Thứ Sáu, 28/06/2013 18:52

Chứng khoán Tuần 24 – 28/06: Dòng tiền tham lam trở lại nhưng chưa đủ mạnh!

Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock, áp lực xả hàng từ khối ngoại tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Tuy nhiên, họ đã quay đầu mua ròng nhẹ trên HOSE trong phiên cuối tuần. Dòng tiền tham lam trở lại nhưng chưa đủ mạnh để kích thích sự hưng phấn của giới đầu tư.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 24 – 28.06.2013

Giao dịch: Tuần qua, VN-Index tiếp tục mất thêm 3.55% và giảm xuống 481.13 điểm, HNX-Index cũng giảm 2.33% đứng tại 62.76 điểm, trong khi VS 100 giảm mạnh 4.2% đang ở 74.11 điểm và VN30 giảm 2.7% xuống 538.54 điểm.

Các chỉ số Market Cap tiếp tục giảm điểm trong tuần này. Giảm mạnh nhất là nhóm VS-Large Cap giảm 4.7%, tiếp theo là VS-Mid Cap giảm 2.78%, VS-Micro Cap giảm 1.12%, VS- Small Cap giảm 0.91%.

Thanh khoản tuần này tiếp tục sụt giảm mạnh so với tuần giao dịch trước. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE đã giảm 11.1%; trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng giảm 15.8%.

Giao dịch thoả thuận trên HNX có tuần đột biến khi FLC có 31.6 triệu cổ phiếu được sang tay, tương ứng với giá trị 196 tỷ đồng.

Thị trường giảm điểm mạnh trong hai phiên giao dịch đầu tuần. Đà giảm của các chỉ số tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự thoái lùi của các mã bluechip như BVH, DPM, VCB, HAG, GMD .... Hoạt động tháo hàng của khối ngoại được xem là nguyên nhân chính.

Trước đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu dẫn dắt, dòng tiền đầu cơ cũng đã tỏ ra hoang mang tháo chạy trong phiên giao dịch ngày 25/06.

Sau phiên giao dịch hoảng loạn, tâm lý thị trường đã trở lại bình tĩnh trở lại từ giữa tuần. Đà giảm mạnh đã kích thích dòng tiền bắt đáy giao dịch tích cực hơn. Trong khi đó, bên bán cũng bình tâm trở lại giúp sắc xanh dễ dàng trở lại trong những phiên giao dịch giữa tuần.

Tuy nhiên, những phiên hồi phục của thị trường không thực sự tích cực khi thanh khoản tiếp tục lao dốc. Điều này cho thấy giới đầu tư đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều và đã tác động không ít lên phiên giao dịch cuối tuần.

Áp lực chốt lời nhanh chóng gia tăng trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần nhằm hiện thực hoá phần lợi nhuận ít ỏi có được trong những phiên hồi phục và kéo thị trường giảm điểm trở lại.

Nhà đầu tư nước ngoài: Giá trị bán ròng của khối ngoại tiếp tục duy trì mạnh trong tuần qua. Lực bán ròng mạnh tác động vào các cổ phiếu bluechip, đặc biệt trong các phiên giao dịch đầu tuần, đã tác động tiêu cực lên các chỉ số và gây hoang mang cho giới đầu tư. Mặc dù vậy, ảnh hưởng bán ròng của khối ngoại đã dịu bớt trước lực bắt đáy gia tăng của dòng tiền trong nước.

Điểm đáng chú ý nhất đó là khối ngoại đã quay đầu mua ròng nhẹ trên HOSE trong phiên giao dịch cuối tuần. Đây là phiên mua ròng ”thực chất” đầu tiên kể từ phiên giao dịch 31/05.

Tổng giá trị bán ròng trong tuần qua trên HOSE đạt 580 tỷ đồng. Nhiều khả năng lực bán ròng mạnh này xuất phát chủ yếu từ các quỹ ETF. Thống kê cho thấy quỹ ETF Market Vectors Vietnam (V.N.M) đã bị rút ròng 17.83 triệu USD trong 3 phiên giao dịch đầu tuần.

Giao dịch bán ròng tập trung chủ yếu ở VIC (84.9 tỷ đồng), DPM (84.6 tỷ đồng), BVH (66.6 tỷ đồng), HAG (59.9 tỷ đồng), STB (56.3 tỷ đồng), VCB (47.5 tỷ đồng), MSN (25.7 tỷ đồng)...

Giao dịch mua ròng tập trung ở GAS với 38.5 tỷ đồng, tiếp theo là PPC (12.2 tỷ đồng), TLG (5.1 tỷ đồng), VIP (3.2 tỷ đồng) và SII (2.6 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại bán ròng 41.7 tỷ đồng, tập trung ở VCG với 25.2 tỷ đồng; tiếp theo là PVS với 18.7 tỷ đồng, PVX với 10.4 tỷ đồng. Giá trị mua ròng tập trung mạnh nhất ở PVC với 5.7 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 27/06 (Thứ Năm), khối tự doanh CTCK tiếp tục mua ròng với 3.4 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 80 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bluechip tiếp tục là sự lựa chọn của khối tự doanh khi giá trị trung bình lệnh mua trong tuần qua đạt hơn 22,000 đồng/cp.

Hoạt động mua ròng được các CTCK thực hiện trong tất cả các phiên giao dịch trong tuần qua. Ngoại trừ phiên đầu tuần lực mua ròng nhẹ thì các phiên còn lại khối tự doanh đều đẩy mạnh giao dịch.

Đây là tuần thứ 2 liên tiếp khối tự doanh mua ròng các cổ phiếu bluechip. Rất có thể khối tự doanh đang tiếp tục đẩy mạnh thu gom các mã cổ phiếu bluechip nhằm đón đầu đà hồi phục có thể xảy ra khi kết quả kinh doanh quý 2 sắp được công bố.

Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm tiếp tục chiếm ưu thế với 22/24 ngành giảm điểm trong tuần qua. Bảo hiểm dẫn đầu với mức giảm 9.95%, tiếp theo là Vận tải – Kho bãi giảm 5.95% và Ngân hàng giảm 5.02%.

Các ngành nóng còn lại tiếp tục giảm điểm mạnh. Theo đó, Xây dựng giảm 4.00%, Khai khoáng giảm 3.32%, Bất động sản giảm 2.52%, Chứng khoáng giảm 1.22%.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là HAR giảm 13.29%, FCN giảm 10.87%; GMD giảm 9.32%, BVH giảm 8.28%, DIG giảm 7.14%; trên HNX không có cổ phiếu giảm điểm nổi bật.

HAR giảm 13.29%. Không có thông tin mới liên quan đến hoạt động trong tuần qua. Nhiều khả năng đà giảm mạnh của HAR do tác động từ: (1) Xu hướng giảm điểm mạnh của thị trường trong những phiên giao dịch đầu tuần, (2) Thông tin chính thức liên quan đến việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức được chính thức công bố đã kích thích hoạt động chốt lời tại cổ phiếu này, sau khi đã tăng khá mạnh trước đó.

FCN giảm 10.87%. Việc FCN giảm mạnh có thể xuất phát từ: (1) Ảnh hưởng từ xu hướng chung của thị trường đã thúc đẩy áp lực chốt lời gia tăng mạnh ở cổ phiếu này, (2) Ciệc các thành viên HĐQT cùng người thân đăng ký bán cổ phiếu đã phần nào tác động tiêu cực lên tâm lý giới đầu tư.

GMD giảm 9.32% và BVH giảm 8.28% khi không xuất hiện thông tin mới liên quan đến hoạt động của các công ty này trong tuần qua. Nhiều khả năng đà giảm mạnh của GMD và BVH xuất phát từ việc bán ròng mạnh của khối ngoại tại những mã này trong tuần qua.

DIG giảm 7.14%. DIG giảm mạnh có thể xuất phát từ việc HOSE đã quyết định đưa DIG vào diện cảnh báo do đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần có ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2012.

Theo đó, DIG đã không trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với khoản phải thu từ CTCP Đầu tư Việt Thiên Lâm (VTL) trên BCTC năm 2012.

Không có cổ phiếu tăng điểm mạnh nào đáng chú ý trên cả hai sàn trong tuần qua.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 5 PHIÊN VỪA QUA

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Mỹ Hà ghi

infonet

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật