Tổng công ty Sông Hồng bết bát vì "nhà đông con"
Liên tiếp nhiều năm Tổng công ty Sông Hồng thua lỗ vì làm ăn kém hiệu quả, "nhà đông con" và do bị các đối tác nợ không thanh toán.
Liên tiếp nhiều năm Tổng Công ty Sông Hồng làm ăn kém hiệu quả
|
Trước thời điểm Tổng Sông Hồng chính thức được chuyển đổi hình thức hoạt động sang Công ty Cổ phần từ tháng 5/2010, đơn vị này đã nợ lũy kế 121,6 tỷ đồng.
Sau khi cổ phần hóa, từ tháng 5/2010 đến nay, Sông Hồng có hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao: lợi nhuận trước thuế hợp nhất của toàn công ty năm 2011 chỉ đạt 2 tỷ đồng, năm 2012 chỉ đạt 5,1 tỷ đồng.
Nguyên nhân Sông Hồng hoạt động kém hiệu quả, theo đánh giá của ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Sông Hồng là do Sông Hồng đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư vốn góp tại một số Công ty cổ phần hoạt động bị thua lỗ trong nhiều năm như: Công ty CP Sông Hồng số 6; Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Sông Hồng; Công ty CP Sông Hồng số 36; Công ty CP Sông Hồng Đà Nẵng và Công ty CP Thép Sông Hồng.
Ngoài ra, Sông Hồng còn gặp khó khăn trong tài chính từ việc chuyển đổi khoản nợ phải thu khó đòi 102 tỷ đồng từ dự án Nhà máy Cán thép Việt Trì thành tiền góp vốn điều lệ vào Công ty CP Thép Sông Hồng càng làm mất cân đối tài chính cho TCty; Việc xác định tăng giá trị vốn Nhà nước lên 104 tỷ đồng từ định giá lại các tài sản gồm: Trường trung cấp nghiệp vụ kỹ thuật Sông Hồng (là đơn vị không sinh lợi nhuận, hàng năm Sông Hồng vẫn phải hỗ trợ kinh phí hoạt động, chia cổ tức cho phần vốn được định giá của nhà trường), trụ sở Tổng công ty tại 70 An Dương, Tây Hồ, Hà Nội và giá trị thương hiệu của Sông Hồng càng làm cho tình hình tài chính của đơn vị này gặp khó khăn, thiếu nguồn tiền khi thanh toán đến hạn trả.
Từ năm 2010, Sông Hồng đã tập trung tài chính để tham gia thi công xây lắp các công trình có giá trị lớn nhưng đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán như: Công trình Nhà thi đấu đa năng TP Đà Nẵng – công trình đã hoàn thành bàn giao cho chủ đầu tư từ tháng 12/2010 nhưng chủ đầu từ còn nợ TCty khoảng 110 tỷ đồng; Công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đang được chủ đầu tư phối hợp với các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ trình các bộ, ngành liên quan phê duyệt giá trị khối lượng phát sinh không lường trước, trong đó phần giá trị của TCty khoảng 400 tỷ đồng…
Thủy điện Ngòi Hút do Tổng Công ty Sông Hồng làm chủ đầu tư
|
Nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân khiến Sông Hồng hoạt động bết bát là do đơn vị này đã nhà nghèo lại còn đông con. Sông Hồng có tới 37 đơn vị ( 01đơn vị sự nghiệp, 14 Cty con , 14 Cty liên kết và tham gia đầu tư tài chính vào 8 Cty)
Phương án để thoát khỏi tình trạng khó khăn mà Sông Hồng đưa ra là thoái vốn tại các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.
Theo phương án tái cấu trúc, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Sông Hồng thực hiện kiện toàn bộ máy tổ chức Công ty mẹ; Đề nghị chuyển Trường Trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Sông Hồng về Bộ Xây dựng. Theo đó sau khi điều chuyển, vốn điều lệ của Sông Hồng vẫn được giữ nguyên là 270 tỷ đồng và thực hiện tăng vốn điều lệ theo quy định, lộ trình phê duyệt của tập đoàn.
Đối với các Công ty con, Công ty liên kết và đầu tư tài chính: Giữ nguyên 8 Cty con hoạt động ổn định, hiệu quả. Thoái vốn đầu tư tại 14 đơn vị, gồm 6 Công ty con, 6 Công ty liên kết, 2 Công ty tham gia góp vốn đầu tư tài chính.
Thực hiện tăng vốn điều lệ và điều chỉnh tăng, giảm tỷ lệ vốn góp của TCty tại một số đơn vị phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu sản xuất.
Sau khi tái cấu trúc, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, Sông Hồng sẽ chỉ còn gồm 16 đơn vị (8 Công ty con, 8 Công ty liên kết), Sông Hồng chỉ tham gia đầu tư tư tài chính vào 6 Công ty, giảm 15 đầu mối.
Hữu Tuấn
đầu tư
|