Giải mã thành công của tỷ phú Richard Chandler
Tỷ phú Richard Chandler, người hiện đang sở hữu khối tài sản lên đến 2.85 tỷ USD, theo Forbes được biết đến như là một nhà đầu tư kì cựu với những thương vụ đầu tư siêu lợi nhuận và triết lý đầu tư sáng tạo.
Bên cạnh bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong giới đầu tư, nguyên nhân sâu xa đằng sau những thành công của vị tỷ phú này lại đến từ chính những trải nghiệm mà ông có được trong những năm tháng đầu đời.
Tỷ phú Richard Chandler
|
Ảnh hưởng từ người mẹ
Ngay từ những năm tháng còn là một cậu học sinh, Richard cùng với người em của mình là Christopher Chandler đã sớm được tiếp cận với công việc kinh doanh của bố mẹ mình. Các triết lý và phong cách kinh doanh của cha mẹ, đặc biệt là người mẹ Marija đã có ảnh hưởng lớn đến các quyết định đầu tư sau này của anh em nhà Chandler. Trong bài trả lời phỏng vấn với tạp chí Institutional Investor năm 2006, Richard đã nói: ”Cha tôi là một người rất quan tâm đến các giá trị và đã giúp gieo vào chúng tôi các giá trị đạo đức, nhưng mẹ tôi lại là một doanh nhân giỏi nhất mà tôi từng biết và bà đã dạy chúng tôi nhiều nguyên tắc cốt lõi mà chúng tôi luôn tuân theo khi đầu tư”.
Đầu tiên phải kể đến là tính mạo hiểm trong các quyết định đầu tư. Vào năm 1972 khi anh em nhà Chandler còn đang học tại trường nội trú, bà Marija đã quyết định thành lập cửa hàng bách hóa Chandler House tại một khu vực trong tình trạng suy thoái ở miền trung Hamilton, New Zealand, mặc cho bạn bè ra sức can ngăn. Sau đó, cửa hiệu này đã trở thành cửa hàng bách hóa lớn nhất thu hút khách hàng từ khắp nơi và trở thành một điểm thu hút khách du lịch tại New Zealand, mang lại khoản lợi nhuận ban đầu và cũng là nền móng cho quỹ Sovereign của anh em nhà Chandler về sau.
Ảnh hưởng từ phong cách này, hầu như tất cả các khoản đầu tư của Richard Chandler sau này đều mang tính mạo hiểm và đôi khi đi ngược lại với các nhà đầu tư khác. Điển hình là thương vụ đầu tư vào nghành ngân hàng Nhật Bản cuối năm 2002 khi đất nước này lâm vào tình cảnh suy thoái trầm trọng, các ngân hàng ngập trong nợ xấu và lỗ. Bỏ ngoài tai lời khuyên của các nhà môi giới, anh em nhà Chandler đã đổ khoảng 1 tỷ USD vào cổ phiếu các ngân hàng lớn và tính đến 2006, khoản đầu tư này đã mang lại khoản lợi nhuận khoảng 2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, có hai nguyên tắc cốt lõi trong kinh doanh của bà Marija đã ảnh hưởng sâu sắc đến Richard Chandler sau này. Nguyên tắc thứ nhất là chỉ mua những thứ có khả năng bán được cho ai đó và nguyên tắc thứ hai là tập trung mua số lượng lớn ở một số món nhất định có giá trị. Nói về điều này, Richard cũng thừa nhận: ”Marija có khả năng xác định các cơ hội tốt nhất và là bậc thầy về đầu tư chuyên sâu. Đối với chứng khoán, chúng tôi cũng làm tương tự”.
Và quả thực Richard đã áp dụng triệt để hai nguyên tắc này trong việc lựa chọn đầu tư. Một ví dụ điển hình cho việc xác định các cơ hội tiềm năng là khoản đầu tư vào công ty viễn thông Telebrás của Brazil năm 1991 khi Brazil đang hứng chịu giai đoạn siêu lạm phát. Việc định giá theo kiểu P/E lúc bấy giờ trở nên vô nghĩa nên hầu như không ai nhìn thấy được công ty này đang bị định giá thấp. Bằng phương pháp định giá dựa trên đường truyền tín hiệu (access line), anh em nhà Richard đã nhìn thấy điều này và quyết định đầu tư 30 triệu USD vào Telebrás. Hai năm sau đó, công ty này được bán và đem về khoản lợi nhuận 150 triệu USD.
Một ví dụ khác minh chứng cho tính chuyên sâu trong đầu tư ảnh hưởng từ bà Marija là danh mục đầu tư của quỹ Sovereign, quỹ đầu tư do anh em nhà Chandler thành lập từ năm 1986 đến 2006 luôn nắm giữ dưới 10 loại cổ phiếu thay vì một danh mục đa dạng hóa như thường thấy ở các quỹ khác. Theo như anh em nhà Chandler, cách để đạt được lợi nhuận vượt trội chính là đặt cược vào một số ít các khoản đầu tư lớn. Và thực tế là cách đầu tư này đã giúp cho quỹ Sovereign đạt được những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Những quyết định quan trọng đầu đời
Ngoài các bài học quan trọng từ gia đình, các quyết định của Richard từ giai đoạn niên thiếu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng con đường của vị tỷ phú này về sau.
Quyết định đầu tiên chính là việc lựa chọn ngành học tại đại học Auckland, nơi ông đạt được bằng đại học về Kế toán và bằng thạc sỹ về Thương mại. Đây là nơi mà trí thông minh và niềm say mê quản trị doanh nghiệp của Richard được bồi dưỡng và phát triển. Luận án tốt nghiệp thạc sỹ của ông được đánh giá là một nghiên cứu đột phá về cấu trúc và trách nhiệm của ban quản lý trong doanh nghiệp.
Bài luận án này đã có ảnh hưởng lâu dài đến phong cách đầu tư của Richard. Chính ông cũng đã bộc bạch điều này trong một bức thư gửi cho giáo sư cũ của mình năm 2004: ”Vào lúc ấy tôi vẫn chưa nhận ra rằng dự án của chúng ta là dấu hiệu đầu tiên của những thứ mà sau này đã trở thành định hướng và niềm say mê của tôi khi được nhìn thấy dòng vốn được quản lý bởi những người giỏi nhất nhằm đem lại sự thịnh vượng cho các công ty và các quốc gia”.
Một quyết định khác mang tính quyết định đối với cuộc đời của vị tỷ phú này là quyết định thành lập quỹ Sovereign vào năm 1986. Vào lúc bấy giờ, Chandler House do anh em nhà Chandler điều hành đang phát triển rất thịnh vượng. Nhưng Richard đã quyết định bán doanh nghiệp này để tiến vào con đường đầu tư bằng việc thành lập quỹ Sovereign với số vốn ban đầu chỉ 10 triệu USD.
Lý giải cho quyết định trên, Richard giải thích: ”Chúng tôi làm những gì mà chúng tôi yêu thích chứ không chỉ là những gì chúng tôi giỏi”. Thực tế đã chứng minh quyết định này là đúng đắn khi Sovereign trở thành một quỹ có giá trị khoảng 5 tỷ USD sau 2 thập kỷ. Và nếu ngày ấy, vị tỷ phú này không mạnh dạn dấn thân vào một con đường mới thì có lẽ sẽ không có được một nhà đầu tư kỳ cựu với số tài sản lên đến hàng tỷ đô như ngày hôm nay.
infonet
|