Thứ Bảy, 27/07/2013 08:28

Bất động sản Myanmar: Sau 5 năm cầu vẫn lớn hơn cung“

Bất động sản, xây dựng, hàng tiêu dùng, chế biến nông, thủy, hải sản là những ngành nghề mà DN Việt Nam có thể đầu tư vào thị trường Myanmar”.

Ông Trần Phước Anh

Đó là ý kiến trao đổi với ĐTCK của ông Trần Phước Anh, Tham tán, Phó trưởng Cơ quan đại diện, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar.

Giá bất động sản ở hầu hết các phân khúc tại Myanmar đang tăng mạnh, nên thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư. Nhưng trong khoảng 5 năm tới, khi nguồn cung quá nhiều liệu có khiến thị trường bội thực, thưa ông?

Myanmar hiện có tổng cộng khoảng 28.291 phòng khách sạn, nhà nghỉ, trong đó chỉ có 5 khách sạn 5 sao, 18 khách sạn 4 sao và 83 khách sạn 3 sao. Chỉ có 3 - 4 cao ốc văn phòng chính tại thành phố thương mại lớn nhất Yangon. Căn hộ cho thuê theo chuẩn quốc tế cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn 2 năm qua, giá bất động sản đã tăng gấp 3 lần, do lượng khách quốc tế tới Myanmar đã tăng từ 300.000 người trong năm 2010 lên mức hơn 1 triệu người trong năm vừa qua. Giá văn phòng cho thuê loại A đang ở mức 70 - 100 USD/m2, cao hơn nhiều mức giá trước đây là 20 - 25 USD/m2.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Đầu tư và Công ty (DICA) của Myanmar, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực khách sạn và du lịch trong năm 2012 là 530 triệu USD. Tính cả 5 dự án mới triển khai thì tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này từ năm 1988 đến nay đạt 1,5 tỷ USD, trong đó DN Singapore đầu tư khoảng 600 triệu USD, DN Việt Nam 440 triệu USD, Thái Lan 250 triệu USD, Hồng Kông 80 triệu USD… Trong 5 dự án mới thì có Dự án Novotel của Tập đoàn Max Myanmar Group; Dự án căn hộ cao cấp của Shangri-la; Dự án Khách sạn Hilton. Các dự án này phải mất ít nhất 2 năm nữa mới có thể đưa vào hoạt động. Trong khi dự báo số lượng khách quốc tế đến Myanmar sẽ tăng trung bình 20 - 30%/năm trong 5 năm tới, có thể thấy lượng cầu vẫn cao hơn cung.

Vậy theo ông, DN Việt Nam còn cơ hội đầu tư vào bất động sản ở Myanmar hay không?

Việt Nam mới chỉ có Dự án khu phức hợp của Hoàng Anh Gia Lai được cấp phép và đã khởi công, với tổng vốn đầu tư là 440 triệu USD, chiếm 26% tổng vốn FDI trong lĩnh vực này. Một số DN Việt Nam khác cũng đang tìm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản Myanmar như Tập đoàn CT Group, Sovico Holdings, Saigon Tourist… Còn hầu hết DN đến từ các quốc gia Singapore, Thái Lan, Malaysia đã đầu tư nhiều dự án tại đây từ khoảng năm 2003 và đã có một số dự án nổi bật như Khách sạn Trader; Khách sạn Park Royal, Sedona; Khách sạn Chatrium...

Cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản ở Myanmar còn rất nhiều, tuy nhiên chi phí đầu tư tại đây cao, nên đòi hỏi nhà đầu tư phải trường vốn và có năng lực thực sự. Nếu chỉ nhìn lợi nhuận trước mắt, nhà đầu tư sẽ mau chóng nản lòng. DN Việt Nam có thể đầu tư vào phân khúc khách sạn 2 - 3 sao, căn hộ cho thuê quy mô nhỏ, văn phòng cho thuê loại B và các sản phẩm phục vụ cho đối tượng là DN Việt Nam khác sang đầu tư kinh doanh tại Myanmar.

Thưa ông, ngoài bất động sản, DN Việt Nam còn có thể đầu tư vào những ngành nào ở Myanmar?

Myanmar là thị trường lớn với khoảng 60 triệu dân, bắt đầu mở cửa, tài nguyên thiên nhiên phong phú như gỗ, đá quý, khoáng sản, dầu khí, nguồn thủy hải sản…, cộng với năng lực sản xuất yếu, chỉ đáp ứng khoảng 10 - 15% nhu cầu trong nước. Tất cả tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các DN nước ngoài. Cụ thể, các lĩnh vực có thể đầu tư là xây dựng; sản xuất - kinh doanh hàng tiêu dùng; chế biến nông, thủy, hải sản… Một số DN Việt Nam cũng đã bắt đầu tìm được chỗ đứng tại thị trường Myanmar như Xây dựng Hòa Bình, Hương liệu thực phẩm Hoàng Anh, Nhựa Đại Đồng Tiến, Ổn áp Lioa, Bánh kẹo Thabico, Máy phát điện SBM…

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với hàng hóa của Việt Nam là phải cạnh tranh với các sản phẩm tương đồng của các nước trong khu vực, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc và Thái Lan, hiện đang chiếm đến 60 - 70% lượng hàng hóa tại các siêu thị, cũng như chợ đầu mối của Myanmar.

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Myanmar có những điểm đặc biệt nào mà DN Việt Nam cần lưu ý, thưa ông?

Có hai văn bản pháp lý rất quan trọng mà các DN Việt Nam cần nắm kỹ nội dung là Luật Đầu tư nước ngoài (FIL) và Quy định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài. Chính phủ Myanmar khuyến khích thu hút những dự án tạo nhiều việc làm, không ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng công nghệ cao và từng bước chuyển giao công nghệ cho DN trong nước.

Vậy còn rủi ro khi đầu tư vào Myanmar?

Hệ thống pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Myanmar còn rất thiếu và lạc hậu, vì vậy những nhà đầu tư lớn chưa mạnh dạn đầu tư vào Myanmar. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng, thanh toán quốc tế, tín dụng, tư vấn luật… cũng đang trong quá trình chuyển đổi; dịch vụ viễn thông còn kém phát triển. Ngoài ra, những bất ổn trong các vấn đề xung đột sắc tộc, tôn giáo… cũng gây ra những quan ngại nhất định đối với nhà đầu tư.

Phan Hằng

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   TPHCM: Xử lý dự án chậm triển khai (26/07/2013)

>   "Khách hàng Usilk City không ngồi yên chờ chết" (26/07/2013)

>   Vật vã săn nhà giá mềm (26/07/2013)

>   Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển 3 dự án sang nhà ở xã hội (26/07/2013)

>   Sếp lớn trả suất ngoại giao: Đại gia bất động sản ôm bom (26/07/2013)

>   'Cò' dự án VP5 Linh Đàm hạ giá chênh hàng chục triệu đồng (26/07/2013)

>   Không có ưu tiên khi xét dự án vay gói 30.000 tỷ đồng (25/07/2013)

>   56 hộ gia đình vay được gói tín dụng 30.000 tỷ (25/07/2013)

>   Vĩnh Phúc ra “tối hậu thư” cho hai nhà đầu tư Đài Loan (25/07/2013)

>   Thêm một dự án tại Hà Nội được vay gói 30.000 tỷ (25/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật