PPC: Lợi nhuận tăng vọt, bán hay mua?
Ngày 06/05, CTCP Nhiệt Điện Phả Lại (HOSE: PPC) công bố BCTC quý 1/2013 với lợi nhuận trước thuế nhảy vọt, đạt 1,012 tỷ đồng chỉ riêng 3 tháng đầu năm, gấp 2.5 lần kế hoạch năm và cũng đưa công ty này lần đầu tiên gia nhập “Câu lạc bộ nghìn tỷ“ trên sàn chứng khoán.
Giao dịch cp PPC trong 5 phiên vừa qua
|
Đồng thời, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PPC cũng có phiên giao dịch hút khách trong ngày 07/05. Giá đóng cửa đạt 23,600 đồng/cp, tăng 5.36% và khối lượng khớp lệnh lên tới 3.2 triệu cổ phiếu, gấp 3.5 lần khối lượng giao dịch trung bình cả 3 tháng gần đây.
Điều này cho thấy mức lợi nhuận đột biến vừa được công bố của PPC có thể châm ngòi cho một “uptrend” mới của cổ phiếu này. Tuy nhiên, liệu PPC có thực sự hấp dẫn?
Hoạt động tài chính chiếm 70% lợi nhuận trước thuế
Doanh thu tài chính trong quý 1/2013 của PPC đạt 690 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tỷ giá JPY/VND tại ngày 31/03/2013 là 221.04 đồng/JPY, giảm 19.83 đồng so với thời điểm 31/12/2012, dẫn tới việc đánh giá lại khoản vay bằng JPY từ JBIC. Việc đánh giá lại chênh lệch tỷ giá ngoại tệ giúp cho PPC có thu nhập từ hoạt động này là 552 tỷ đồng.
Trong khi đó, khoản vay nợ dài hạn bằng JPY của PPC chỉ giảm 3.2% xuống còn 27.85 tỷ JPY (tương đương 6,156 tỷ đồng) sau khi đã trả 928.37 triệu JPY (tương đương 205 tỷ đồng) tiền gốc quý 1.
Lãi chưa thực hiện, nhưng thuế thì phải trả
Theo Thông tư số 123/2012/TT-BTC, lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại nợ của PPC sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế, tương ứng với việc PPC sẽ phải nộp khoản thuế TNDN khoảng 41 tỷ đồng bằng tiền mặt cho riêng khoản Lãi chênh lệch tỷ giá đang nằm trên sổ sách.
Như vậy, thay vì chỉ phải nộp khoảng 26.7 tỷ đồng thuế TNDN cho khoản lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (khoảng 350 tỷ đồng) và lợi nhuận khác (43 tỷ đồng) thì giờ đây, mức thuế TNDN mà PPC phải nộp sẽ là 68 tỷ đồng, gấp 2.5 lần con số nói trên.
“Tiền mặt là vua”, và dòng tiền càng xa thì càng không chắc chắn. Phần lợi ích từ việc JPY giảm giá chỉ được hiện thực hóa dần qua các năm khi PPC trả nợ các khoản vay bằng JPY.
Trên thực tế, kể từ cuối năm 2012, khi Nhật Bản dự kiến phá giá JPY, PPC đã có một chuỗi tăng giá dài với mức tăng lên tới 150%, trong khi VN-Index chỉ tăng hơn 25%. Rõ ràng, đến lúc này việc phá giá JPY đã phản ánh hầu hết vào mức giá của PPC.
So sánh mức tăng giá của PPC và VN-Index từ 11/2012 đến 05/2013
Nguồn: VNDirect
|
Bên cạnh lợi nhuận bởi đánh giá lại tỷ giá, liệu còn động lực gì khác để PPC tiếp tục đi lên?
Trung Clas (Vietstock)
FFN
|