Vinatex lấn cấn chọn nhà đầu tư chiến lược
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinatex thừa nhận, số lượng nhà đầu tư quan tâm tới đợt IPO của Tập đoàn rất lớn, nhưng để chọn được đối tác có thể cùng hợp tác và quan trọng hơn là hỗ trợ tốt công tác quản trị của Tập đoàn sau khi cổ phần hóa là không đơn giản.
Vinatex là doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả trong ngành dệt may
|
Nguyên nhân của tình trạng trên bắt nguồn từ chính những yêu cầu của Vinatex đặt ra. Ngoài tiêu chí về vốn, Vinatex đưa ra 3 tiêu chí chọn lựa theo thứ tự ưu tiên.
Một là, doanh nghiệp phải cùng ngành nghề, có trình độ quản trị tiên tiến, am hiểu thị trường.
Hai là, có giải pháp quản trị tài chính linh hoạt và phù hợp.
Ba là, quan tâm đến ngành dệt may, nhưng không hạn chế bởi các quy định về đầu tư của Chính phủ.
Các tiêu chí này nhằm đảm bảo rằng, khi đa sở hữu, mỗi nhà đầu tư sẽ mang đến thế mạnh của mình về quản lý công nghệ, thị trường để làm cho sự phát triển của ngành tốt lên. “Thực tế làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua cho thấy, không ít doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí về vốn, có kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực, nhưng 2 bên chưa đi đến thống nhất được về lộ trình đầu tư dài hạn, chưa hài hòa được lợi ích cổ đông tại doanh nghiệp…”, đại diện Vinatex cho biết.
Nhưng việc chưa chốt được nhà đầu tư chiến lược không có ý nghĩa sẽ quyết định đến việc IPO của Vinatex. Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó tổng giám đốc Vinatex cho biết, để đa dạng hóa sở hữu, tìm kiếm các nhà đầu tư, Vinatex có thể thương thảo và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trước thời điểm IPO, nhưng cũng có thể tiến hành IPO để tìm đối tác.
Trước những lấn bấn trong việc xác định nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, Vinatex đã chuẩn bị sẵn phương án xin ý kiến Chính phủ để bán cổ phần lần đầu khoảng 20-30% cho cổ đông trong nước, số còn lại thì Nhà nước tiếp tục nắm giữ. Tuy nhiên, đây sẽ là lựa chọn cuối cùng.
Trong ngành dệt may, Vinatex là doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có thị trường xuất khẩu và nội địa, lợi nhuận tốt, đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt ngành dệt may Việt Nam. Vì thế, nếu bán một phần vốn cho doanh nghiệp trong nước, thì khó có thể đạt được kỳ vọng về một sự thay đổi lớn, tạo sức bật, sự bứt phá trong tái cấu trúc để sau cổ phần hóa, Tập đoàn có thể phát triển mạnh và xa hơn.
Nhưng làm sao để chọn được nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài muốn gắn kết thực sự với Vinatex, để nâng Tập đoàn trở thành doanh nghiệp dẫn dắt ngành dệt may là bài toán khó hơn. Bài toán này càng trở nên khó hơn khi gần đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã đánh tiếng muốn đầu tư mới hoặc mở rộng nhà xưởng tại Việt Nam, với kỳ vọng tận dụng thuế suất bằng 0% khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU…
Trong khi đó, một trở ngại không hề nhỏ khác là thu hút đầu tư nước ngoài vào dệt nhuộm lại không thuộc lĩnh vực được khuyến khích, do liên quan đến các vấn đề về môi trường, lao động….
Theo các chuyên gia thuộc lĩnh vực tài chính, để thuận lợi hơn trong quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược, Vintatex cần đưa ra mức giá chào bán hợp lý với điều kiện thị trường hiện tại. Về điều này, đại diện Vinatex đang làm việc với Bộ Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước, cùng các bộ, ngành khác nhằm đánh giá giá trị thực tại và thặng dư của Tập đoàn, để đưa ra giá khởi điểm cho dịp IPO sắp tới.
Thế Hải
Đầu tư
|