Thứ Bảy, 22/06/2013 08:02

Chứng khoán Tuần 17 – 21/06: ETF xả, ”ta” gom hàng!

Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock, khác với các lần bán ”chốt sổ” trước đây, nhà đầu tư trong nước cùng với khối ngoại ”phi ETF” đã tích cực gom hàng. Đây là một đặc điểm mới đáng chú ý - có lẽ giới đầu tư trong nước đã kiên định hơn.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 17 – 21.06.2013

Giao dịch: Tuần qua, VN-Index tiếp tục mất thêm 2% và giảm xuống 498.84 điểm, HNX-Index cũng giảm 2.08% đứng tại 64.26 điểm, trong khi VS 100 giảm 1.1% đang ở 77.36 điểm và VN30 giảm 1.67% xuống 553.57 điểm.

Các chỉ số Market Cap đều giảm điểm trong tuần này. Giảm mạnh nhất là nhóm VS-Mid Cap giảm 2.82%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 2.17%, VS-Micro Cap giảm 1.4%, VS- Large Cap giảm 0.51%.

Thanh khoản tuần này tiếp tục sụt giảm nhẹ so với tuần giao dịch trước. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE đã giảm 3.2%; trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng nhẹ 0.4%.

Giao dịch tuần này vẫn diễn ra khá tiêu cực khi giới đầu tư thận trọng trước đà giảm ở hàng loạt mã cổ phiếu bluechip.

Kịch bản thị trường diễn ra ở tuần này không khác mấy so với tuần trước đó khi mà áp lực xả ở các mã cổ phiếu bluechip như VNM, GAS, BVH, VIC, PPC, HPG, HAG là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm.

Dòng tiền đổ vào các mã cổ phiếu đầu cơ cũng trở nên dè dặt hơn và có nhiều phiên tháo chạy khỏi thị trường khiến chỉ số giảm điểm sâu.

Mặc dù thị trường đã có 2 phiên tăng điểm trở lại vào giữa tuần, tuy nhiên lại không đi cùng với sự gia tăng thanh khoản đã khiến cho giới đầu tư vẫn chưa tin tưởng vào đà tăng của thị trường. Thêm vào đó, ”bull trap” liên tục diễn ra trong các phiên đã khiến bên mua thận trọng hơn trong hoạt động bắt đáy, và đây là lý do đẩy thanh khoản thị trường sụt giảm trở lại trong tuần qua.

Tâm điểm giao dịch tuần qua vẫn là hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Trong đợt khớp lệnh ATC của phiên cuối tuần, các quỹ ETF đã đồng loạt giao dịch ”chốt sổ” và đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt. Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn HOSE và HNX gần như tăng gấp rưỡi so với trung bình tuần qua.

Lệnh bán ATC tại các mã tâm điểm như CSM, HAG, PPC, ITA... được dồn lên đến hàng triệu đơn vị. Tuy nhiên, khác với các lần bán ”chốt sổ” trước đây, nhà đầu tư trong nước cùng với khối ngoại ”phi ETF” đã tích cực gom hàng. Chính điều này đã giúp cho hai thị trường không giảm sâu trong phiên cuối tuần.

Chúng tôi đã đề cập đến hiện tượng này trong tuần trước. Đây là một đặc điểm mới đáng chú ý; có lẽ giới đầu tư trong nước đã kiên định hơn và sẽ giúp thị trường trụ vững hay ít ra sẽ không giảm sâu trước các đợt xả hàng từ khối ngoại.

Nhà đầu tư nước ngoài: Các quỹ ETF đã tham gia mạnh mẽ để hoàn tất việc tái cơ cấu lại danh mục. Thống kê cho thấy, khối ngoại bán ròng suốt trong tuần qua với tổng giá trị 755.8 tỷ đồng trên HOSE, tức bán ròng trung bình đến 151 tỷ đồng/phiên.

Giao dịch bán ròng trên HOSE của khối ngoại tập trung chủ yếu ở HAG (199 tỷ đồng), STB (118.6 tỷ đồng), PPC (98.6 tỷ đồng), HPG (86.5 tỷ đồng), OGC (74.5 tỷ đồng)...

Giao dịch mua ròng tập trung ở CSM với 73.2 tỷ đồng, tiếp theo là ITA (70.8 tỷ đồng), PET (44.5 tỷ đồng), VCB (35.4 tỷ đồng) và VIC (18.7 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại bất ngờ mua ròng mạnh gần 294.6 tỷ đồng, tập trung ở PVS với 132.8 tỷ đồng chủ yếu mua vào trong phiên cuối tuần; tiếp theo là VCG với 85 tỷ đồng, PVX với 62.7 tỷ đồng. Giá trị bán ròng tập trung mạnh nhất ở KLS với 5 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 20/06 (Thứ Năm), khối tự doanh CTCK đã trở trở lại vị thế mua ròng nhẹ 1.17 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 29 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK mua ròng chủ yếu trong các phiên giao dịch ngày 18/06 và 20/06 với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 20/06 khối tự doanh đẩy mạnh mua vào ở các mã bluechip với giá cổ phiếu trung bình đạt gần 28,000 đồng/cp.

Rất có thể khối tự doanh đang đẩy mạnh thu gom vào các mã cổ phiếu bluechip giảm điểm mạnh trong tuần để tích lũy chờ thị trường hồi phục.

Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm tiếp tục chiếm ưu thế với 19/24 ngành giảm điểm trong tuần qua. Nông - Lâm - Ngư dẫn đầu với mức giảm 6.93%, tiếp theo là Tiện ích công giảm 6.72% và SX Tôn thép giảm 5.63%.

Các ngành nóng cũng giảm điểm mạnh. Theo đó, Xây dựng giảm 4.74%, Chứng khoán giảm 3.02%, Bất động sản giảm 2.28%, Khai khoáng giảm 2.21%

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là ITD giảm 13.21%, DLG giảm 9.26%; trên HNX không có cổ phiếu giảm điểm nổi bật.

ITD giảm 13.21%. Nhiều khả năng ITD giảm điểm mạnh trong tuần xuất phát từ việc công ty này vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua một số nội dung để trình ĐHĐCĐ thường niên 2013. Theo đó, HĐQT thống nhất sẽ không chia cổ tức năm 2012 và 2013. Rất có thể ITD cũng đang chịu áp lực chốt lời do đã có thời gian tăng khá trước đó.

DLG giảm 9.26%. DLG giảm mạnh trong tuần qua có nhiều khả năng liên quan đến thông tin tiêu cực vừa được công bố. Mới đây, nhóm các nhà khoa học gồm các chuyên gia về môi trường, đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đã đề nghị lên Quốc hội tạm ngừng triển khai 2 dự án do DLG làm chủ đầu tư là dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A cho tới khi có một đánh giá môi trường chiến lược được hoàn thiện.

Ngoài ra, rất có thể dòng tiền đầu cơ đã sẵn sàng rút lui khi DLG đã có nhiều phiên tăng mạnh trước đó.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là HAR tăng 30.51%, CMX tăng 24.56% và FCN tăng 14.78%; trên HNX không có cổ phiếu nào tăng điểm nổi bật.

HAR tăng 30.51%. HAR vẫn giữa vững được đà tăng trong tuần này có thể xuất phát từ triển vọng kinh doanh trong hoạt động khai khoáng, khi mới đây HAR đã góp 40% vốn vào thành lập công ty liên kết CTCP Cơ khí & Khoáng sản Bình Định có vốn điều lệ 68 tỷ đồng.

CMX tăng 24.56%. CMX tăng mạnh trong tuần này có thể do dòng tiền đầu cơ tiếp tục đổ mạnh vào trước thông tin đã được công bố ở tuần trước đó.

Theo đó, Ông Nguyễn An Ninh, Tổng Giám đốc của CMX đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu, thời gian giao dịch bắt đầu từ 13/06 đến 12/07. Nếu giao dịch thành công, ông Ninh sẽ nắm giữ 2,783,388 cp CMX, tương ứng tỷ lệ 21%.

Trong khi đó, một thành viên HĐQT là ông Vũ Ngọc Lễ đã bán hết gần 851 ngàn cổ phiếu và áp lực về nguồn cung sẽ không còn lớn như trước.

FCN tăng 14.78%. FCN tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong tuần qua nhờ thông tin tích cực liên quan đến việc công ty này cùng với công ty liên kết FCM ký hợp đồng nguyên tắc sẽ cung cấp và thi công cọc cho dự án Nhà máy Samsung Thái Nguyên.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là đã xuất hiện hàng loạt cổ đông nội bộ mong muốn bán ra cổ phiếu. Vì vậy, giao dịch tại FCN có thể sẽ tiếp tục phức tạp trong thời gian tới.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 5 PHIÊN VỪA QUA

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Sanh Tín ghi

Infonet 

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật