Khi nhà đầu tư chuyển hướng
Quý IV năm 2012 khi thị trường chứng khoán giảm sâu, bộ phận tự doanh của một công ty chứng khoán quyết định giải ngân. Họ chọn một số cổ phiếu có chỉ số tài chính cơ bản tốt, lợi nhuận tăng trưởng ổn định như Tổng công ty Khí (GAS), Công ty nhựa Bình Minh (BMP), Công ty sữa Việt Nam (VNM)…
Lúc bấy giờ các cổ phiếu này đều có thanh khoản khá thấp, giá cả không biến động nhiều mà giới đầu tư gọi theo tiếng lóng là “nặng mông”. Tổng giám đốc công ty trên cho biết:
“Trong lúc nền kinh tế khó khăn, chứng khoán vẫn chưa thấy đường ra, chỉ những đơn vị kinh doanh có lợi nhuận, ít vay vốn ngân hàng, mới có khả năng trụ vững và sống sót. Vì thế chúng tôi đã chọn đầu tư giá trị, nắm giữ lâu dài, hưởng cổ tức để chờ khủng hoảng qua đi”.
Thế là chỉ tám tháng sau đó, đầu tư vào các doanh nghiệp cơ bản tốt trở thành trào lưu của thị trường, thay đổi hẳn xu hướng đầu cơ vào các cổ phiếu thị giá nhỏ vốn đã tồn tại ở Việt Nam ba bốn năm nay.
“Chúng tôi đang tìm những doanh nghiệp sống được”
Khi công ty quản lý quỹ VinaCapital thông báo sẽ mua thêm 4 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vào đầu tháng 3-2013, giới đầu tư đã ngay lập tức “soi” danh mục các quỹ của VinaCapital.
Chuyển từ trạng thái “hưng phấn” năm 2007 sang “bảo thủ một cách lâu dài”, các quỹ VinaCapital đã nhanh chóng rời bỏ chứng khoán, chỉ còn giữ lại một vài cổ phiếu niêm yết cơ bản tốt như VNM, FPT, HPG… Với những doanh nghiệp chưa niêm yết, tìm được người mua “món” nào với giá hợp lý là họ thoái ngay. Vì thế động thái mua thêm cổ phiếu HPG được xem là có gì đó “bất thường”.
Thực tế, VinaCapital như lời ông DonLam, Tổng giám đốc, vẫn đang sàng lọc doanh nghiệp theo kiểu đãi cát tìm vàng để giải ngân.
“Sau khi bán một số dự án, khoản đầu tư đã có lời, chúng tôi đang có trong tay 250 triệu USD. Chúng tôi đang tìm những doanh nghiệp sống được trong thời gian này” – ông DonLam nói – “Sống được có nghĩa là doanh nghiệp đó phải khỏe, tiết giảm được chi phí quản lý, giảm được giá thành sản phẩm, lợi nhuận ổn định. Có doanh nghiệp như vậy là VinaCapital sẵn sàng giải ngân vốn lớn”.
Phương thức đầu tư giá trị như VinaCapital được chú trọng bởi nó mang tính phòng thủ, mức độ rủi ro thấp và có độ hoàn vốn cao. Tất nhiên, nó đòi hỏi thời gian và trường vốn.
Bộ phận tự doanh của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và các quỹ do đơn vị này tham gia quản lý từ lâu đã chuyển vốn vào các doanh nghiệp nông nghiệp như Công ty giống cây trồng trung ương, Công ty khử trùng Việt Nam, Công ty thủy sản Hùng Vương, Công ty cao su Hoàng Anh Gia Lai…
Những đơn vị kinh doanh ổn định và ít chịu ảnh hưởng của khó khăn vĩ mô này không được các nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng vì thị giá cổ phiếu không “nhảy nhót”, không giúp họ “lướt sóng”.
Suốt nhiều năm xu hướng đầu tư giá trị chỉ gắn kết với các tổ chức. Những cổ phiếu giá trị không được các “đội lái” đưa vào tầm ngắm.
Tuy nhiên cơn bão khủng hoảng năm ngoái đã “lột” chân dung nhiều cổ phiếu đầu cơ, với kết quả kinh doanh là những khoản lỗ hàng chục, thậm chí hàng trăm hay hàng ngàn tỉ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp âm.
Các nhà đầu tư cá nhân dần “sợ” cổ phiếu đầu cơ. Họ bắt đầu nhìn sang hướng đi của các tổ chức và “mon men” bỏ tiền vào các cổ phiếu đầu tư giá trị.
Khởi đầu từ đồng yen Nhật
Những cổ phiếu năng lượng như điện, than vốn ít khi được thị trường để ý vì lợi nhuận của doanh nghiệp phụ thuộc vào giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực EVN hay giá bán than do Nhà nước ấn định.
Giá điện EVN bán cho người dân và doanh nghiệp tăng, nhưng giá điện EVN mua của các công ty sản xuất ra điện lại rất thấp và hầu như không đổi nhiều năm. Vì thế cổ phiếu điện thường chỉ quanh quẩn gần mệnh giá.
Cổ phiếu Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng không nằm ngoài luật bất thành văn đó. Thế nhưng “vận may” khách quan đã đến với PPC khi từ tháng 10 năm ngoái, Nhật bơm tiền vào nền kinh tế, kéo đồng yen sụt giảm hơn 20% so với đồng bạc xanh. PPC có khoản vay bằng đồng yen, khoảng 31 tỉ yen, nên năm nào cũng phải trích lập dự phòng rủi ro tỉ giá.
Nay đồng yen mất giá, bỗng nhiên PPC không phải trích dự phòng, mà còn được hoàn nhập dự phòng tới 700 tỉ đồng trong quý I/2013. Lợi nhuận doanh nghiệp, do đó, tăng vọt, kéo theo giá cổ phiếu tăng. Các cổ phiếu điện khác vì thế cũng được nhà đầu tư đưa vào tầm ngắm.
Rồi người ta “phát hiện” ra Công ty Nhiệt điện Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có khoản vay bằng đồng won (Hàn Quốc) và đồng tiền này cũng đang giảm giá so với đôla Mỹ, nhưng mức giảm kém xa so với đồng yen. Thêm vào đó là kỳ vọng EVN trước sau cũng phải tăng giá mua điện từ các nhà máy, cổ phiếu điện cứ thế được đà đi lên.
Thực ra các doanh nghiệp điện kinh doanh cũng không đến nỗi be bét. Họ vẫn có lời và vẫn trả cổ tức từ 8 – 15%/năm tùy đơn vị và tùy năm. Chỉ có điều đầu tư vào điện là đầu tư vào lĩnh vực mà Nhà nước can thiệp sâu vào kinh doanh, là nơi sự độc quyền thống trị, nên nhà đầu tư từ trước đến gần đây ít mặn mà.
Cuộc chơi của những cổ phiếu tầm trung
Có thời cổ phiếu penny (thị giá nhỏ) tầm 4.000-5.000 đồng là đích đến của các khoản tiền chảy vào chứng khoán. Nhiều người cảm thấy rẻ khi sở hữu những cổ phiếu giá ấy.
Người ta chỉ bất an khi nhận ra đà suy thoái của cổ phiếu penny hầu như không có điểm dừng. Có cổ phiếu rơi về giá 200 đồng, rẻ tới mức không thể mua được gì với số tiền như vậy, đồng nghĩa với việc cổ phiếu là tờ giấy thật sự.
Trong khi đó các bluechips (cổ phiếu thượng hạng), mặc dù nằm trong danh mục của các quỹ đầu tư chỉ số ETFs, là thứ hàng cơ bản của tổ chức, lại có giá quá cao, 80.000-100.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí hơn 200.000 đồng/cổ phiếu.
Trong chứng khoán, như các nhà đầu tư kinh nghiệm lâu năm tổng kết, “giá chỉ là một khái niệm”, song nhiều người vẫn không mấy chuộng cổ phiếu thị giá cao. Đó là một phần nguyên nhân các cổ phiếu tầm trung thị giá 20.000-40.000 đồng lên ngôi.
Thêm vào đó nhiều cổ phiếu tầm trung có kết quả kinh doanh tương đối ấn tượng năm vừa qua và đã được các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức mua vào. Sự kiên trì của họ cuối cùng đã lôi cuốn được nhà đầu tư cá nhân và dòng tiền dịch chuyển vào đây.
Bất ngờ đã xảy ra. Chỉ trong vài tháng, cổ phiếu tầm trung tiếp nhận sự đầu cơ của thị trường. Giờ đây đầu cơ vào cổ phiếu giá trị chuyển thành trào lưu.
Đầu tiên là sự chuyển động của nhóm cổ phiếu săm lốp với các đại diện như Công ty cao su miền Nam, Công ty cao su Đà Nẵng, Công ty cao su Sao Vàng.
Sự giảm giá của cao su thiên nhiên, nguyên liệu chính sản xuất vỏ, ruột xe ôtô, xe máy, xe đạp, đã giúp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận đột biến nhờ giá thành đầu vào tụt thấp trong khi giá bán không giảm.
Hơn nữa các đơn vị trên đều vừa hoặc chuẩn bị đưa vào hoạt động một số nhà máy mới, sản lượng sẽ tăng dẫn đến doanh thu và lợi nhuận có khả năng được cải thiện đáng kể.
Nhóm thứ hai là một số cổ phiếu dầu khí. “Họ dầu khí” trên cả hai sàn chứng khoán khá đông đảo và phân hóa mạnh, chủ yếu thành các nhóm penny và tầm trung.
Ở nhóm tầm trung, cổ phiếu GAS được khối ngoại mua vào ròng rã, nắm hơn 60% tổng số cổ phiếu có thể giao dịch (phần còn lại do Nhà nước sở hữu, có niêm yết nhưng không giao dịch). Trong vòng sáu tháng, thị giá cổ phiếu GAS tăng 50%.
Ngoài ra cổ phiếu PET (Công ty dịch vụ tổng hợp dầu khí) cũng được săn đón nhờ độc quyền phân phối sản phẩm điện thoại di động cho Samsung. Giới đầu tư hẳn chưa quên Công ty FPT cũng đã có những năm phân phối điện thoại và thu được lợi nhuận không hề nhỏ chút nào.
Trong lĩnh vực thủy sản, cổ phiếu của hai Công ty AGF và Hùng Vương đang trên đà “ghi điểm” khi Agifish là doanh nghiệp duy nhất xuất khẩu cá tra vào Mỹ không phải chịu thuế chống bán phá giá năm nay. Với việc áp thuế 1,67 USD/kg cá xuất khẩu hiện nay, Mỹ đã ngăn cản các doanh nghiệp cá tra đặt chân vào thị trường này.
Các đơn vị khác chỉ còn cách xuất qua Agifish và đây là cơ hội cho công ty này tăng doanh thu, lợi nhuận. Còn Hùng Vương cũng được hưởng lợi khi đang là công ty mẹ, nắm giữ 51% cổ phần của Agifish.
Trường hợp của Agifish không phổ biến và rõ ràng công ty đã gặp may. Không có nhiều doanh nghiệp may mắn như thế và họ phải chính mình nỗ lực.
Vẫn có những doanh nghiệp bất động sản lọt vào mắt xanh nhà đầu tư nhờ nhanh chóng chuyển đổi sang xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển nhượng dự án để có dòng tiền. Tuy nhiên cho đến khi các dự án nhà ở xã hội mang lại kết quả, phần lớn các cổ phiếu bất động sản sẽ còn trải qua thử thách.
Nếu có thể tóm gọn đặc trưng của chứng khoán hiện nay bằng một cụm từ, cụm từ đó sẽ là “đầu cơ cổ phiếu đầu tư”. Rất khó đoán định sự dịch chuyển này của thị trường kéo dài trong bao lâu và liệu cổ phiếu đầu cơ có quay trở lại.
Suy cho cùng đầu cơ là động lực, là bản chất của chứng khoán và sự hội tụ của dòng tiền tập trung ở đâu đồng nghĩa với đầu cơ đang hiện diện ở đấy. Cái khác là trước đây sự đầu cơ được dẫn dắt bởi nhà đầu tư cá nhân, thì nay ngược lại, hành động của tổ chức và nhà đầu tư ngoại đang định hướng thị trường.
Người ta có thể hy vọng các tổ chức và khối ngoại với nguồn vốn dồi dào hơn, thời gian nắm giữ cổ phiếu lâu hơn và nhất là tâm lý ổn định, không mang tính bầy đàn sẽ tạo điều kiện cho xu thế đầu tư mới phát triển.
Hải Lý
doanh nhân sài gòn
|