Chứng khoán Tuần 01 - 05/07: Xả hàng khi không thể vượt kháng cự!
Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock, giới đầu tư thận trọng khi thị trường không thể vượt ngưỡng kháng cự thành công và đã đẩy mạnh chốt lời. Hoạt động xả hàng của khối ngoại tiếp tục có những ảnh hưởng tiêu cực.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 01 – 05.07.2013
Giao dịch: Tuần qua, VN-Index tăng nhẹ trở lại 0.94% lên 485.66 điểm, trong khi đó HNX-Index giảm 0.11% đứng tại 62.69 điểm, VS 100 giảm nhẹ 0.15% đang ở 74 điểm và VN30 tăng 0.9% đạt 543.38 điểm.
VS-Mid Cap tăng điểm mạnh nhất trong tuần qua với mức tăng 1.4%, tiếp theo là VS-Large Cap tăng 0.85%, và nhóm VS-Micro Capt tăng 0.02%. Duy chỉ VS-Small Cap đi ngược chiều khi giảm nhẹ 0.18%
Thanh khoản tuần này tiếp tục sụt giảm mạnh so với tuần giao dịch trước. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE đã giảm 11.1%; trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm đến 38.5%.
Đón nhận những thông tin tăng giá xăng dầu cùng với thông tin kém tích cực từ chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, thị trường đã giảm điểm ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7.
Tuy vậy, dù đón nhận nhiều thông tin không thuận lợi nhưng giao dịch thị trường diễn ra không quá tiêu cực. Điều này đã giúp tâm lý giới đầu tư bớt lo lắng và thị trường đã bật tăng điểm trong phiên tiếp theo. Đà tăng mạnh trong phiên giao dịch này có sự đóng góp không nhỏ của MSN và VNM khi các công ty này đón nhận thông tin tích cực.
Sắc đỏ sau đó nhanh chóng quay trở lại trong những phiên giao dịch còn lại của tuần. Việc thị trường giảm điểm trở lại xuất phát từ:
(1) Chỉ số VN-Index tiến về ngưỡng kháng cự mạnh 490 điểm cùng với việc thanh khoản chưa có sự cải thiện trong những phiên hồi phục khiến cho giới đầu tư thận trọng. Điều này đã đẩy áp lực chốt lời ngắn hạn (mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu bluechip) gia tăng và kéo thị trường giảm điểm trở lại .
(2) Khối ngoại bán ròng trở lại và tập trung vào một số cổ phiếu dẫn dắt đã có tác động tiêu cực nhất định lên tâm lý giới đầu tư.
Động thái đáng chú ý đó là việc một số cổ phiếu bluechip như REE, PPC, FPT, GMD... tăng điểm xoay vòng trong các phiên giao dịch đã giúp giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư và ngăn chặn hoạt động bán tháo diễn ra. Giao dịch trong những phiên giảm điểm diễn ra khá giằng co khi cả bên bán và bên mua đều thận trọng với quyết định của mình và các chỉ số chỉ dao động trong biên độ hẹp.
Nhà đầu tư nước ngoài: Lực bán ròng của khối ngoại đã giảm bớt trong tuần qua. Tuy nhiên, động thái bán ròng nhắm vào các mã cổ phiếu có ảnh hưởng đến tâm lý giới đầu tư như VIC, HAG, DPM... và lực bán ròng gia tăng trong thời điểm nhạy cảm cuối phiên đã có những ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường.
Mặc dù vậy, điểm đáng chú ý là lực mua của các nhà đầu tư trong nước đã tỏ ra tích cực hơn và giúp giảm nhẹ những ảnh hưởng do việc bán ròng của khối ngoại mang lại.
Tổng giá trị bán ròng trong tuần qua trên HOSE của khối ngoại ở mức 99.5 tỷ đồng. Giao dịch bán ròng tập trung chủ yếu ở VIC (34.2 tỷ đồng), HAG (28.5 tỷ đồng), DPM (26.2 tỷ đồng), CNT (13.0 tỷ đồng), OGC (10.1 tỷ đồng)... Giao dịch mua ròng tập trung ở FPT với 31.2 tỷ đồng, tiếp theo là GAS (20.7 tỷ đồng), HDC (10.2 tỷ đồng), PVD (9.9 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại mua ròng 24.1 tỷ đồng, tập trung ở TTZ với 8.3 tỷ đồng; tiếp theo là PVC với 5.1 tỷ đồng, PVS với 3.6 tỷ đồng. Giá trị bán ròng tập trung mạnh nhất ở VCG nhưng chỉ với 1.1 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 04/07 (Thứ Năm), khối tự doanh CTCK quay đầu bán ròng nhẹ 0.8 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị gần 16.4 tỷ đồng.
Khối tự doanh thực hiện việc bán ròng trong các phiên giao dịch đầu tuần và tập trung mạnh nhất ở phiên giao dịch ngày 03/07 với hơn 15.5 tỷ đồng, chủ yếu là ở nhóm cổ phiếu bluechip khi trung bình lệnh bán đạt hơn 20,000 đồng/cp.
Đây là những phiên thị trường tăng điểm tích cực nhất trong tuần qua. Do đó, việc bán ra này có thể xuất phát từ hoạt động chốt lời khi khối tự doanh đã bắt đáy thành công trong tuần giao dịch trước. Đáng chú ý, hoạt động chốt lời này chỉ tăng mạnh khi thị trường không thể vượt qua ngưỡng kháng cự 490 điểm trong phiên giao dịch ngày 03/07.
Quan sát xu hướng giao dịch của khối tự doanh, chúng tôi nhận thấy các CTCK vẫn đang chờ đợi mức giá cao hơn để gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, trước dấu hiệu kém khả quan của thị trường (không vượt ngưỡng kháng cự), khối tự doanh vẫn sẵn sàng bán ra nhằm đảm bảo lợi nhuận dù không nhiều.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm trở lại chiếm ưu thế với 14/24 ngành tăng điểm trong tuần qua. Tiện ích công dẫn đầu với mức tăng với 3.11% chủ yếu nhờ đà tăng của PPC và BTP, tiếp theo là Xây dựng tăng 2.40% và Vận tải kho bãi tăng 2.37%.
Các ngành nóng còn lại có diễn biến trái chiều. Trong khi Khai khoáng và Chứng khoán tăng nhẹ lần lượt 2.04% và 0.15% thì Bất động sản và Ngân hàng lại giảm 0.02% và 1.15%.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là VHG tăng 26.67%, ASP tăng 13.21%, BTP tăng 9.77%.
VHG tăng 26.67%. VHG tăng mạnh có nhiều khả năng xuất phát từ dòng tiền đầu tư chảy mạnh vào cổ phiếu này khi đón nhận thông tin tích cực. Theo đó, Nghị quyết HĐQT công bố việc chuyển nhượng tối đa 10,650,000 cp của CTCP Nhựa Kim Tín với giá không thấp hơn 13,000 đồng/cp. Nếu chuyển nhượng thành công thì VHG sẽ có lợi nhuận tối đa 31.95 tỷ đồng.
CTCP Nhựa Kim Tín mới được VHG thành lập trên cơ sở đánh giá lại tài sản cố định và hàng tồn kho tại 4 nhà máy( Nhà máy ống nhựa VPP, nhà máy Composite VCC, nhà máy cáp quang VTC, nhà máy cáp điện VPC) tại thời điểm 31/05/2013 với số tiền góp vốn tối đa 144 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ tối thiểu 96% tại công ty con.
ASP tăng 13.21%. ASP tăng mạnh trong tuần qua có thể xuất phát từ kỳ vọng sẽ tiếp tục có KQKD khả quan như quý 1.
Kỳ vọng này đến từ: (1) Mặt hàng kinh doanh gas của ASP ít bị biến động, thậm chí giá đang có xu hướng tăng. (2) Xu hướng giảm chi phí được giữ vững giống như quý 1/2013.
Lợi nhuận quý 1 của ASP đạt 6.23 tỷ đồng chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh chính có sự cải thiện với chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
BTP tăng 9.77%. BTP tăng mạnh trong tuần qua khi không đón nhận thông tin mới liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ chảy vào cổ phiếu này nhằm đón đầu KQKD quý 2 có thể khả quan hơn khi tỷ giá đồng Won tiếp tục sụt giảm trong quý 2.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là HAR giảm 18.73%, NKG giảm 12.7%; trên HNX không có cổ phiếu giảm điểm nổi bật.
HAR giảm 18.73%. Không có thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh của HAR trong tuần qua. Nhiều khả năng đà giảm mạnh của HAR tiếp tục do tác động từ xu hướng giảm điểm chung của toàn thị trường ở hầu hết các phiên trong tuần. Bên cạnh đó, áp lực chốt lời tiếp tục hiện diện đã khiến HAR giảm mạnh.
NKG giảm 12.7%. Nhiều khả năng đà giảm mạnh của NKG do tác động từ áp lực chốt lời tiếp tục hiện diện ở cổ phiếu này. NKG cũng đón nhận nhiều thông tin đáng chú ý trong tuần qua:
(1) ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch 2013 với sản lượng 225,000 tấn, doanh thu 4,500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng.
Đại hội cũng thống nhất dừng phương án phát hành 30.1 triệu cp mà ĐHĐCĐ 2012 đã thông qua, thay vào đó là phát hành riêng lẻ 10 triệu cp cho đối tác đầu tư và cán bộ chủ chốt. Cụ thể, NKG phát hành 9.5 triệu cp cho đối tác đầu tư, giá phát hành không thấp hơn 10,000 đồng/cp. Còn lại 500,000 cp cho cán bộ chủ chốt với giá 10,000 đồng/cp.
Vốn thu được từ đợt phát hành để đầu tư dây chuyển sản xuất (50 tỷ đồng) và bổ sung vốn kinh doanh.
(2) Ông Phạm Mạnh Hùng đăng ký mua 300,000 cp từ 09/07 đến 07/08 để đầu tư tài chính
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 5 PHIÊN VỪA QUA
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Mỹ Hà ghi
infonet
|