Thứ Bảy, 29/06/2013 22:56

FPT, HSG, VSH và ngành săm lốp gặp khó khi tăng tỷ giá

Ngược lại, những doanh nghiệp ngành cao su và thủy sản sẽ hưởng lợi khi NHNN tăng tỷ giá thêm 1% nhờ hoạt động kinh doanh có liên quan đến đồng USD.

Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VNĐ thêm 1% từ 20,828 đồng/USD lên 21,036 đồng/USD hôm 27/06. Theo nhận định của CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) thì mức tỷ giá này có khả năng tăng cao hơn nữa trong thời gian còn lại của năm bởi mức điều chỉnh mà NHNN đưa ra là 2-3%.

FPT, HSG, VSH và doanh nghiệp săm lốp gặp khó

Một số doanh nghiệp trên sàn sẽ chịu tác động không tốt từ động thái tăng tỷ giá, mà điển hình là Công ty FPT (FPT), Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Thủy điện Vĩnh Sơn và cả các doanh nghiệp săm lốp cũng rơi vào trường hợp này.

Cụ thể, với FPT, ở lĩnh vực xuất khẩu phần mềm với gần 50% doanh thu đến từ thị trường Mỹ và Châu Âu được tính bằng USD cho nên tăng tỷ giá sẽ có lợi cho mảng này. Nhưng, ở lĩnh vực phân phối bán lẻ, FPT phải nhận khẩu các sản phẩm bằng USD khiến lợi nhuận từ mảng này sẽ bị sụt giảm.

Theo số liệu quá khứ, MBKE nhận thấy FPT đã ghi nhận lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá trong 3 năm từ 2009-2011, đây là khoảng thời gian mà NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VNĐ nhiều. Riêng năm 2012, NHNN giữ nguyên tỷ giá thì FPT đã ghi nhận lãi ròng từ chênh lệch tỷ giá.

Như vậy, việc tăng tỷ giá USD/VNĐ nhìn chung không có lợi cho kết quả kinh doanh của cả Tập đoàn. MBKE ước tính nếu tỷ giá USD/VNĐ tăng 1% thì lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá là khoảng 20 tỷ đồng.

Với Tập đoàn Hoa Sen (HSG) thì gần như 100% nguyên liệu đầu vào là thép cán nóng (HRC) đều phải nhập khẩu. Cũng theo ước tính của MBKE, với sản lượng 545,000 tấn sản phẩm thì giá trị nhập khẩu HRC năm 2013 của Tập đoàn khoảng 400 triệu USD. Do đó, nếu tỷ USD/VNĐ tăng 1% thì giá trị nhập khẩu HRC của HSG có thể sẽ phải tăng tương ứng 80 tỷ đồng.

Không những vậy, HSG còn có dư nợ vay ngắn và dài hạn bằng đồng USD khá lớn. Đến ngày 30/6 thì dư nợ vay USD của HSG là 1,958 tỷ đồng (khoảng 93 triệu USD), chiếm 64.6% tổng dư nợ. Theo đó, lỗ tỷ giá ước tính từ khoản nợ vay này là 0.93 triệu USD (ứng với khoảng 19.5 tỷ đồng).

Tuy nhiên, HSG cũng sẽ hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá nhờ nguồn thu USD từ hoạt động xuất khẩu. Năm 2012, doanh thu xuất khẩu của HSG đạt gần 180 triệu USD Mỹ, chiếm trên 37% tổng doanh thu. Ước tính doanh thu từ hoạt động xuất khẩu năm 2013 của HSG chiếm khoảng 44% tổng doanh thu trị giá khoảng 250 triệu USD. Do đó, nếu tỷ giá USD/VNĐ tăng 1% thì lãi chênh lệch tỷ giá của HSG sẽ là khoảng 50 tỷ đồng.

Tổng kết lại, việc tỷ giá USD/VNĐ tăng gây bất lợi cho Tập đoàn nhiều hơn, Tập đoàn nhiều khả năng sẽ phải chịu lỗ chênh lệch tỷ giá ròng khoảng 49 tỷ đồng.

Khoảng trên 60% nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (trừ cao su tự nhiên) phải nhập khẩu, hai doanh nghiệp săm lốp là Caosumina (CSM) và Cao su Đà Nẵng (DRC) đều chịu rủi ro tỷ giá khá cao. Năm 2012, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu ước tính của CSM và DRC lần lượt là 72.3 và 67.8 triệu USD. Giả sử giá trị nhập khẩu nguyên vật liệu năm 2013 của CSM và DRC tương tự năm trước thì khoản lỗ tỷ giá do USD/VNĐ tăng 1% lần lượt là 15 và 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu chiếm khoảng 22-25% doanh thu của CSM và khoảng 9.4% doanh thu của DRC nên cả hai công ty đều có một phần khoản lãi chênh lệch tỷ giá. Vì vậy lỗ chênh lệch tỷ giá ròng của CSM và DRC sẽ thấp hơn nhiều so với con số ước tính 15 và 14 tỷ đồng.

Cuối cùng, Thủy điện Vĩnh Sơn (HOSE: VSH) do đến cuối 2012, số nợ bằng USD là 296 tỷ đồng, chủ yếu vay dài hạn và chiếm khoảng 40% tổng vay nợ. MBKE ước tính nếu tỷ giá USD/VNĐ tăng 1% thì công ty sẽ ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 2-3 tỷ. So với lợi nhuận tạo ra trong những năm gần đây từ 200 đến 300 tỷ đồng thì khoản lỗ chênh lệch tỷ giá này là không đáng kể.

Cao su, thủy sản hưởng lợi

Cũng theo báo cáo phân tích này, MBKE cho rằng việc tăng tỷ giá sẽ giúp các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu hưởng lợi, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng là không lớn.

Điển hình như Cao su Phước Hòa (PHR) có doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 50% tổng doanh thu hàng năm. Riêng năm 2012 vừa qua, doanh thu xuất khẩu đạt gần 51 triệu USD và kỳ vọng năm 2013 có thể đạt khoảng 36 triệu USD (do giá cao su giảm). Vì vậy, nếu tỷ giá tăng 1% thì lãi từ chênh lệch tỷ giá của PHR sẽ là 7.5 tỷ đồng. Dù vậy, PHR cũng có khoản vợ vay bằng USD khoảng 250 tỷ đồng (gần 12 triệu USD) nên công ty cũng sẽ bị lỗ tỷ giá khoảng 2.6 tỷ đồng. Như vậy, khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá ròng của PHR ước tính là gần 5 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cao su thiên nhiên thứ hai có doanh thu xuất khẩu lớn là Cao su Đồng Phú (DPR). Năm 2012, công ty ghi nhận doanh thu xuất khẩu đạt gần 22 triệu USD, chiếm khoảng 36% tổng doanh thu. Theo như MBKE ước tính thì doanh thu xuất khẩu năm 2013 của DPR có thể đạt khoảng 14 triệu USD. Khác với PHR, công ty gần như không có nợ vay USD nên nếu tỷ giá tăng 1% thì lãi chênh lệch tỷ giá ước tính của DPR là khoảng 3 tỷ đồng.

Tiếp theo xét đến doanh nghiệp thủy sản, hầu hết các công ty thủy sản Việt Nam đều xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ lớn của thế giới là EU, Mỹ, Nhật ... Và phần lớn các hợp đồng xuất khẩu đều dưới đồng tiền USD. Đổi lại, các công ty thủy sản thường vay bằng đồng USD để tài trợ vốn lưu động do đồng USD có lãi suất thấp hơn đồng VNĐ. Tuy nhiên, lượng tiền vay đều thấp hơn so với doanh thu mang lại. Do vậy, sự điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VNĐ lần này đã mang lại một phần lãi từ chênh lệch tỷ giá, qua đó giúp cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp.

MBKE xét riêng hai công ty xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam hiện nay là Vĩnh Hoàn (VHC) và Hùng Vương (HVG). Việc tỷ giá USD/VNĐ tăng 1% sẽ giúp lợi nhuận ước tính năm 2013 của VHC và HVG lần lượt tăng thêm 8.6% và 5%. Nếu tỷ giá được điều chỉnh tăng ở mức tối đa 3% theo như NHNN dự kiến thì lợi nhuận của VHC có khả năng tăng 25.8% và HVG tăng 15.7%.

Duy Hoàng ghi

infonet

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ ITD: Thiệt hại hơn trăm tỷ từ nhà máy QEC (29/06/2013)

>   ĐHĐCĐ Tiếp Vận Xanh: Kéo dài nhiệm kỳ HĐQT để giải quyết hậu quả hỏa hoạn (29/06/2013)

>   VinaCapital lỗ khi thoái vốn khỏi ITD (29/06/2013)

>   ĐHĐCĐ UNI: Chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản (29/06/2013)

>   ĐHĐCĐ VID: Chưa thoát lỗ lũy kế! (29/06/2013)

>   ĐHĐCĐ Eden: Năm 2013 đối mặt với sự sống còn (29/06/2013)

>   DPM đạt Top 10 “50 Doanh nghiệp hiệu quả nhất Việt Nam” (29/06/2013)

>   VFG: Tháng 8 tạm ứng cổ tức 2013 tỷ lệ 10% (01/07/2013)

>   PJT: Bị nhắc nhở chậm công bố thông tin Nghị quyết Hội đồng quản trị (28/06/2013)

>   NVT: Ký hợp đồng kiểm toán cho BCTC năm 2013 (28/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật