Bí đầu ra, xăng E5 cần thêm hỗ trợ
Đề xuất một hướng gỡ khó cho DN, ông Nguyễn Duyên Cường - Phó Trưởng Ban Thương mại (PVN) khuyến nghị, cần đưa các dự án phát triển năng lượng sinh học lên tầm quan tâm quốc gia, kêu gọi nhiều DN tham gia đầu tư, xem xét miễn và giảm thuế nhập khẩu với các thiết bị sản xuất xăng E5, miễn thuế môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và áp dụng thuế giá trị gia tăng bằng không.
Tiêu thụ đang là bài toán khó với hầu hết các nhà máy sản xuất cồn sinh học ethanol, nguyên liệu pha xăng sinh học E5 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Tại nhà máy ở Bình Phước, sản lượng sản xuất xăng E5 tính đến nay đang ở mức 38.605 m3 nhưng phải đưa đi xuất khẩu 21.778 m3 và chỉ tiêu thụ được hơn 16.000 m3 ở trong nước.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - đơn vị phân phối sản phẩm xăng E5 của PVN cho biết, năm 2010 Công ty bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường với số lượng nhỏ là 4.200 m3. Mặc dù lượng tiêu thụ có tăng lên nhưng ông Tuấn cho biết mức tăng thêm không đáng kể và rất "mờ nhạt".
Dự kiến trong năm 2013, lượng tiêu thụ chỉ ở mức 45.000 m3 - một khối lượng rất nhỏ chỉ tương đương số ethanol sản xuất trong 8 ngày của các nhà máy hiện nay, ông Tuấn quan ngại.
Ông Nguyễn Duyên Cường - Phó Trưởng Ban Thương mại (PVN) nói rõ: “Đầu tư nhà máy gặp khó khăn do đây là dự án mới, chi phí phát sinh, tiêu thụ trong nước không được đẩy mạnh nên lượng tồn kho lớn, nhiều cổ đông tham gia góp đang có ý định xin rút vốn”.
Ngay nhà đầu tư Nhật Bản, khi đầu tư rất tin tưởng vào triển vọng kinh doanh của dự án, nhưng nhìn thấy lộ trình thực hiện khá chậm và gặp nhiều khó khăn cũng đang xin rút vốn. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư cho xăng sinh học, gây ảnh hưởng chung đến chủ trương phát triển nhiên liệu sinh học, ông Cường cảnh báo.
Đề xuất một hướng gỡ khó cho DN, ông Cường khuyến nghị, cùng với việc rà soát đồng bộ các văn bản pháp lý để tạo thuận lợi cho sự phát triển của xăng E5, cần đưa các dự án phát triển năng lượng sinh học lên tầm quan tâm quốc gia, kêu gọi nhiều DN tham gia đầu tư. Việc quy hoạch vùng trồng sắn cần gắn với chính sách hỗ trợ cho người nông dân, quy hoạch quỹ đất, quy hoạch lại vùng nguyên liệu.
Đặc biệt, ông Cường cho rằng cần xem xét miễn và giảm thuế nhập khẩu với các thiết bị sản xuất xăng E5, miễn thuế môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và áp dụng thuế giá trị gia tăng bằng không.
Giải thích về chính sách thuế hiện nay, ông Hoàng Mạnh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện có nhiều chính sách thuế tạo cơ chế ưu đãi cho phát triển nhiên liệu sinh học. Đơn cử như sản phẩm ethanol cung cấp ra thị trường không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không mất phí bảo vệ môi trường như xăng thông thường. Đặc biệt, theo quy hoạch vùng nguyên liệu cho E5, các sản phẩm nông nghiệp đầu vào sản xuất loại nguyên liệu này đều không phải mất thuế...
Tuy nhiên, với kiến nghị miễn giảm thuế cho các thiết bị sản xuất xăng E5, ông Tuấn cho biết hiện chưa có danh mục cụ thể về các sản phẩm, thiết bị cần được hỗ trợ nên rất khó có căn cứ để đề nghị miễn, giảm thuế. Chưa kể, cơ chế chính sách hiện cũng chưa quy định rõ những ưu đãi thuế sẽ dành cho những đối tượng cụ thể nào? Cũng bởi, hiện chỉ có PVN là đơn vị duy nhất được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ thực hiện đề án phát triển xăng sinh học, nhưng thị trường này lại có sự tham gia của cả những đơn vị ngoài quốc doanh.
“Từ 2007 đến nay chưa có danh mục nào được các đơn vị liên quan đề xuất mà chúng tôi phải hoàn toàn chủ động. Hiện nay đã xây dựng danh mục hàng chưa sản xuất được nhưng Bộ Tài chính cũng không nhận được yêu cầu nào về việc miễn, giảm thuế cho thiết bị sản xuất xăng sinh học để đưa vào. Việc hỗ trợ thuế cho các đối tượng cũng cần được quy định cụ thể, có chủ trương rõ ràng để xây dựng chính sách thuế cho phù hợp”, ông Tuấn cho hay.
Là đơn vị được giao tiến hành xây dựng Quy hoạch sản xuất cồn nhiên liệu phục vụ cho ngành sản xuất nhiên liệu sinh học đến năm 2020, PVN hiện đã cùng một số đối tác xây dựng 3 nhà máy đặt tại ba miền Bắc - Trung - Nam, tổng công suất 300.000 m3 ethanol mỗi năm.
Trong đó, nhà máy tại Phú Thọ với 39% vốn góp của Tập đoàn, dự kiến sẽ đi vào vận hành vào cuối năm 2014; nhà máy Dung Quất được vận hành vào quý I/2013; và nhà máy đặt tại Bình Phước đã có sản phẩm từ năm 2012 (nhà đầu tư Nhật Bản là Itochu góp 49% vốn). Dự kiến đến năm 2014, cả 3 nhà máy đi vào hoạt động sẽ đáp ứng số ethanol pha được 6 triệu m3 xăng E5, tương đương với 94% nhu cầu tiêu thụ xăng của cả nước năm 2014.
|
Hà Sơn
thời báo ngân hàng
|