HAG: Thả con tép để bắt con tôm?
HAG đã bán được 1 dự án BĐS, còn thủy điện vẫn đang đàm phán
Thông tin lượng khách du lịch bùng nổ khiến nhu cầu văn phòng cho thuê tại thành phố Yangon của Myanmar tăng lên đáng kể liệu có phải là điều thuận lợi cho Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) khi chấp nhận thoái vốn khỏi thủy điện để tăng nguồn lực vào thị trường bất động sản Myanmar?
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2013 của HAG, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết dự án tại Myanmar chính là triển vọng mang lại lợi nhuận cao trong lĩnh vực đầu tư bất động sản (BĐS) của HAG khi mà ở trong nước, lĩnh vực này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
HAG đưa ra hàng loạt những kỳ vọng lớn về thị trường Myanmar và cho rằng việc đẩy mạnh đầu tư vào Myanmar là “nhanh thì còn, chậm thì mất”.
Theo HAG thì công ty có được những lợi thế rất cạnh tranh tại Myanmar: Được cấp BĐS sớm với giá rẻ là 740 USD/m2 cho thời gian 70 năm; chi phí xây dựng tốt và quy trình xây dựng khép kín gồm các công ty xây dựng, nguồn gỗ, đá tự sản xuất… Dự kiến tháng 6/2014, HAG sẽ hoàn thành khối văn phòng cho thuê và tháng 12/2014 hoàn thành khách sạn. HAG cũng đưa ra một yếu tố quan trọng, là vị trí của dự án ngay tại thành phố Yangon – nơi mà du lịch đang bùng nổ khiến nhiều người tin rằng Yangon sẽ tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng phòng khách sạn cho thuê trong vòng 5 năm tới. Giá thuê văn phòng tại Yangon hiện nay khoảng 80 USD/m2/tháng, so với giá thuê tại TPHCM thì cao hơn rất nhiều. Giá thuê khách sạn tại thành phố này cũng ở khoảng 300 USD/phòng/đêm.
Chính những thuận lợi này mà HAG đưa ra dự báo, khi dự án tại Myanmar đi vào hoạt động từ năm 2015, lĩnh vực BĐS của công ty sẽ hồi phục trở lại và mang lại doanh thu 2,480 tỷ đồng. Trong khi doanh thu thủy điện chỉ ở mức 764 tỷ đồng trong năm 2015.
Vấn đề ở chỗ để xây dựng dự án tại Myanmar, HAG cần có số tiền lên đến 440 triệu USD. Điều này có nghĩa là để có thể đi vào hoạt động và tạo ra nguồn thu từ năm 2015 thì HAG phải cho ra số tiền tương ứng hơn 9,000 tỷ đồng để đầu tư. Khả năng này có thể rất khó khăn khi mà tổng doanh thu dự kiến của HAG trong hai năm 2013 và 2014 cũng chỉ hơn 10,000 tỷ đồng và HAG còn phải phân bổ đầu tư cho các lĩnh vực khác như cao su, mía đường…
Không chỉ áp lực về thu hút nguồn vốn mới, HAG cũng đang nặng gánh với nợ. Tính đến cuối quý 1/2013, tổng nợ phải trả của HAG lên đến hơn 21,700 tỷ đồng. Trong 17,200 tỷ đồng nợ vay có khoảng 5,000 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và nợ dài hạn gần đến hạn trả. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của HAG lên đến 172.65 lần.
Trước áp lực vốn và lãi vay, có thể do vậy mà HĐQT HAG phải lựa chọn và đưa ra quyết định thoái vốn phần nào khỏi thủy điện và BĐS trong nước. Cụ thể, ngày 24/06, HĐQT HAG thống nhất chủ trương tái cấu trúc các đơn vị thuộc ngành thủy điện bằng cách bán các dự án đã đi vào hoạt động và các dự án đang trong giai đoạn đầu tư.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc HAG không nói nhiều mà chỉ khẳng định: “Hiện công ty đang thực hiện chủ trương của HĐQT, chuyển nhượng các dự án thủy điện là để tập trung vào các dự án trọng điểm hơn.”
Ông Sơn cho biết thêm, HAG đã bán được 1 dự án BĐS, còn về thủy điện vẫn đang trong thời gian đàm phán nên chưa tiện để công bố.
Ở khía cạnh khác, bán các dự án thủy điện có thể đồng nghĩa với việc HAG chấp nhận “bán trái xanh” khi mà lĩnh vực này chỉ mới khai thác 3 năm gần đây và bắt đầu có lợi nhuận lớn trong năm trước. Cụ thể, qua 3 năm từ 2010 đến 2012, doanh thu từ thủy điện tăng từ 23 lên 102 và 139 tỷ đồng. Dự kiến năm 2013 và 2014 sẽ mang về cùng nguồn thu là 444 tỷ đồng, tăng gần gấp hai lần tổng doanh thu của cả 3 năm trước. Đặc biệt đến năm 2015, dự kiến doanh thu từ thủy điện có thể mang lại 794 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến việc tái cấu trúc ngành thủy điện và bất động sản để thu hồi tiền mặt dự trữ và giảm nợ vay. Theo đánh giá của CTCK MayBank Kim Eng (MBKE), HAG có thể thu về 3,500 tỷ đồng và 1/3 trong số này sẽ được ghi nhận trong 2013 khi công ty chuyển nhượng 6 dự án thủy điện tại Việt Nam. Bao gồm 4 dự án (Đăksrông 2, Đăksrông 2A, Đăksrông 3B và thủy điện Bá Thước 2) đã hoàn thành có vốn đầu tư 3,000 tỷ đồng và 2 dự án đang thực hiện với vốn dự kiến là 1,780 tỷ đồng. Ngoài ra, HAG cũng muốn chuyển nhượng 1 số dự án BĐS, mảng chiếm khoảng 50% tài sản ròng của công ty (NAV).
Trước đó, tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2013 diễn ra hồi cuối tháng 4, Bầu Đức cho biết ông vẫn ăn ngon và ngủ yên trên đống nợ!
Sanh Tín
infonet
|