G8 tập trung bàn về trốn thuế
Trốn thuế và bí mật ngân hàng được giới truyền thông cho rằng sẽ là hai chủ đề chính trong Hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra trong hai ngày 17 và 18-6 tại Bắc Ireland, trong bối cảnh mỗi nước tham gia đều đang đối mặt với các sức ép ngân sách.
Theo AFP, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố “tham vọng” trước hội nghị rằng “bức tường bí mật ngân hàng sẽ bị đánh sập” với “những biện pháp cụ thể”. Còn Tổng thống Pháp François Hollande thì, như thường lệ gần đây, phát biểu mạnh mẽ rằng các thiên đường thuế sẽ bị nhổ tận gốc ở châu Âu và cả trên toàn thế giới.
Báo Times of India dẫn lời bà Caroline Atkinson, phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế của Nhà Trắng, nói rằng tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ họp bàn với các lãnh đạo khác về vấn đề mở rộng việc sử dụng các tiêu chuẩn của đạo luật tuân thủ thuế đối với tài khoản nước ngoài được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2010.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ làm việc với Thủ tướng Anh David Cameron và các nhà lãnh đạo khác để nâng cao năng lực của các cơ quan thuế và việc thực thi luật pháp nhằm xác định danh tính thật sự của người đứng sau các công ty ma được dựng lên để trốn thuế” - bà Atkinson nói. G8 gồm các nước Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Canada, Anh, Ý và Nga.
Thời gian qua, như AFP cho biết, dư luận tại nhiều nước đang tức giận vì những câu chuyện trốn thuế trong thời điểm phải thắt lưng buộc bụng đã bị khuấy động thêm bởi những tiết lộ của Mỹ và châu Âu rằng các thương hiệu quốc tế như Starbucks, Google, Amazon và Apple trả tiền thuế rất ít ở những nước mà họ có quy mô kinh doanh lớn.
AFP dẫn nội dung một bản dự thảo nói các lãnh đạo G8 sẽ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ, kêu gọi thành lập một “hệ thống toàn cầu trong việc trao đổi thông tin đa quốc gia”.
Reuters dẫn một báo cáo nói trốn thuế trên toàn cầu gây thất thoát hơn 3.000 tỉ USD/năm, trong khi khoảng 32.000 tỉ USD (gấp đôi GDP của Mỹ) có thể đang được các cá nhân cất giấu ở những thiên đường thuế.
Tung thông tin gây sức ép
“Vai trò của nhà báo là đặt vấn đề” - nhà báo Gerard Ryle, giám đốc Liên hiệp Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một tổ chức phi vụ lợi đóng tại Mỹ, lý giải về việc nhóm của ông công bố dữ liệu công khai trên mạng về các công ty bình phong rửa tiền. Theo ông, chuyện “minh bạch tài chính” quan trọng hơn “bảo vệ thông tin”.
“Chúng tôi làm điều này vì không khí chính trị đã thay đổi rất nhiều trong vài tháng qua” - ông Gerard Ryle nói về việc đưa nhóm của ông công bố dữ liệu trên mạng vào tối 14-6. Theo AFP, ông gần như khẳng định rằng cuộc họp của các lãnh đạo nhóm G8 vào đầu tuần cũng bàn về chuyện chống trốn thuế, về các công ty bình phong rửa tiền nên các lãnh đạo cần ý thức hơn nữa trước sức ép của công luận.
Ngay sau khi thông tin được công bố, có ít nhất 100.000 người đã truy cập vào mạng này để tìm kiếm thông tin. Điều đó có vẻ đạt mục đích của nhóm nhà báo điều tra là “dựa vào công luận để tìm thêm các vụ bê bối mới”. Để thuận tiện cho bạn đọc, ICIJ đưa lên mạng của mình một ứng dụng cho phép người đọc có thể nhìn thấy mối liên hệ giữa công ty bình phong tại một quốc gia với các “đối tác” của mình. Thậm chí tên các công ty cùng địa chỉ cũng được công bố (dù chưa được kiểm chứng).
Nhóm nhà báo của ICIJ khẳng định đã “đào xới” nhiều tháng qua để truy tìm mối quan hệ tiền bạc giữa các công ty bình phong mà họ có được trong 2,5 triệu hồ sơ từ đĩa cứng. Nay họ “mong muốn công chúng giúp đỡ chúng tôi trong nhiệm vụ cực kỳ quan trọng này và hướng chúng tôi đến những đầu mối điều tra mới”.
N.Q.
|
Việt Phương
tuổi trẻ
|