BIS: Các NHTW toàn cầu phải ngừng bơm tiền cho nền kinh tế
Nhà đầu tư toàn cầu bỗng nhiên hoảng loạn trong tuần trước chỉ vì một tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc cơ quan này có thể rút lại chương trình kích thích trong năm nay. Tuy nhiên, một tổ chức quyền lực hơn, đại diện cho các NHTW toàn cầu, lại muốn nhiều hơn thế.
* Ben Bernanke: Fed có thể cắt giảm QE trong năm 2013 và kết thúc hẳn vào giữa 2014
* Fed tiếp tục áp dụng QE3 và giữ nguyên lãi suất siêu thấp
Trong báo cáo định kỳ hàng năm, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết các ngân hàng trung ương (NHTW) toàn cầu nên ngừng áp dụng các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế. Thay vào đó, các NHTW nên khuyến khích các nhà chức trách đẩy mạnh cải cách.
BIS – tổ chức được xem là “NHTW của các NHTW” – cho biết: “Chúng ta đã vượt qua giai đoạn cao điểm của cuộc khủng hoảng và mục tiêu chính sách đã thay đổi để đưa các nền kinh tế vẫn còn ảm đạm sang các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh và bền vững”.
BIS đặt câu hỏi: “Trong thời điểm hiện tại, các NHTW có thực sự ‘áp dụng mọi biện pháp có thể’ để đạt được mục tiêu của mình?” Báo cáo cho biết mục tiêu ban đầu của chương trình kích thích là để “áp dụng mọi biện pháp có thể” để ngăn chặn sự sụp đổ về mặt tài chính.
Tuy nhiên tại thời điểm này, BIS gọi các chương trình kích thích là “dòng tiền rẻ” và đã trì hoãn các cuộc cải cách cần thiết trong nền kinh tế và hệ thống tài chính.
Nhà đầu tư đã và đang khá lo sợ về bất kỳ lời bàn tán nào xung quanh việc rút lại các biện pháp kích thích của các ngân hàng trung ương. Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc hai tuần liên tiếp sau khi Fed ám chỉ có thể ngừng áp dụng chương trình kích thích nhiều tranh cãi thông qua việc bơm 85 tỷ USD/tháng vào nền kinh tế Mỹ.
Hành động của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng đang khiến nhà đầu tư thận trọng.
PBoC vẫn đang kiểm soát chặt chẽ hệ thống tài chính và duy trì các chính sách nghiêm ngặt đối với các nhà cho vay nước này. Tuần trước, PBoC đã từ chối bơm tiền vào hệ thống tài chính bất chấp chi phí vay mượn ngắn hạn leo thang, khiến nhà đầu tư một phen chao đảo.
Trong khi đó, ECB đang mang tâm lý chờ đợi và dường như sắp áp dụng các biện pháp ngược lại. ECB cho biết sẵn sàng hành động thêm nếu nền kinh tế không thể phục hồi trong thời gian còn lại của năm nay. Ngân hàng này đã thảo luận về lãi suất âm để xoa dịu tình trạng thắt chặt tín dụng bằng cách khuyến khích các ngân hàng tại Nam Âu cho doanh nghiệp và người tiêu dùng vay tiền nhiều hơn.
Hiện châu Âu vẫn đang tranh cãi về việc nâng thuế và cắt giảm chi tiêu vốn là trọng tâm của Eurozone trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng tín dụng. Trong các tháng gần đây, các nhà làm chính sách châu Âu đã miễn cưỡng thừa nhận rằng chương trình “thắt lưng buộc bụng” vẫn còn hạn chế.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
Infonet
|