Gác lại “chân” bất động sản
Mất nhiều công sức để hoàn tất thủ tục triển khai dự án bất động sản, đến khi được cơ quan quản lý “bật đèn xanh” thì không ít DN lại phải dừng dự án… chờ thời.
Ông Hoàng Tuấn Khải, Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (TH1) cho biết, dự án chung cư của Công ty ở đường Hòa Bình, quận Tân Phú, TP. HCM đã có thông báo nộp tiền sử dụng đất của Thành phố. Trước kia, đây là thủ tục quan trọng, sau khi hoàn tất, DN có thể khởi công dự án. Nhưng nay, Công ty phải làm công văn chủ động đề xuất tạm dừng dự án, đề nghị UBND TP. HCM cấp phép làm lại kho bãi.
Năm 2012, TH1 đã hoàn thiện tòa nhà văn phòng - căn hộ trên đường Nguyễn Đức Cảnh (Hà Nội) và bàn giao xong 88 căn hộ cho khách hàng, triển khai cho thuê được 1/3 diện tích thương mại. Ông Khải chia sẻ, cũng may là TH1 “đi bằng nhiều chân” (có nhiều mảng kinh doanh - PV) nên năm ngoái có giai đoạn Công ty tập trung nguồn lực bỏ ra hàng trăm tỷ đồng huy động từ các nguồn kinh doanh để hoàn thiện dự án đúng thời hạn, nếu không rất dễ gặp phải trường hợp khách hàng kiện tụng và chây ỳ nhận bàn giao nhà.
CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) cũng gác lại các dự án bất động sản thương mại vốn đã sẵn sàng đất sạch. Tại Dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng (Hà Nội), theo quy hoạch, Công ty còn 2 tòa nhà cao tầng, nhưng với diễn biến thị trường bất động sản hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT NTL, Công ty sẽ không triển khai xây dựng ít nhất trong vài năm nữa. Từ nay đến năm sau, NTL sẽ cố gắng hoàn tất giải phóng mặt bằng để triển khai block thứ hai tại Dự án xây nhà thu nhập thấp Cầu Diễn.
Hiện NTL đang mắc kẹt tại Dự án Bắc 32 với 400/600 căn hộ đã hoàn thiện xây thô và mặt ngoài mà khách không đến nhận bàn giao nhà. Số tiền kẹt tại đây khoảng 1.000 tỷ đồng. Thời điểm này, bên cạnh việc đốc thúc khách hàng nhận bàn giao nhà để có doanh thu năm 2013, Công ty chủ yếu tập trung vào mảng xây lắp bằng việc tham gia các dự án có vốn ngân sách. Ở lĩnh vực này, lợi nhuận hầu như không có, chủ yếu nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động. Vốn có truyền thống chỉ tuyển thêm người, vậy mà 6 tháng đầu năm nay, NTL đã phải cắt giảm 15% lao động.
Triển vọng lợi nhuận của các DN bất động sản 6 tháng đầu năm nay được nhận định không mấy khả quan. Theo quy định, đối với việc bán căn hộ, DN chỉ được ghi nhận doanh thu khi bất động sản đã hoàn thành toàn bộ và bàn giao cho người mua, DN đã chuyển giao rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu bất động sản cho người mua; doanh thu được xác định tương đối chắc chắn; DN đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ bán bất động sản và xác định được chi phí liên quan đến bán bất động sản. Điểm lại các DN trên sàn, số lượng DN có hoạt động đáp ứng các tiêu chí trên không nhiều, hoặc gặp phải tình trạng khách hàng chậm trễ trong việc nhận bàn giao nhà.
Dự báo thị trường bất động sản còn khó khăn trong thời gian tới, nhà đầu tư nên quan tâm đến những DN có quỹ đất tốt và có nhiều lợi thế về vị trí, sản phẩm thanh khoản, có triển vọng góp phần cải thiện dòng tiền cho DN. Trong nhóm DN đáp ứng các tiêu chí trên, cần lưu ý tỷ suất lợi nhuận của những dự án có giá rẻ thường thấp và khó tạo được sự đột biến về tăng trưởng trong kết quả kinh doanh của DN.
Anh Việt
đầu tư chứng khoán
|