Thứ Hai, 13/05/2013 09:54

VTB: Cuộc sống sau liên doanh

Chặng đường Công ty Cổ phần Viettronic Tân Bình (VTB) đã đi qua giống như một bộ phim giàu kịch tính: họ đã mấy lần chứng kiến đối tác liên doanh dứt áo ra đi, để lại họ giữa muôn vàn gian khó.

VTB từng lắp ráp TV cho cả Sony và JVC.

Sau khi Đông Âu sụp đổ, Công ty Điện tử Tân Bình đã chuyển từ sản xuất tụ xoay (tụ điện để bắt sóng cho đài radio xuất khẩu đi Tiệp Khắc) sang lắp ráp tivi màu tiêu thụ trong nước. Không còn mối tiêu thụ ở Tiệp Khắc, VTB nhập khẩu nguyên liệu điện tử của 2 đối tác là Sony và JVC của Nhật. Sau vài năm, đối tác Sony đặt vấn đề liên kết với VTB thành lập Công ty Sony Việt Nam với vốn góp của Sony là 70%. Sau đó 2 năm, JVC cũng hợp tác với VTB như mô hình của Sony trước đây. Trong suốt thời gian liên doanh, VTB đã được 2 đối tác chia khá nhiều lợi nhuận.

Cuối 2008, Sony nói lời chia tay với VTB vì mức thuế nhập khẩu linh kiện cũng ngang ngửa với thuế nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh. Trong báo cáo tài chính của VTB, doanh thu và lợi nhuận của công ty này đều giảm do liên doanh bị giải thể. Đến cuối 2012, liên doanh giữa VTB và JVC cũng giải thể vì JVC không còn phát triển được nữa.

Khi đối tác ra đi, VTB nhanh chóng lên kế hoạch bù đắp lợi nhuận cho năm 2013.

Đầu tiên, VTB tìm cách tăng trưởng tại thị trường nội địa. May mắn cho họ là năm 2000, Công ty đã bắt đầu sản xuất đầu DVD, đầu karaoke. Đầu karaoke thương hiệu Vitek của VTB nằm trong nhóm 3 thương hiệu đầu karaoke hàng đầu tại Việt Nam.

Nhằm đánh mạnh thị trường nội địa, cuối năm ngoái, VTB bắt đầu mở thêm 2 công ty con là Công ty Cổ phần Vitek VTB Hà Nội và Vitek VTB TP.HCM. Hai công ty này là kênh phân phối, làm marketing quảng cáo sản phẩm tại 2 thành phố lớn. Cho đến thời điểm này, Công ty Vitek Hà Nội đã hoạt động khá tốt, giúp doanh số của VTB trong quý I/2013 tăng 35,3% so với quý I/2012.

Nhận định thị trường phía Bắc còn bỏ ngỏ khá nhiều nên VTB quyết định tích cực đánh mạnh vào khu vực này trong năm nay. Không chỉ dừng tại đó, tháng 6 này VTB đưa ra một đầu karaoke mới tích hợp cả phần mềm nghe nhạc, hát karaoke, 3G, wifi, lướt web... Và một phần mềm hát karaoke tích hợp điện toán đám mây cũng được đưa vào sản phẩm. VTB hy vọng sẽ thu được lợi nhuận khá từ sản phẩm mới này trong 3-5 năm nữa.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu cũng là một cứu cánh cho VTB trong dài hạn. Vì vậy, cách đây 3 năm, họ đã bắt đầu đi tìm hiểu một số thị trường như Lào, Campuchia và Myanmar.

VTB đã tham dự triển lãm tại Myanmar vào năm 2009. Trước khi đi, Công ty xác định là đổi sản phẩm lấy gỗ và đậu xanh. Tuy nhiên mọi việc không như mong muốn, khách hàng đối tác không đáp ứng được yêu cầu phân phối sản phẩm. Họ chỉ bán sản phẩm cho VTB nhưng không mở những trạm bảo hành, trong khi VTB không đủ chi phí mở trạm bảo hành. Sản phẩm tủ lạnh thường phải bảo hành trong 5 năm. Nếu chỉ bán mà không bảo hành thì Công ty không có cơ hội phát triển tại thị trường này. Thêm vào đó, sự có mặt của rất nhiều sản phẩm Trung Quốc giá rẻ tại Myanmar càng khiến VTB khó cạnh tranh.

Sau đó, VTB nhắm đến thị trường Cuba và may mắn, khách hàng này chấp nhận phân phối sản phẩm tủ lạnh nhãn hiệu Cerano của VTB dưới phương thức trả tiền ngay. Mặc dù lợi nhuận không cao vì phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc nhưng đây là thị trường tiềm năng của VTB. Tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm tủ lạnh của VTB hiện nay là 60-70% nên Công ty có thể chấp nhận bán giá rẻ cạnh tranh với Trung Quốc tại thị trường này.

Cho đến năm 2012, Công ty xuất khẩu khoảng 8.000 chiếc tủ lạnh sang Cuba. Đây là giai đoạn VTB chủ định giữ thị trường và xây dựng thương hiệu. VTB cũng đang có kế hoạch hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện lạnh tại Cuba, vốn đầu tư vào khoảng 67,5 triệu USD. Bên cạnh đó, nhà phân phối tại Cuba đang lên kế hoạch đưa tủ lạnh của VTB xuất khẩu sang một số nước châu Mỹ Latinh.

Một nguồn khác cũng đang giúp VTB thu được lợi nhuận là bất động sản. Trong thời gian VTB được chia lợi nhuận từ 2 đối tác liên doanh, họ đã đem tiền đầu tư vào một số lĩnh vực như điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin, tài chính, bất động sản. Lúc này, VTB bắt đầu tận dụng lợi thế mặt bằng vốn có. Công ty đem tất cả những mặt bằng cho thuê và thu về khoản tiền khá lớn bù đắp vào hoạt động kinh doanh của VTB trong năm nay.

Với mục tiêu trước mắt, VTB đang hy vọng mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay sẽ đạt mức 13%.

Thanh Hương

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   HSG: 7 tháng vượt 13% kế hoạch lợi nhuận năm (13/05/2013)

>   ĐHĐCĐ PMC: Kế hoạch lãi 2013 giảm hơn 13%, cổ tức 4 năm không đổi (11/05/2013)

>   BHS: Tồn kho tăng 55%, lợi nhuận quý 1 giảm mạnh (11/05/2013)

>   Tường thuật ĐHĐCĐ thường niên của Vinacafe Biên Hòa (11/05/2013)

>   SAV: Quý 1 lợi nhuận giảm 36.7% (10/05/2013)

>   NVT: Quý 1 lãi vỏn vẹn 1.5 tỷ đồng sau 10 quý lỗ liên tiếp (12/05/2013)

>   CCL: Nghị quyết Hội đồng Quản trị về việc phân công nhiệm vụ các Thành viên HĐQT (10/05/2013)

>   LBM: Quý 1 lợi nhuận tăng gần 70% (10/05/2013)

>   LBM: BCTC CTY MẸ Q1-2013 (10/05/2013)

>   OGC: Thành lập chi nhánh Hà Tĩnh (10/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật