Chưa thể có một phép màu
Trong những ngày qua, thông tin về việc ra đời Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) cũng như thông tin về gói tín dụng hỗ trợ nhà ở bắt đầu được triển khai, được kỳ vọng sẽ giúp phá vỡ cục máu đông nợ xấu, và từ đó dòng vốn tín dụng sẽ lưu thông. Nhưng liệu rằng kỳ vọng và thực tế sẽ giống nhau?
Số liệu thống kê mới nhất của NHNN đưa ra mới đây cho thấy, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 5 chỉ vào khoảng 2,29% và theo dự báo lạc quan của cơ quan này thì đến hết tháng 5, tăng trưởng có thể đạt mức 3%. Hiện tại, theo tìm hiểu ở một số NH, nhiều DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được tiếp cận dòng vốn từ NH với mức lãi suất khá thấp từ 7- 8%/năm.
Nhưng dù lạc quan thì cũng phải thấy rằng, con số tăng trưởng tín dụng 12% mà NHNN đã đặt ra hồi đầu năm hiện đã hết sức xa vời. Trong báo cáo kinh tế vừa được NH Standard Chartered công bố ngày hôm qua, NH này cũng cho rằng, trong giai đoạn từ cuối năm 2012 đến tháng 4.2013, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,4%. Kết quả này dù cao hơn so với con số tính đến tháng 3 nhưng vẫn còn xa vời so với mục tiêu 12% mà Chính phủ đề ra cho năm 2013. Theo nhận định của Standar Chartered, lãi suất cao có thể là nguyên nhân khiến cho hoạt động tín dụng tăng trưởng yếu ớt.
Tuy nhiên, liệu mức lãi suất được giảm xuống có thực sự làm giảm chi phí huy động vốn và thúc đẩy hoạt động cho vay của các ngân hàng hay không vẫn còn là dấu hỏi. Do quy mô của hoạt động tái cấp vốn còn khiêm tốn so với hoạt động cho vay, việc lãi suất hạ sẽ không trực tiếp giúp giảm thiểu chi phí huy động cho các NH. Quan trọng hơn nữa, chi phí huy động giảm cũng không hẳn sẽ giúp hoạt động cho vay khởi sắc hơn. Tình trạng thanh khoản dư thừa trong hệ thống cho thấy việc các NH thiếu tự tin trong công tác quản trị và khả năng giải quyết nợ xấu còn là một vấn đề hóc búa hơn nữa đối với bài toán thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Điều này cho thấy, vấn đề vốn tín dụng tăng thấp không còn là nguyên nhân do lãi suất mà cốt lõi là do các nhân tố bên cầu của nền kinh tế. Nhìn lại báo cáo các NH sau 4 tháng đầu năm 2013 đều báo cáo mức tăng trưởng tín dụng thấp, đồng thời các NH lại phải trích lập dự phòng nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái do tỉ trọng nợ xấu ngày một tăng cao trên bảng cân đối kế toán. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhu cầu sử dụng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện bởi lượng tồn kho của DN rất lớn.
Vì thế, các DN chủ yếu tập trung vào việc bán tháo hàng tồn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm rất mạnh, người dân tăng cường thắt chặt chi tiêu. Các DN không còn tài sản thế chấp để vay thêm và các NH cũng không dám tăng nhanh tín dụng. Mặc dù lãi suất vay đã xuống rất thấp, có thể nói là thấp nhất trong lịch sử, nhưng các DN vẫn không mặn mà đi vay.
Để xóa bỏ những rào cản đó đòi hỏi quá trình tái cấu trúc phải được thực hiện một cách quyết đoán. Từ đầu năm đến nay, quá trình tái cấu trúc đã diễn ra một cách chậm chạp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam từ 5,8% xuống 5,2%, phản ánh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu.
Như vậy có thể thấy vấn đề cốt lõi, cơ bản nhất trong thời gian này là tái cơ cấu nền kinh tế thì chưa làm được. Cho đến nay đây vẫn chỉ là những khẩu hiệu chung chung, chưa có một đề án tổng thể cụ thể, thiết thực để thực hiện.
Việc đưa ra đề án tái cơ cấu, lẽ ra phải từ đề án chung, rồi mới đến các đề án riêng, thì hiện đang làm ngược lại. Sau hai lần bị trì hoãn, Cty quản lý tài sản (AMC) nhằm giải quyết nợ xấu trong ngành NH cũng đã ra đời. Nhưng thật sự nếu mong chờ VAMC giải quyết một phần nào đó các bất ổn thì cũng không nên trông chờ nhiều, vì vấn đề chung chưa có gì cải thiện.
Gia Miêu
lao động
|