KVS: Chủ tịch HĐQT “tố” Tổng Giám đốc rút ruột công ty
Ông Cao Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Kenaga Việt Nam (KVS) đã làm đơn gửi tới cơ quan công an tố nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Việt Hải và trợ lý Hội đồng quản trị Nguyễn Thị Thanh Hằng trong thời gian làm việc tại công ty chứng khoán KVS đã “rút ruột” công ty…
Hẫng hụt vì quá cả tin
Theo trình bày của ông Cao Văn Sơn, với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty KVS, tin tưởng bà Nguyễn Thị Thanh Hằng là nhân viên cũ của mình và ông Nguyễn Việt Hải là con của người bạn quen thân, ông Sơn đã dễ dàng thu nhận hai người này vào làm việc trong Công ty KVS, đồng thời tạo mọi điều kiện cho họ đủ tư cách tham gia vào HĐQT công ty, phần đại diện cho các cổ đông Việt Nam, để họ thuận lợi trong công việc.
Khi đó, HĐQT Công ty CK KVS có 7 thành viên (3 thành viên phía liên doanh nước ngoài và 4 thành viên phía Việt Nam).
Hơn hết, Chủ tịch HĐQT Cao Văn Sơn tin tưởng ký uỷ quyền cho ông Hải – với tư cách là quyền Tổng giám đốc, và bà Hằng – với tư cách là trợ lý HĐQT, toàn quyền điều hành mọi hoạt động của Công ty KVS, trong đó cả toàn quyền giao dịch thanh toán với ngân hàng, toàn quyền định giá tài sản đơn vị khác đưa vào hợp tác kinh doanh với KVS.
Tuy nhiên, chỉ ít tháng sau, qua xem xét chứng từ, ban kiểm soát nội bộ công ty đã phát hiện ra 3 hợp đồng được lập khống để rút tiền khỏi công ty. Ông Hải, bà Hằng cùng đột ngột bỏ việc không đến công ty, không bàn giao, không đối chiếu công nợ theo quy định.
Sau nhiều lần tìm cách vận động những cộng sự cũ trả tiền cho công ty không xong, Chủ tịch HĐQT Công ty CK KVS đã có công văn gửi cơ quan công an “tố” nguyên quyền Tổng giám đốc chiếm đoạt tiền của công ty.
Điều tra, xác minh bước đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Tp. Hà Nội xác định, Nguyễn Việt Hải cùng các đối tượng liên quan ký khống 3 hợp đồng với Cty TNHH TMDV và đầu tư phát triển Tùng Anh về việc mua sắm trang thiết bị văn phòng, bảo trì và thuê máy photocopy để rút hơn 333 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Việt Hải khai nhận hành vi này và đã tự nguyện nộp số tiền trên để cơ quan điều tra trả lại cho Công ty KVS.
Văn bản của cơ quan công an cho hay, Nguyễn Việt Hải đã thừa nhận hành vi chiếm đoạt tiền của KVS.
|
“Cái sảy” có nảy “cái ung”?
Việc nguyên quyền Tổng giám đốc và trợ lý HĐQT bỏ việc đã đem đến cho Công ty CK KVS nhiều hệ lụy. Thứ nhất, do việc giải quyết nội bộ không thành, việc “rút ruột” công ty phải nhờ đến cơ quan thực thi pháp luật. Thứ hai, nội bộ HĐQT công ty bị chia rẽ sâu sắc.
Do xảy ra sự việc trên, ông Sơn – với tư cách Chủ tịch HĐQT, đã đề xuất các thành viên HĐQT phía liên doanh là Tập đoàn tài chính ngân hàng Kenaga Malayxia (KNKH), miễn nhiệm ông Hải, bà Hằng để bổ sung các thành viên HĐQT mới, nhưng phía Kenaga Malaysia không đồng ý, trong khi đó, lại luôn dùng cả phiếu của hai người này để “ép” HĐQT thực hiện các yêu cầu của họ. Vì vậy, các cuộc họp HĐQT kể từ khi sự việc xảy ra đều bất thành.
Sự việc còn khiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải “bận tâm”, vì tưởng chừng hai bên không bên nào chịu nhường bên nào. “Quan điểm của các cổ đông Việt Nam là ai điều hành công ty tốt, hiệu quả, các cổ đông Việt Nam sẵn sàng trao quyền điều hành công ty cho người đó”, ông Sơn bày tỏ trước đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như trong thư gửi các thành viên HĐQT.
“Tuy vậy, sự việc trên xảy ra ở KVS cũng là bài học cho những người làm công tác quản lý như tôi, rằng không thể bỏ qua những nguyên tắc, quy định mà để tình cảm cá nhân “len” vào công việc, dẫn đến việc sự cả tin bị lạm dụng, cái sảy nảy cái ung”, ông Sơn chua chát thừa nhận.
Bách Linh
pháp luật việt nam
|