tóm nó cũng bị ngăn cản bởi hệ thống luật pháp. Thứ ba, một số lĩnh vực nhạy cảm với nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng không, vận tải biển..., chúng ta lại thực hiện theo một lộ trình mở cửa và các cam kết gia nhập WTO.
Câu chuyện thâu tóm theo cách nhìn của Tổng giám đốc IBM Việt Nam - Tan Jee Toon: “Thương vụ đó đem lại giá trị cộng hưởng như thế nào cho người bán và người mua”.
Một điểm nữa, hình thức đầu tư M&A đang diễn ra trong lĩnh vực sản xuất khá rầm rộ. Thị trường đã chứng kiến DN Việt đang từng bước mua lại DN nước ngoài. Bắt đầu từ việc Savico mua lại khách sạn Furama Đà Nẵng, một dự án đầu tư của nước ngoài, hay khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội được Tập đoàn BRG mua lại với tỷ lệ sở hữu rất cao và thu hút nhiều sự quan tâm gần đây nhất là việc Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam mua lại Vincom Center A của Vingroup với giá 470 triệu USD.
Dòng tiền lưu chuyển qua hình thức M&A là rất bình thường. Việc nắm sở hữu trên 51% hay dưới 51% không phải là yếu tố hàng đầu quyết định khả năng chi phối hoạt động của DN mà còn về công nghệ, quản lý, kinh nghiệm điều hành. TS. Tuấn dẫn chứng: “Trong lĩnh vực ngân hàng thương mại của VN, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua một tỷ lệ nhất định, khoảng 15-20% tỷ lệ sở hữu và tỷ lệ này, chưa thể dẫn tới khả năng bị thâu tóm”.
Hải Vân
công thương
|