Đại gia đua nhau chơi ESOP
Sau những màn phát hành cổ phiếu ESOP thành công của nhiều DN. Rất nhiều đại gia trên sàn chứng khoán ồ ạt tung ra các chương trình tương tự với mục đích tăng vốn, tăng lợi cho cổ đông và giữ chân người lao động.
Nở rộ ESOP
Công ty Cổ phần FPT (FPT) vừa phát hành 1,35 triệu cổ phiếu ESOP cho 89 cán bộ công nhân viên có thành tích đóng góp trong năm 2012. Thông tin này hiện không còn quá “hot” khi thị trường trầm lắng và đã có nhiều chương trình phát hành cổ phiếu như vậy diễn ra.
Giới đầu tư đã quá quen thuộc với cụm từ ESOP (Employee Stock Ownership Plan - Kế hoạch thực hiện quyền sở hữu cổ phần cho người lao động) trong thời gian gần đây. Theo đó, cổ phiếu sẽ được bán ưu đãi (giá rẻ) cho các nhân viên xuất sắc, nhóm lãnh đạo hay công nhân theo chương trình lựa chọn theo tiêu chí của DN.
Đầu tháng 6/2013, CTCP Hùng Vương (HVG) cho biết DN dự kiến chào bán hơn 1,2 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ chủ chốt với giá bán bằng mệnh giá, tương đương khoảng 25% thị giá hiện tại. ESOP sẽ được gắn trong chương trình phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Theo đó, HVG sẽ phát hành 40,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng thông qua việc phát hành 39,6 triệu cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 2:1 từ thặng dư vốn cổ phần và hơn 1,2 triệu cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt.
Vụ phát hành cổ phiếu ESOP đáng chú ý hơn cả là Masan (MSN) thực hiện bán cho 28 nhân viên Masan với số lượng gần 18 triệu cổ phiếu.
Theo dự định ban đầu, Masan sẽ phát hành 20 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 2,9% giá trị cổ phần của đơn vị này theo hình thức thưởng cho một số người lao động. Với thị giá khoảng 110.000 đồng/cp, số lượng gần 18 triệu cổ phiếu ESOP vừa được bán rẻ (giá 10.000 đồng) có thị giá lên tới gần 2.000 tỷ đồng. MSN cũng không bị hạn chế chuyển. Điều đó có nghĩa là giá trị gần 2.000 tỷ đồng của số cổ phiếu ESOP nói trên là tiền tươi và đưa vào giao dịch ngay trên thị trường. .
Trong đại hội cổ đông năm nay không ít các DN đã lên kế hoạch cho các chương trình ESOP đầy hấp dẫn như: ITA (dự kiến phát hành gần 2 triệu cổ phiếu vào tháng 6/2013); VNM lê kế hoạch nhưng đã bị phủ quyết; SSI (gần 1,2 triệu cp); ABT (500 ngàn cổ phiếu); STB (hơn 32 triệu cổ); QNS (hơn 4,6 triệu cổ, tương đương gần 5%); DCS, DNM, SJ1, SEC…
Gần nhất, hôm 11/6, Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT) cho biết công ty dự kiến phát hành 6,57 triệu cổ phiếu ESOP (chiếm 4,93% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) ngay trong năm 2013 cho đội ngũ người lao động gắn bó lâu dài tại công ty.
Dùng cổ phiếu giữ người
Một điểm chung trong các thông báo về chương trình ESOP là: các DN đều dành cổ phiếu cho các cán bộ chủ chốt, lao động xuất sắc, chương trình lựa chọn và mục đích không có gì khác với ý nghĩa của ESOP là thu hút và giữ chân người lao động.
Đây thực sự là các chương trình giúp người lao động có được cổ phần và cổ phiếu của DN. Trên thực tế đây là một hình thức chia sẻ lợi ích trong các DN mà cơ cấu cổ đông đa dạng, ban điều hành cũng như người lao động không sở hữu phần vốn lớn trong DN.
Thông qua các hình thức như thưởng cổ phiếu, bán trực tiếp, đặc biệt là thông qua ESOP, người lao động có thể trở thành những người đồng sở hữu DN. Cơ chế này tạo ra sự gắn kết giữa DN và người lao động.
Các chương trình ESOP nếu có gắn với hiệu quả lao động, với sự thành công của DN thông qua các chỉ số như doanh thu, lợi nhuận… trong dài hạn sẽ giúp DN phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn.
Tuy nhiên, thực tế trên thế giới cũng có rất nhiều DN thành công nhờ một phần không nhỏ vào các chương trình ESOP. Rất nhiều tỷ phú, triệu phú USD đi lên từ bàn tay trắng. Họ giàu lên chủ yếu nhờ lèo lái những con thuyền DN đi đến hết chuỗi thành công này đến thành công khác và những họ thu về những khoản thưởng khổng lồ, bao gồm cả các cổ phiếu ESOP.
Mặc dù vậy, ESOP cũng có thể khiến cho DN lao vào các kế hoạch kinh doanh mạo hiểm, rủi ro và có thể dẫn tới hiện tượng che giấu, xào nấu số liệu. Nhưng điều đáng nói nhất có lẽ là sự công bằng trong các chương trình ESOP.
Cụm từ ESOP đã rất quen thuộc với giới đầu tư nhưng trong thực tế nhiều người có lẽ không biết các chương trình này đã được thực hiện như thế nào?. Có minh bạch, công bằng và hiệu quả hay không?. Ai là người được hưởng lợi từ các chương trình ESOP?. Những người này có thực sự xứng đáng hay không?
Đây là những câu hỏi không ít cổ đông lớn nhỏ đã đặt ra. Hiện tượng cổ đông Nhà nước SCIC tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) phủ quyết kế hoạch phát hành ESOP cũng rất nóng, được đem ra mổ xẻ ở nhiều khía cạnh. Nhiều người cho rằng, SCIC hoạt động cứng nhắc, lo mất vị thế nhưng có lẽ SCIC cũng có lý lo riêng để thận trọng hơn để có thời gian xem xét sự minh bạch và tác dụng của ESOP từ nhiều DN trên thị trường khi mà trào lưu này đang diễn ra mạnh mẽ.
Mạnh Hà
vietnamnet
|