Tháo chạy khỏi bến xe Miền Đông, vì sao?
Nguy cơ xe trong bến không còn là lựa chọn của hành khách, thậm chí xe bến bị triệt tiêu là điều có thể nghĩ tới. Đây có phải là quy luật của thị trường?
Một nghịch lý bắt đầu xảy ra: nếu trước đây nhà xe nào cũng tìm đủ mọi cách để được vào bến xe Miền Đông (BXMĐ) để xếp tài, thì nay rất nhiều trong số họ đã tháo chạy khỏi bến. BXMĐ mất dần vai trò làm đầu mối trung chuyển hành khách từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc. Và, nếu tình hình này kéo dài thì nguy cơ xe trong bến không còn là lựa chọn của hành khách, thậm chí xe bến bị triệt tiêu là điều có thể nghĩ tới. Đây có phải là quy luật của thị trường?
Tháo chạy
Ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc BXMĐ thừa nhận, lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở, bởi vài năm trở lại đây, lượng xe rời bến ra ngoài hoạt động cứ năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, theo thống kê của BXMĐ, chỉ tính riêng trong năm 2012, đã có tới hơn 18.000 chuyến xe trong bến chuyển ra hoạt động bên ngoài, tương đương với 218.000 lượt khách.
Theo đó, có những tuyến như TP.HCM – Vũng Tàu trước đây mỗi ngày xuất bến gần 200 chuyến thì nay chỉ còn 120 chuyến. Xe Thiên Phú chạy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu trước đây mỗi ngày có 100 chuyến xuất bến, giờ còn chưa đầy 50 chuyến. Tuyến TP.HCM – Đà Lạt cũng rơi vào tình cảnh tương tự, nếu trước đây có khoảng 50 chuyến xuất bến, giờ chỉ còn mười chuyến mỗi ngày. “Đặc biệt, tuyến TP.HCM – Quảng Nam hiện trong bến không còn nhà xe nào đăng ký chạy, dù theo tìm hiểu của chúng tôi hàng ngày ở khu vực chợ Tân Bình (nhiều nhất là khu chợ Bà Hoa (nơi tập trung rất đông người Quảng Nam) mỗi ngày xuất bến hơn 40 chuyến. Việc này không phải là tiếng chuông cảnh báo chuyện xe bến bị diệt là gì?”, ông Hải nói.
Đi tìm câu hỏi vì sao nhà xe bỏ bến, chúng tôi tiếp xúc với nhà xe T.P chuyên khai thác mạnh tuyến TP.HCM – Vũng Tàu thì được nhà xe này giải thích: chuyện đem gần 50% số chuyến xe mỗi ngày ra khỏi BXMĐ là để cạnh tranh với các hãng khác. “Chạy bên ngoài hành khách thích hơn, vì họ không phải tốn thời gian ra tận BXMĐ để mua vé. Với lại hãng xe nào cũng đem xe ra chạy bên ngoài, nếu chúng tôi cứ bám bến thì trước sau gì cũng chết”, đại diện nhà xe này nói.
Còn nhà xe N.H chuyên chạy tuyến TP.HCM – Quảng Nam, quyết định “chia tay” BXMĐ sau nhiều năm gắn bó, ngoài lý do cạnh tranh với các nhà xe bên ngoài, còn có lý do tiết kiệm chi tiêu. “Nếu hoạt động tại bến, ngoài việc phải đóng tiền phí này, phí nọ, nhà xe còn phải thuê quầy bán vé với số tiền lên đến 10 triệu đồng/tháng… Cộng lại tất cả, một tháng chúng tôi mất vài chục triệu đồng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như bây giờ thì giảm được khoản nào hay khoản đó”, nhà xe N.H lý giải.
“Chỉ tại chúng ta...”
Khác với giải thích của các nhà xe, theo ông Hải, nguyên nhân xe bỏ bến vì phí là chưa chính xác và đây không phải là nguyên nhân chính yếu. Cụ thể, hiện nay nếu đăng ký vào bến, nhà xe chỉ phải đóng tiền phí theo số ghế trên xe theo quy định của UBND TP.HCM. Số tiền này thực tế không nhiều, nếu chạy các tuyến gần thì mỗi vé chỉ mất 2.000 – 3.000 đồng. Nếu nhà xe không thuê quầy vé mà nhờ bến bán uỷ thác thì bến cũng chỉ lấy huê hồng mỗi vé 2.000 hoặc 3.000 đồng tuỳ theo tuyến mà thôi. “Ngoài những khoản này ra nhà xe không mất thêm một đồng nào nữa”, ông Hải khẳng định.
Riêng chuyện nhà xe phản ánh, một quầy vé chỉ có 2m2 mà BXMĐ cho thuê đến 10 triệu đồng/tháng, ông Hải cho rằng như vậy là không cao, bởi thực tế trong BXMĐ có rất nhiều quầy bán vé được hai hoặc ba nhà xe hùn lại thuê. Chia ra mỗi nhà xe chỉ tốn vài ba triệu đồng một tháng, trong khi bến xe phải đầu tư, chi rất nhiều khoản để vận hành. “Nói thật, tiền huê hồng mà BXMĐ thu được từ những nhà xe uỷ thác bán vé (không thuê quầy bán vé) không đủ cho chúng tôi thuê nhân viên. Nhưng để giữ chân các nhà xe chúng tôi vẫn phải làm”, ông Hải kể.
Ông Hải khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt nhà xe trong bến bỏ ra ngoài hoạt động là do các cơ quan liên quan không làm triệt để, chứ không phải là do bến xe thu phí cao và càng không phải là quy luật thị trường. “Nếu gọi là quy luật của của thị trường, thì thị trường đó phải cạnh tranh lành mạnh, nhưng ở đây lại là chuyện cạnh tranh thiếu lành mạnh”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải chứng minh, thành phố từ lâu đã cấm chuyện đưa rước khách trong nội thành, nhưng các hãng xe trên sau khi bỏ bến ra ngoài hoạt động lại đội lốt là du lịch lữ hành để hoạt động. Từ đó, các đơn vị kiểm tra, kiểm soát nại khó, không xử lý được dù không khó phát hiện đó là xe khách chứ không phải xe lữ hành. Chẳng hạn, hàng loạt nhà xe mở trạm trên đường Lê Hồng Phong, nhìn qua ai cũng có thể khẳng định đó là xe khách chứ làm gì có chuyện đó là xe đi tour du lịch. Du lịch gì mà mỗi ngày đi hàng trăm chuyến trên cùng một tuyến đường, trong khi nhiều lúc chỉ cần dựng một chiếc xe máy không đúng nơi quy định đã bị lực lượng chức năng phạt 400.000 đồng. “Tôi nói vậy là bởi vì hiện tại như ở Cần Thơ hay Buôn Ma Thuột, họ làm rất triệt để việc này. Theo đó, ở hai tỉnh trên xe khách mà không vào bến thì đố hoạt động được. Câu hỏi đặt ra: tại sao cũng quy định đó, cũng lực lượng đó mà họ làm được còn TP.HCM chúng ta thì không?”, ông Hải bức xúc.
Nói như vậy, nhiều người sẽ nghĩ BXMĐ bắt xe khách phải vào bến của mình hoạt động? “Ở đây tôi xin khẳng định, nhà xe muốn vào bến nào là quyền của họ. Nhưng để gọi là bến xe thì cái bến đó phải được quy hoạch và được công bố đàng hoàng, chứ không phải cứ có miếng đất trống rồi tự ý cho xe vào đổ, đậu rồi nói là bến xe là không đúng”, ông Hải trả lời.
Đào Lê
“Xin đừng mở chiến dịch”
Mới đây thanh tra sở Giao thông vận tải TP.HCM đã lập đội chuyên ngành, phối hợp với đội Cảnh sát giao thông Chợ Lớn và công an địa phương để xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách trên đường Trần Phú – Lê Hồng Phong thuộc quận 5 và quận 10. Chỉ trong mười ngày đã phát hiện, lập biên bản 92 trường hợp vi phạm, trong đó 60 trường hợp dừng đỗ không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, theo ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc BXMĐ, cho rằng “chuyện này, năm nào cũng làm nhưng đâu lại vào đấy”. Cho nên, xin đừng mở chiến dịch mà xem đây là nhiệm vụ hàng ngày, hàng giờ. Bởi ngoài việc triệt được tình trạng xe dù, bến cóc thì việc kiểm tra xử phạt còn góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông trong nội đô. Ai cũng thấy, xe “dù đội lốt” khi vào nội thành lấy khách với tần suất dày đặc sẽ rất dễ gây ùn tắc, cản trở, tai nạn giao thông cho người khác”.
|
Sài gòn tiếp thị
|