Chứng khoán toàn cầu bốc hơi 1,900 tỷ USD, các thị trường sơ khai như Việt Nam lên ngôi?
Theo Bloomberg, 1,900 tỷ USD đã bị quét sạch khỏi các thị trường chứng khoán toàn cầu sau 3 tuần bán tháo vừa qua. Tuy nhiên, các thị trường sơ khai đã tránh được tác động từ đợt xả hàng mạnh này nhờ đà tăng trưởng khả quan trong nước và mức định giá rẻ hơn.
* Nhà đầu tư nước ngoài chốt lời cổ phiếu Đông Nam Á
* Chứng khoán Việt Nam “nóng” thứ 7 thế giới
Trong khi chỉ số MSCI All-Country World Index của các quốc gia phát triển và mới nổi đã giảm 3.2% so với ngày 22/05 do lo sợ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm chương trình kích thích tiền tệ thì chỉ số MSCI Frontier Markets Index của các thị trường sơ khai lại tăng 0.7%.
Có tới 13/15 chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới thuộc về các quốc gia sơ khai. Hiện giá trị thị trường bình quân của các quốc gia này là 49 tỷ USD, khá thấp so với mức 19.5 ngàn tỷ USD của Mỹ.
Mối liên hệ không quá chặt chẽ đối với các thị trường vốn quốc tế đã bảo vệ các thị trường sơ khai khỏi đợt bán tháo khiến 52/72 chỉ số chứng khoán do Bloomberg theo dõi sụt giảm mạnh kể từ ngày 22/05.
Bên cạnh đó, cổ phiếu của các thị trường sơ khai còn nhận được động lực từ sự chuyển giao quyền lực giữa các Chính phủ dân sự tại Pakistan và đà phục hồi của thị trường bất động sản Dubai. Advance Emerging Capital và Morgan Stanley Investment Management kỳ vọng các thị trường này sẽ tiếp tục tăng điểm.
Ông Tim Drinkall, Giám đốc quản lý danh mục của Morgan Stanley Investment Management cho biết trong email hôm 07/06 rằng: “Các thị trường sơ khai có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn so với các thị trường mới nổi và sẽ ít bị tác động bởi Fed”. Được biết, hiện Morgan Stanley Investment Management đang giám sát 341 tỷ USD trên toàn cầu.
Thị trường chứng khoán Dubai cũng phục hồi mạnh trước triển vọng các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (U.A.E) được thêm vào chỉ số thị trường mới nổi của MSCI. Trong một thông báo cuối ngày thứ Hai (10/06), MSCI cho biết sẽ nâng vị thế của U.A.E và Qatar từ “sơ khai” lên “mới nổi” với hiệu lực từ tháng 5/2014. Chỉ số General Index của thị trường chứng khoán Dubai đã tăng vọt 45% trong năm nay, mạnh thứ 2 trong 94 chỉ số được Bloomberg theo dõi.
Số liệu của Bloomberg cho thấy từ ngày 22/05 đến nay, chỉ số VN-Index của Việt Nam đã tăng 3.9%, nâng tổng mức tăng trong năm nay lên 26%. Dù vậy trong cùng kỳ, nhà đầu tư nước ngoài đã rút 26 triệu USD khỏi TTCK Việt Nam.
Ông Jeff Gill, Giám đốc quản lý danh mục của City of London Investment Management Co. – công ty đang giám sát khoảng 3.7 tỷ USD – cho biết trong email hôm 08/06 rằng: “Việt Nam có triển vọng tươi sáng”.
|
Từ đầu năm đến nay, chỉ số MSCI thị trường sơ khai tăng 14%. Tính đến tuần kết thúc ngày 07/06, chỉ số này đã bứt phá 7 tuần liên tiếp, đợt leo dốc dài nhất trong hơn một năm và đóng cửa tại 562.78 điểm, mức cao nhất trong 25 tháng vào hôm 05/06. Trong khi đó, chỉ số MSCI All-Country chỉ tăng 7.5% trong năm nay.
Theo ông Samir Shah, Giám đốc đầu tư của Advance Emerging Capital tại London cho biết các thị trường sơ khai đã tránh được đà sụt giảm của các thị trường cổ phiếu thế giới vì các diễn biến trong nước đã trở thành động lực lớn hơn và định giá rẻ hơn đã hỗ trợ cho cổ phiếu của các thị trường này.
Theo số liệu của Bloomberg, việc mua vào cổ phiếu của các thị trường sơ khai cũng khó khăn hơn so với các thị trường phát triển. Tổng cộng 8.6 tỷ cổ phiếu trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index được sang tay trong tháng 5, thấp hơn so mức 1.52 ngàn tỷ cổ phiếu của chỉ số MSCI Emerging Markets Index.
Tương quan 90 ngày giữa chỉ số MSCI thị trường sơ khai và chỉ số MSCI World Index của các quốc gia phát triển là 0.35, thấp hơn so mức 0.6 giữa MSCI thị trường mới nổi và MSCI World Index. Thêm vào đó, chỉ số MSCI của thị trường sơ khai có P/E forward là 11 lần, thấp hơn so mức 13 lần của chỉ số MSCI All-Country. Lợi suất cổ tức của chỉ số thị trường sơ khai cũng tăng 3.9%, mạnh hơn so với mức 2.6% của MSCI All-Country.
Dù định giá của các thị trường sơ khai vẫn còn thấp so với các thị trường cổ phiếu toàn cầu nhưng đang đắt hơn so với trước đây. P/E forward của chỉ số thị trường sơ khai đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2011 và cao hơn 12% so mức bình quân 3 năm là 9.6.
Động lực cho đà tăng mạnh của một số thị trường sơ khai bứt phá mạnh nhất trong năm nay là sự tăng tốc của nền kinh tế và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư của Chính phủ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo các nền kinh tế sơ khai sẽ tăng trưởng bình quân 3.4% trong năm nay, cao hơn so mức 3.3% của kinh tế thế giới nói chung.
Phước Phạm (Vietstock)
Infonet
|