“Gót chân Asin”
Với trách nhiệm "giải cứu" bốn nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), liên minh không chính thức giữa bộ ba quyền lực gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã để lộ "gót chân Asin" là các căng thẳng và mâu thuẫn nội bộ. Dư luận đang đặt câu hỏi phải chăng "thời hoàng kim" của liên minh không chính thức giữa IMF và các đối tác châu Âu đã kết thúc?
Sau nhiều tháng căng thẳng bị bưng bít, đầu tháng 6 vừa qua, IMF đã công bố một báo cáo chỉ trích gay gắt các hoạt động của EC và ECB trong chương trình cứu trợ đầu tiên mà bộ ba này thực hiện vào năm 2010 dành cho Hy Lạp. Ngay lập tức, EC - bộ máy quản trị của Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng "phản pháo”, không chấp nhận bản báo cáo của IMF do một số thông tin "hoàn toàn sai lệch".
Một đại diện châu Âu tại IMF, đề nghị giấu tên, khẳng định "rõ ràng đang xảy ra xung đột ở cả hai phía Đại Tây Dương. IMF và châu Âu đang buộc tội lẫn nhau và ai cũng có cái lý của riêng mình". Giới phân tích cho rằng bộ ba này đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ bản chất ngày càng phức tạp của EU.
Vốn thường quen tự mình đưa ra các chương trình thắt lưng buộc bụng một cách đầy tự tin, IMF đã phải tìm cách thích ứng với các hệ thống chính trị và kinh tế chồng chéo phức tạp của eurozone. Trong khi đó, châu Âu lại tỏ thái độ do dự trước khi tìm kiếm sự trợ giúp từ IMF trong việc theo đuổi các chương trình cứu trợ, với yêu cầu là các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt. Căng thẳng càng đẩy lên cao khi quan chức hàng đầu ECB là ông Joerg Asmussen cho rằng eurozone nên chuẩn bị thực thi các gói cứu trợ mà không có sự trợ giúp của IMF.
Không chỉ vậy, bản thân IMF cũng phải đối mặt với các căng thẳng nội bộ. Một số thị trường đang nổi không hài lòng với quy mô của các chương trình cứu trợ tại châu Âu cũng như cung cách quản lý, và cho rằng các nguyên tắc vốn rất nghiêm khắc của IMF đã bị "bẻ cong" bởi các lý do chính trị.
Ông Paulo Nogueira Batista, đại diện tại IMF của Braxin và 10 quốc gia khác cho rằng "trong trường hợp Hy Lạp, các chính sách cho vay của IMF đã thay đổi một cách vô lý chỉ để phù hợp với lợi ích của châu Âu. Thỏa thuận của bộ ba đã (và sẽ tiếp tục) đặt ra nhiều thách thức cho IMF. Hơn bao giờ hết, Ban Giám đốc IMF có vẻ như đang bị chi phối bởi các quyết định được đưa ra tại Brussels".
Rõ ràng, khi mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh, thì bộ ba khó có thể duy trì sự cộng tác và hoạt động một cách hiệu quả dù Giám đốc IMF tại Hy Lạp - Paul Thomsen - đã lên tiếng giải thích về các hoạt động của bộ ba, đồng thời trấn an rằng "do chưa từng làm việc cùng nhau, những gì mà ba thể chế đã làm được thực sự đã là quá tốt".
Ngọc Hà
hải quan
|