Doanh nghiệp FDI thâu tóm thị trường cà phê Việt
Trong tình hình nhiều doanh nghiệp (DN) cà phê trong nước lâm vào tình cảnh “thoi thóp” vì nợ nần thì các DN đầu tư nước ngoài (FDI) như Nescafé, Mondelz International… không ngừng tăng vốn đầu tư vào thu mua, sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê. Các chuyên gia cho rằng sự cạnh tranh giữa DN FDI và DN nội trong lĩnh vực cà phê hiện không cân xứng.
Thu mua trực tiếp
Ngày 9-7, Công ty Nestlé Việt Nam đã khánh thành nhà máy chế biến cà phê mới đặt tại KCN Amata TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 238 triệu USD, sản xuất Nescafé cho cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhà máy cà phê mới tại Việt Nam là một phần trong dự án Nescafé Plan toàn cầu được triển khai tại Việt Nam vào năm 2011 bao gồm tập hợp các cam kết của Nestlé đối với các hoạt động canh tác, sản xuất và tiêu thụ cà phê.
Dự án giúp công ty tối ưu hóa hơn nữa chuỗi cung ứng cà phê bao gồm việc gia tăng thu mua cà phê trực tiếp cũng như các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân trồng cà phê. Tại Việt Nam, trong năm 2012 Nestlé đã tiến hành tập huấn cho khoảng 19.600 nông dân trồng cà phê. Từ năm 1995-2012, Nestlé đã gia tăng tổng vốn đầu tư vào Việt Nam từ 25 triệu USD lên mức hơn 450 triệu USD hiện nay.
“Khoản đầu tư này đánh dấu một mốc mới trong sự hiện diện lâu dài của Nestlé tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn tạo ra giá trị lâu dài tại bất cứ nơi nào Nestlé hoạt động. Chúng tôi tạo ra giá trị bằng cách thu mua nguồn nguyên liệu thô trực tiếp tại địa phương, tạo ra những việc làm mới cho người dân địa phương, mang lại những sản phẩm dinh dưỡng và giúp cho sự phát triển của đất nước”, ông Rashid Aleem Qureshi, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho biết.
Trước lễ khánh thành nhà máy của Nestlé, ngày 4-7 công ty cà phê lớn thứ hai trên thế giới - Mondelz International, công ty đang sở hữu các thương hiệu Jacobs, CarteNoire và Kenco cũng đã công bố mở trung tâm tập huấn cà phê đầu tiên dành cho nông dân để thúc đẩy hoạt động canh tác và kinh doanh cà phê tại Việt Nam.
Đây là hoạt động trong chương trình phát triển bền vững của Mondelz International với tên gọi “Coffee Made Happy” (Cà phê khởi nguồn hạnh phúc) với cam kết đầu tư tối thiểu 200 triệu USD để hỗ trợ nông dân trồng và kinh doanh cà phê tới năm 2020. Cụ thể, chương trình này sẽ đào tạo 1.500 nông dân về thực hành nông nghiệp giúp họ gia tăng sản lượng cà phê và nâng cao chất lượng hạt.
Các khoản đầu tư này sẽ giúp người nông dân có khả năng cung ứng khoảng 7.000 tấn cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn 4C. Được biết, Mondelz International là một trong những khách hàng thu mua cà phê lớn nhất tại Việt Nam. Dự án đầu tư ở Việt Nam giúp Mondelz International thực hiện mục tiêu phát triển nguồn cung cấp bền vững cho 100% lượng cà phê của công ty ở Tây Âu tới năm 2015.
Cạnh tranh không cân xứng
Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), hiện 12 DN FDI đã thu mua và xuất khẩu khoảng 50% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, khiến cho DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn. VICOFA cũng đưa ra cảnh báo rằng trong tương lai một khi DN FDI chiếm lĩnh thị trường nguyên liệu cà phê, về lâu dài họ sẽ kiểm soát giá cả theo ý muốn.
Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Vicofa cho rằng sự canh tranh giữa DN FDI và DN nội trong lĩnh vực cà phê hiện nay là không cân xứng. Nguyên nhân là so với DN nội địa, DN FDI luôn được ưu đãi về thuế (để thu hút đầu tư), lại còn được vay vốn ngoại tệ từ công ty mẹ ở nước ngoài với mức lãi suất thấp. Đó là chưa kể hiện tượng chuyển giá để trốn thuế. “Với nguồn lực và lợi thế trên, các DN FDI có quá nhiều lợi thế so với cộng đồng DN trong nước vốn đang gặp khó khăn”, ông Vinh phân tích.
Bên cạnh đó, theo ông Vinh, so với nước ngoài pháp luật Việt Nam quy định về hoạt động mua bán cà phê khá thông thoáng. Cụ thể, trong ngành cà phê, Chính phủ Indonesia quy định khá chặt chẽ về việc mua nguyên liệu của các DN FDI hoạt động ở quốc gia này. Ngoài giới hạn chức năng hoạt động của các DN xuất khẩu cà phê, DN FDI muốn mua nguyên liệu từ nông dân phải có giấy phép của chính quyền địa phương giới thiệu.
DN phải chứng minh công ty đã đầu tư vùng nguyên liệu, thực hành sản xuất cà phê tốt mới được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận mua nguyên liệu. Nếu trong 3 năm, các DN FDI không đầu tư được vùng nguyên liệu và không có sản phẩm xuất khẩu, giấy phép thu mua sẽ bị thu hồi.
“Việc tranh mua nguyên liệu cà phê của các DN FDI đã ảnh hưởng đến quy hoạch các vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến cà phê, khiến người nông dân đua nhau trồng cà phê khi giá tăng cao, đồng thời khiến nhiều DN nội địa lâm vào tình cảnh khó khăn do không có nguyên liệu chế biến” - ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty cà phê Thắng Lợi (Đắc Lắc) nhận định.
Quang Duy
Hải Quan
|