Tranh chấp với khách hàng: Trách nhiệm của pháp nhân đến đâu?
Trong trường hợp nhân viên của ngân hàng, CTCK… đại diện cho pháp nhân đứng ra giao dịch thì pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói nhân viên cố tình làm sai, vi phạm pháp luật, DN không biết và không chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Phụng
|
Trong những tranh chấp về tài sản giữa khách hàng và các DN, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực tài chính như chứng khoán, ngân hàng…, có tình trạng DN vạch lỗi của nhân viên và cho rằng, cá nhân nhân viên phải chịu trách nhiệm đối với phần thiệt hại của khách hàng. Vậy trách nhiệm của pháp nhân đến đâu, cá nhân làm sai chịu trách nhiệm đến đâu, quyền lợi của khách hàng được đảm bảo như thế nào? ĐTCK đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phụng, thành viên Ủy ban Tư pháp thuộc Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ông có nhận xét gì về một số trường hợp tranh chấp mà trong đó DN chỉ ra các sai phạm của nhân viên và cho rằng, nhân viên phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai phạm đó dẫn tới?
Thực ra, trong tình hình kinh tế khó khăn thì tranh chấp có xu hướng tăng lên và mỗi một tranh chấp sẽ có tình tiết riêng biệt mà phải xem xét đầy đủ hồ sơ, chứng cứ mới có thể đưa ra nhận định trách nhiệm thuộc về ai, khách hàng có được bồi thường hay không… Không phải lúc nào lỗi cũng thuộc về DN, bởi trong nhiều trường hợp chính khách hàng cũng “vượt rào”, tham gia các giao dịch chưa được pháp luật thừa nhận dẫn đến thiệt hại.
Dù vậy, vẫn phải có nguyên tắc xác định trách nhiệm của các bên?
Xét trường hợp nhân viên đại diện cho pháp nhân tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch và trong quá trình thương thảo, ký kết, thực hiện… nhân viên có sai phạm dẫn đến thiệt hại tài sản của khách hàng (ở đây phải nhấn mạnh là giao dịch của khách hàng phải hợp pháp, không có “khuất tất” gì), thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm. Ví dụ như khách hàng đến ngân hàng gửi tiền và nhận sổ tiết kiệm hợp pháp do ngân hàng phát hành, sau đó nhân viên ngân hàng lợi dụng kẽ hở quản lý để biển thủ số tiền của khách hàng thì trách nhiệm thuộc về pháp nhân.
Nhưng nếu nhân viên của pháp nhân tham gia giao dịch với tư cách cá nhân hoặc khách hàng móc ngoặc với nhân viên của pháp nhân để tham gia giao dịch ngoài luồng thì không thể ràng buộc trách nhiệm cho pháp nhân. Chẳng hạn, nhân viên ngân hàng huy động tín dụng trên thị trường “đen” với hứa hẹn trả lãi suất cao rồi vỡ nợ thì đó không thể coi là trách nhiệm pháp nhân.
Nói chung, theo tôi, trong nền kinh tế thị trường rộng mở, độ hòa nhập với kinh tế thế giới ngày càng tăng, thì chúng ta phải tuân theo thông lệ quốc tế. Những thông lệ đó đã được tiếp nhận và phần nào luật hóa. Trong trường hợp nhân viên của ngân hàng, CTCK… đại diện cho pháp nhân đứng ra giao dịch thì pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói nhân viên cố tình làm sai, vi phạm pháp luật, DN không biết và không chịu trách nhiệm. Bởi, nhân viên là do DN tuyển dụng, được phân công, bổ nhiệm để thay mặt pháp nhân thực hiện giao dịch, thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm đến cùng, không thể để khách hàng chịu thiệt. Sau đó, trong nội bộ của pháp nhân có thể xử lý cá nhân làm sai với nhiều hình thức như điều chuyển, cho thôi việc, yêu cầu bồi thường, thậm chí cả trách nhiệm hình sự.
Nếu hiện tượng pháp nhân không thừa nhận đó là khách hàng của mình và từ chối trách nhiệm trở nên phổ biến hơn thì có hệ lụy gì cho thị trường, theo ông?
Để DN có thể hoạt động hiệu quả, điều quan trọng là phải tạo được niềm tin, uy tín với khách hàng và đối tác, đặc biệt là với những DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Nếu với cung cách làm việc từ chối trách nhiệm khi xẩy ra tranh chấp trở nên phổ biến, thì không chỉ làm mất niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của một DN cá biệt, mà còn ảnh hưởng tới niềm tin thị trường vào hệ thống DN. Vì vậy, chúng ta phải làm cho rõ, đừng vì khoản lợi nhỏ mà ảnh hưởng tới cái chung, con sâu làm rầu nồi canh.
Hơn nữa, khi khách hàng có bức xúc, khiếu nại… thì DN cũng cần phải lắng nghe, tìm hiểu rồi đưa ra giải pháp, dù có cho rằng pháp nhân không phải chịu trách nhiệm thì cũng cần tiếp xúc, giải thích để khách hàng hiểu, tránh tình trạng bỏ mặc hoặc đổ hết lỗi cho nhân viên hoặc khách hàng.
Như ông có nói, nếu nhân viên đại diện cho pháp nhân tham gia giao dịch thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm. Vậy khách hàng cần lưu ý gì để đảm bảo là giao dịch này được pháp nhân thừa nhận và đảm bảo quyền lợi?
Đầu tiên là phải giao dịch tại trụ sở, nơi làm việc của pháp nhân, nhất là với ngân hàng, tránh tình trạng hợp đồng bị vô hiệu khi được ký ở những địa điểm bên ngoài, với giấy tờ, chữ ký và con dấu có thể bị làm giả. Ngoài ra, khách hàng cũng không nên tùy tiện “nhờ” hoặc ủy quyền bằng miệng cho nhân viên của pháp nhân thực hiện hộ một số giao dịch, tránh tình trạng bị lợi dụng tài khoản, dẫn đến nguy cơ rủi ro rất cao, mà khi có tranh chấp cũng chưa chắc khách hàng đã đúng hoàn toàn, bởi việc ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật mới được thừa nhận. Nói chung, bản thân khách hàng cần có ý thức bảo vệ tài sản của mình khi tham gia các giao dịch hợp pháp, không “móc ngoặc” với nhân viên để lách luật.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp:
Khi phát sinh tranh chấp giữa khách hàng và DN, phải xác định quan hệ giữa khách hàng với DN trong trường hợp này là quan hệ tín dụng, quan hệ gửi giữ tài sản hay quan hệ dân sự. Từ đó xác định trách nhiệm của DN, tùy thuộc vào những quy định của pháp luật về các loại hợp đồng liên quan. Đối với những giao dịch không có hợp đồng, thỏa thuận bằng văn bản, thì trách nhiệm của DN thể hiện ở điều lệ của DN đó, các thông báo (đề nghị giao kết hợp đồng) về các gói dịch vụ.
DN chỉ không phải chịu trách nhiệm đối với những mất mát tài sản của khách hàng khi rơi vào trường hợp bất khả kháng, ngoài sự kiểm soát của DN. Nếu do lỗi quản lý thì DN vẫn phải chịu trách nhiệm. Ngoài trách nhiệm theo hợp đồng, khách hàng có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Đối với khoản tiền, tài sản mà khách hàng gửi trong DN thông qua một tài khoản điện tử mà bị mất mát, thì trước tiên trách nhiệm phải thuộc về DN – đơn vị quản lý, trông giữ tài sản. Những nhân viên thực hiện công việc theo đúng thỏa thuận lao động thì họ không có lỗi. Nếu nhân viên của DN vi phạm pháp luật để chiếm đoạt số tài sản đó của khách hàng thì bản thân nhân viên sẽ chịu chế tài của pháp luật, nhưng DN sẽ bị mất uy tín và có thể gắn với trách nhiệm của người quản lý DN. Do vậy, trách nhiệm của DN không chỉ phát sinh khi giao kết hợp đồng với khách hàng hoặc khi có sự việc xảy ra, mà ngay từ khi tuyển dụng nhân viên và quản lý, điều hành nhân viên làm việc thì DN đã phải lường trước những hậu quả xấu có thể xảy ra khi nhân viên của mình làm ẩu hoặc bất chấp pháp luật.
Bên cạnh đó, khách hàng cần nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực đã ký hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên để bảo vệ quyền lợi của mình.
|
Nguyễn Duy
đầu tư chứng khoán
|