Chứng khoán Tuần 10 – 14/06: Ngán ”bull trap” một chút!
Khác với những đợt xả hàng trước đây, tâm lý giới đầu tư trong nước không còn quá hoang mang trước áp lực bán ”hủy diệt” từ khối ngoại.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 10 – 14.06.2013
Giao dịch: Tuần qua, VN-Index mất tổng cộng 3.59% và giảm xuống 509.03 điểm, HNX-Index diễn biến ngược chiều, tăng 0.08% lên 65.63 điểm, trong khi VS 100 giảm 3% đang ở 78.2 điểm và VN30 giảm 4.3% xuống 562.97 điểm.
Các chỉ số Market Cap có sự phân hóa mạnh trong tuần này. Trong khi nhóm VS-Micro Cap và VS-Small Cap tăng lần lượt là 0.89% và 0.88%, thì VS-Large Cap và VS- Mid Cap lại giảm tương ứng 4.32% và 0.92%.
Thanh khoản tuần này tiếp tục sụt giảm so với tuần giao dịch trước. Theo đó, tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE đã giảm hơn 7.7%; trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng giảm mạnh 13.9%.
Giao dịch thoả thuận cũng có tuần sôi động, với EIB có 17 triệu đơn vị sang tay, tương ứng với 276 tỷ đồng và ACB với hơn 13.7 triệu đơn vị tương ứng 220 tỷ đồng.
Thị trường đã có tuần biến động mạnh với kịch bản tăng đầu phiên và giảm về cuối phiên diễn ra liên tục trong các phiên giao dịch.
Đà tăng của thị trường xuất phát chủ yếu từ dòng tiền đầu cơ hoạt động xoay vòng ở một số cổ phiếu nóng như HQC, KBC, ITA, LCG, VPH, KSS, BGM, DHM, FCM ... trong các phiên giao dịch là động lực chính giúp thị trường khởi sắc. Bên cạnh đó, đà tăng của một số cổ phiếu bluechip như DRC, CSM... cũng giúp sức không nhỏ.
Trong khi đó, áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu bluechip đã có thời gian tăng khá như VIC, BVH, MSN, VNM, REE, PPC, HAG, DPM, CTG, VCB... là nguyên nhân chính khiến thị trường đảo chiều giảm điểm. Áp lực bán ra từ khối ngoại đã có ảnh hưởng mạnh mẽ lên đà giảm của những cổ phiếu này.
”Bull trap” liên tục diễn ra trong các phiên đã khiến bên mua thận trọng hơn trong hoạt động bắt đáy, và đây là lý do đẩy thanh khoản thị trường sụt giảm trở lại trong tuần qua.
Điểm tích cực là dòng tiền đầu cơ vẫn duy trì khá tốt trước xu hướng giảm điểm của nhóm bluechip. Điều này đã giúp đà giảm của các chỉ số được thu hẹp và duy trì tâm lý tích cực cho thị trường đến cuối tuần.
Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại tiếp tục có tuần đẩy mạnh bán ròng trên HOSE. Giao dịch bán ròng mạnh của khối ngoại được thực hiện chủ yếu ở cuối phiên giao dịch tập trung ở một số cổ phiếu bluechip và đã có ảnh hưởng mạnh mẽ lên thị trường trong tuần qua.
Tuy nhiên, khác với những đợt xả hàng trước đây, tâm lý giới đầu tư trong nước không còn quá hoang mang trước áp lực bán ”hủy diệt” từ khối ngoại.
Thống kê cho thấy tuần qua, khối ngoại bán ròng manh 129 tỷ đồng trên HOSE. Giao dịch bán ròng tập trung chủ yếu ở HAG (89.7 tỷ đồng), BVH (55.6 tỷ đồng), MSN (48.2 tỷ đồng) và PET (43.0 tỷ đồng).
Giao dịch mua ròng tập trung ở VIC với 341.7 tỷ đồng, chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận. Tiếp theo là SBT (43.2 tỷ đồng), PPC (13.1 tỷ đồng), CTG (9.4 tỷ đồng) và FCN (5.9 tỷ đồng).
Nếu loại bỏ giao dịch mua ròng đột biến ở VIC thì khối ngoại đã bán ròng ”khủng” lên tới hơn 470 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại mua ròng gần 31 tỷ đồng, chủ yếu ở VND với 37 tỷ đồng, TTZ với 7.4 tỷ đồng, DBC với 4.7 tỷ đồng. Giá trị bán ròng tập trung mạnh nhất ở KLS với 19 tỷ đồng và PVS với 10 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 13/06 (Thứ Năm), khối tự doanh CTCK bán ròng nhẹ 0.48 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 15.6 tỷ đồng.
Giá trị bán ròng của khối tự doanh tập trung chủ yếu trong phiên giao dịch ngày 13/06 với gần 22.7 tỷ đồng. Giá trị trung bình lệnh bán trong phiên giao dịch này đạt hơn 37,700 đồng/cp.
Đáng chú ý khối tự doanh đã có 2 phiên giao dịch mua ròng trong ngày 11 và 12/06 với tổng giá trị 11.8 tỷ đồng trước khi đẩy mạnh bán ra trong phiên giao dịch ngày 13/06. Giao dịch mua vào vẫn tiếp tục xoay quanh các cổ phiếu bluechip, khi trung bình lệnh mua các phiên giao dịch này đạt lần lượt 20,500 và 21,200 đồng/cp
Rất có thể chiến thuật trading ngắn hạn được khối tự doanh thực hiện trở lại trong tuần qua, thay cho hoạt động chốt lời diễn ra trong các tuần trước.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế trở lại với 13/24 ngành giảm điểm trong tuần qua. Tiện ích công dẫn đầu với mức giảm 4.68%, tiếp theo là Ngân hàng giảm 3.82% và Vận tải-Kho bãi giảm 2.56%.
Các ngành nóng cũng đều quay đầu giảm điểm. Theo đó, Bất động sản giảm 2.19%, Chứng khoán giảm 1.49%, Xây dựng giảm 1.27%, Khai khoáng giảm 0.12%
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là QCG giảm 11.76%, CTG giảm 7.66% và PPC giảm 7.64%; trên HNX không có cổ phiếu giảm điểm nổi bật
QCG giảm 11.76%. Nhiều khả năng việc QCG giảm điểm mạnh trong tuần qua do ảnh hưởng từ thông tin tiêu cực. Theo đó, một công ty con của QCG, chủ đầu tư của chung cư Quốc Cường - Gia Lai, Quận 7, TPHCM sẽ phải hầu tòa trong vụ kiện của cư dân yêu cầu trả lãi phạt do chậm giao căn hộ và giao căn hộ với nội thất không đúng chất lượng thỏa thuận.
CTG giảm 7.66%. CTG giảm mạnh trở lại trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ hoạt động chốt lời tăng mạnh ở cổ phiếu này. CTG đã có tuần giao dịch khá tích cực trước đó sau thông tin “nới” room cho khối ngoại.
PPC giảm 7.64%. PPC giảm mạnh khi không có thông tin mới liên quan đến tình hình hoạt động trong tuần qua. Rất có thể việc giảm điểm của PPC xuất phát từ: (1) áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng mạnh trong tuần qua; (2) bên cạnh đó, đồng Yên đang có sự gia tăng mạnh mẽ trở lại so với USD trong tuần qua. Điều này khiến nỗi lo gia tăng tỷ giá đồng Yên đối với PPC trở lại.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là CMX tăng 28.26%, FCN tăng 21.11% và HAR tăng 18.80%; trên HNX, không có cổ phiếu tăng điểm nổi bật trong tuần qua.
CMX tăng 28.26%. CMX đã tăng mạnh trở lại sau tuần giảm điểm mạnh trước đó. Rất có thể việc Ông Nguyễn An Ninh, Tổng Giám đốc của CMX đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu, thời gian giao dịch bắt đầu từ 13/06 đến 12/07, đã tạo động lực cho dòng tiền đầu cơ đổ mạnh vào cổ phiếu này. Nếu giao dịch thành công, ông Ninh sẽ nắm giữ 2,783,388 cp CMX, tương ứng tỷ lệ 21%.
FCN tăng 21.11%. FCN tăng mạnh trong tuần qua khi đón nhận thông tin tích cực, dù chưa công bố chính thức. Theo nguồn thông tin này, FCN và công ty liên kết FCM đang đàm phán hợp đồng cung cấp và thi công móng cọc cho giai đoạn 2 của dự án của Samsung. Dự án này dự kiến sẽ mang lại phần lớn doanh thu và dòng tiền cho FCN và FCM trong giai đoạn 2013 – 2015.
HAR tăng 18.80%. HAR tiếp tục duy trì đà tăng tích cực trong tuần giao dịch qua. Việc HAR tăng mạnh có thể đến từ việc hiện thực hoá ngành nghề khai khoáng khi HAR góp 40% vốn thành lập công ty liên kết CTCP Cơ khí & Khoáng sản Bình Định có vốn điều lệ 68 tỷ đồng.
Theo kết hoạch kinh doanh năm 2013, hoạt động khai khoáng sẽ đóng góp 80 tỷ đồng vào doanh thu và 25 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 5 PHIÊN VỪA QUA
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Nguyễn Đức Cường (Phòng Nghiên cứu Vietstock)
FFN
|