Chủ Nhật, 14/07/2013 14:31

Doanh nghiệp “ma” và những chiêu trò lách luật trốn thuế

Luật Quản lý thuế 78/2006/QH11 có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế (NNT). Từ đó đến nay, số thu năm sau luôn cao hơn năm trước 20%, thể hiện ý thức NNT ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp cố tình trốn thuế, gian lận thuế để chiếm đoạt tiền Nhà nước.

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế, tổ chức đầu tháng 6/2013, Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng, số vụ việc phát hiện và xử lý được chỉ chiếm một số rất nhỏ so với việc xảy ra trong xã hội. Dự báo, vi phạm về thuế và tội phạm về thuế chắc chắn không giảm. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải phối hợp tốt để kiểm tra, ngăn chặn.

Với vốn điều lệ đăng ký hàng trăm triệu đến hàng ngàn tỷ đồng, song điều lạ là một số doanh nghiệp (DN) lập ra nhưng lại không hoạt động kinh doanh gì vẫn thu lợi “khủng” chỉ trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, các DN này còn giúp cho không ít DN làm ăn gian dối thi nhau chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước...

Làm giám đốc công ty... quá dễ

Công ty TNHH TM SX DV XNK Lâm Đạt (gọi tắt Công ty Lâm Đạt) có trụ sở đăng ký tại phường 11, quận Gò Vấp, thành lập ngày 9/8/2006, được Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp giấy phép đăng ký kinh doanh (GPĐKKD) do Nguyễn Danh Lam (ngụ xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đứng tên làm Giám đốc và là người đại diện pháp luật. Công ty có vốn điều lệ đăng ký 2 tỷ đồng với các ngành nghề gồm: Mua bán vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất, thiết bị điện...

Mặc dù ngành nghề kinh doanh đã đăng ký rõ ràng như vậy nhưng sau khi thành lập, Công ty Lâm Đạt không hề hoạt động kinh doanh nào liên quan các ngành nghề trên. Điều bất thường nữa là mặc dù không hoạt động kinh doanh, nhưng công ty này vẫn có người đến Cục Thuế TP Hồ Chí Minh mua 58 quyển hóa đơn GTGT (2.900 số), sau đó xuất bán ra 2.855 số cho 1.031 đơn vị, cá nhân ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh. Hành vi làm ăn gian trá của Công ty Lâm Đạt đã bị cơ quan quản lý phát hiện.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh vào cuộc, tiến hành điều tra để làm rõ chân tướng người đứng đầu công ty. Tuy nhiên, Nguyễn Danh Lam khai nhận là không hề hay biết gì về công ty mà mình làm giám đốc và cũng không hề tham gia bất cứ hoạt động nào của công ty này. Theo lời khai của Lam, trước đó, Lam có vào tỉnh Bình Dương để thăm người thân và có làm bộ hồ sơ (gồm CMND, hộ khẩu, lý lịch) để xin việc làm nhưng không được nên về lại Thanh Hóa. Cũng khoảng thời gian này, Lam có làm mất giấy CMND, sau đó có trình báo với cơ quan chức năng để xin cấp lại.

Cũng không có hoạt động kinh doanh nào liên quan đến ngành nghề đăng ký, Công ty TNHH SX TM DV XNK Ngọc Quý (gọi tắt Công ty Ngọc Quý - phường 11, quận Gò Vấp, có vốn điều lệ đăng ký 50 tỷ đồng) được lập ra cũng chỉ để mua bán hóa đơn GTGT cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu. Sau khi mua tổng cộng 12 quyển hóa đơn (600 số) và xuất bán 478 tờ hóa đơn thì hành vi gian dối của Công ty Ngọc Quý đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Lúc này, Đỗ Văn Quý (ngụ đường Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp), Giám đốc và là người đại diện trước pháp luật của Công ty Ngọc Quý mới tá hỏa vì không biết lý do gì mà mình bị cơ quan Công an mời đến làm việc.

Quý khai nhận, ngành nghề của Quý là chạy xe ôm. Cách đây mấy năm, trong lúc đang chạy xe thì có một khách thuê xe nhờ Quý đứng tên thành lập công ty và trả công với giá 2 triệu đồng. Nghĩ đây là việc dễ dàng nên Quý đồng ý. Vì thế, sau khi Công ty Ngọc Quý thành lập, Quý đã giao lại toàn bộ pháp nhân và con dấu công ty cho người thuê xe lúc trước. Kể từ đó, Quý không hề biết đến sự tồn tại của công ty này. Còn người có tên Chu Văn Ngọc (ngụ tại Xã Đào Dương, huyện Ân Thị, tỉnh Hưng Yên) cùng đứng tên thành lập Công ty Ngọc Quý thì qua xác minh của cơ quan CSĐT thì tại địa chỉ trên không có ai tên Chu Văn Ngọc cư trú hay tạm trú...

Tương tự thủ đoạn trên, trong thời gian qua hàng loạt công ty “ma” đã nhan nhản mọc lên. Hầu hết các công ty này đều có điểm chung là những người đứng tên hoặc “góp vốn” thành lập công ty đều có địa chỉ khống hoặc người không có thật, người đã chết, mất tích, thay đổi chỗ ở... Điển hình như: Công ty TNHH Đại Hữu (phường 12, quận 4); Công ty TNHH Thanh Long (phường 17, quận Gò Vấp), Công ty TNHH Huỳnh Thy (phường 14, quận Gò Vấp), Công ty TNHH Quốc Bình (phường 12, quận Bình Thạnh), Công ty TNHH Nam Phát Lộc (phường 11, quận Gò Vấp)...

Bát nháo thị trường mua bán doanh nghiệp “ma”

Khi tìm hiểu về việc thành lập DN, chúng tôi được một một số công ty dịch vụ tư vấn đưa ra giá từ 2,3 - 2,4 triệu đồng  để “bao” trọn gói từ việc đăng ký cho đến khi được cấp GPĐKKD của Sở Kế hoạch - Đầu tư. Theo đó, người đứng tên thành lập DN chỉ cần đưa giấy CMND sao y công chứng cho phía dịch vụ và cùng đi nộp hồ sơ. Nếu người đứng tên thành lập DN bận không đi được, có thể “ủy quyền” cho phía dịch vụ làm. Sau 14 ngày nộp hồ sơ, bên nhận làm dịch vụ sẽ giao GCNĐKKD do Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp cho người thuê thành lập DN.

Theo đó, khi đăng ký thành lập DN, đại diện DN sẽ tự khai các nội dung đăng ký (vốn điều lệ, trụ sở đăng ký kinh doanh, người đăng ký kinh doanh...). Chính vì sự thông thoáng này nên đã có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng đăng ký thành lập DN từ CMND giả, CMND dán ảnh người khác vào; người đứng tên giám đốc, đại diện trước pháp luật là người không có thật, địa chỉ giả; DN không có năng lực tài chính nhưng đăng ký vốn điều lệ khống lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, thậm chí nhiều DN địa chỉ trụ sở chỉ có đăng ký trên giấy chứ không tồn tại trên thực tế... và tình trạng đua nhau lập DN đã diễn ra khá phổ biến (có trường hợp chỉ một người nhưng thành lập rất nhiều DN) để hoạt động bất hợp pháp hoặc sang nhượng, mua bán.

Riêng trong năm 2013, cơ quan CSĐT Công TP Hồ Chí Minh đã điều tra, làm sáng tỏ nhiều đường dây chuyên thu mua các DN “ma” để phục vụ cho việc mua bán hóa đơn khống.

Như đối tượng Nguyễn Văn Nhi (38 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Hưng Thịnh), chỉ với 15-30 triệu đồng/DN, Nhi đã thành lập và thu mua tổng cộng 10 DN “ma” Sau đó, cử người đến cơ quan thuế mua các quyển hóa đơn GTGT để bán. Tính từ năm 2007 đến tháng 11/2010, Nhi đã thu mua 231 quyển hóa đơn GTGT, ghi khống nội dung, trị giá hơn 3.160 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 5,8 tỷ đồng; Đối tượng Võ Thành Đức (37 tuổi, ngụ phường 4, quận 8), Giám đốc Công ty CP XD Lộc Hưng cũng đã thu mua và điều hành 5 DN “ma”.

Từ tháng 7/2009 đến tháng 9/2011, Đức đã bán tổng cộng 774 tờ hóa đơn GTGT ghi khống trị giá 584 tỷ đồng cho 129 đơn vị, cá nhân, thu lợi bất chính hơn 9 tỷ đồng. Theo kết quả điều tra xác minh tại các Chi cục Thuế địa phương quản lý thì hiện nay các DN “ma” này đều đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh và nơi cư trú

Thúy Hà

Công an nhân dân

Các tin tức khác

>   Quản lý thuế đối với kinh doanh nông sản (09/07/2013)

>   Khó “hóa giải” bội chi ngân sách (08/07/2013)

>   Vì sao truy thu thuế xăng dầu TNTX chuyển nội địa? (08/07/2013)

>   “Thất thu thuế hàng nghìn tỷ từ xuất khẩu quặng sắt” (08/07/2013)

>   Hàng trăm xe ôtô Morning, Matiz nhập khẩu thoát “án” bị truy thu thuế (07/07/2013)

>   Ưu đãi thuế quan của EU: Nhiều cơ hội và thách thức (06/07/2013)

>   Hàng trăm xe Morning, Matiz nhập khẩu thoát truy thu thuế (05/07/2013)

>   Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước xây dựng dự toán NSNN năm 2014 (05/07/2013)

>   Chính thức giảm trước bạ ôtô tại Hà Nội xuống 12% (02/07/2013)

>   Những lưu ý về điều kiện ân hạn thuế (01/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật