Phát hoảng với những doanh nghiệp không biết lỗ hay lãi
Rất nhiều DN hôm nay báo lỗ ngày mai thành lãi và ngược lại. Các số liệu nhập nhằng, giải trình rắc rối khiến cho cổ đông, nhà đầu tư phát hoảng. Thậm chí, không ít DN cũng gánh lấy hậu họa khi cố làm đẹp số liệu để có một bản báo cáo không đúng với thực tế kinh doanh.
Doanh nghiệp cãi lại kiểm toán
Đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Hacisco (HAS) hôm 24/5 khá nóng khi nhiều cổ đông đặt câu hỏi: Rốt cuộc trong năm 2012 HAS đã lỗ hay lãi?. Các khoản nợ khó đòi và chi phí đã hạch toán của HAS tại sao không được trích lập dự phòng?
Cuối cùng, đại hội vẫn thống nhất với kết quả HAS vẫn lãi 4,9 tỷ đồng trong năm 2012, không trích lập dự phòng và chốt chia cổ tức 6%; dự kiến năm 2013 lãi 3,5-4 tỷ đồng, cổ tức 3-5%.
Nổi bật nhất trong các điểm tranh cãi là việc HAS đã không điều chỉnh Báo cáo tài chính 2012 theo ý kiến của kiểm toán và BKS; đã không lấy ý kiến cổ đông thông qua Báo cáo tài chính 2012 (mà chỉ lấy ý kiến về kết quả hoạt động SXKD).
Trước đó, kiểm toán đã đưa ra ba ý kiến ngoại trừ với báo cáo tài chính của HAS. Theo đó, tại thời điểm kết thúc năm 2012, HAS vẫn chưa trích lập đủ dự phòng khoản phải thu khó đòi với dự phòng ước tính lên tới gần 19,6 tỷ đồng. Không những thế, trên khoản mục: chi phí SXKD dở dang của công ty tại thời điểm cuối 2012 đang theo dõi một số công trình đã hoàn thành (doanh thu đã được ghi nhận hết) nhưng chi phí vẫn chưa được phản ánh vào kết quả kinh doanh, số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.
Phụ lục báo cáo tài chính còn cho biết, tại thời điểm 31/12/2012, HAS đang theo dõi 51 tỷ đồng phải thu khách hàng, 2,6 tỷ đồng trả trước cho người cung cấp.
Báo cáo của BKS Hacisco cũng lưu ý về việc chưa trính lập dự phòng nợ phải thu khó đòi (19,6 tỷ) và chi phí SXKD của một số hợp đồng xây lắp đã hoàn thành (2,1 tỷ đồng) nhưng chưa ghi nhận vào kết quả SXKD.
Trong báo cáo gửi UBCK, HAS giải trình các khoản công nợ khó đòi một phần là do các đơn vị và cá nhân đã tạm ứng để thi công công trình nhưng chưa hoàn chứng từ thanh toán và một phần đã tạm ứng quá giá trị công trình.
Chí phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 2,1 tỷ (đã ghi nhận doanh thu) được giải thích là các khoản chi phí đã phát sinh từ 2004-2009, công ty đang tiến hành rà soát và giải quyết.
Từ thực tế trên, nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi: Vậy thì năm 2012 HAS thực sự lỗ hay lãi? Chưa hoàn thành chứng từ thanh toán có nghĩa là nếu có chứng từ thanh toán thì các khoản công nợ sẽ ăn vào lợi nhuận của DN? Chi phí của công trình đã hoàn thành tại sao không hạch toán?. Nếu tính đủ thì HAS sẽ lỗ hơn 16 tỷ đồng, chứ không phải lãi?. Với thực tế này, bây giờ DN có tý lãi nhưng có bị hồi tố chuyển từ lãi sang lỗ như hàng loạt các trường hợp gần đây không?.
Gần đây, nhiều nhà đầu tư hẳn còn hằn vết đau với cổ phiếu PVX của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam tụt giảm sau khi DN này điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính 2011 với kết quả đảo ngược từ lãi sang lỗ hơn 19 tỷ đồng. Cùng với khoản lỗ gần 1.350 tỷ đồng trong năm 2012, PVX bị đưa vào diện kiểm soát và rất có thể đại gia này sẽ bị hủy niêm yết sau năm 2013 này (quý I/2013 vẫn lỗ).
Không ít nhà đầu tư có thể cũng phải bận tâm với khá nhiều các trường hợp điều chỉnh hồi tố hoặc kế hoạch điều chỉnh hồi tố gần đây như ở các DN Vinaconex, Vinalink, PPC, DXV…
Hậu họa cho tương lai?
Việc trích lập dự phòng được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định các khoản nợ khó đòi có thực sự phải trích lập dự phòng hay không hề đơn giản
Trên TTCK trong vài năm gần đây, hiện tượng vênh số liệu trở nên đáng báo động. Qua kiển toán, rất nhiều DN từ lãi trở thành lỗ, từ lỗ thành lỗ nhiều, từ lãi ti tí thành lãi khủng… Đau đớn hơn, nhiều DN bị hồi tố báo cáo tài chính từ các năm trước đó, từ lãi trở thành lỗ liên tiếp nhiều năm sau.
Vụ hồi tố nổi tiếng đầu tiên trên TTCK có lẽ là trường hợp Bông Bạch Tuyết (BBT). Giữa năm 2008 đã gây ra một cú sốc thực sự đối với giới đầu tư sau khi những điểm ngoại trừ và lưu ý của Kiểm toán viên trong BCTC kiểm toán năm 2006 đã được điều chỉnh hồi tố trong BCTC kiểm toán năm 2007. Theo kết quả hồi tố, lợi nhuận năm 2006 của BBT đã giảm 10,74 tỷ đồng khiến lợi nhuận ròng của năm 2006 từ lãi 2,26 tỷ đồng xuống thành lỗ 8,49 tỷ đồng.
Sự việc đã khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại; DN không phát hành được cổ phiếu; không giãn nợ được ngân hàng; và kết cục BBT bị hủy niêm yết, sụt lún vào bùn đen mà giới đầu tư ai cũng đã biết.
Trở lại trường hợp HAS, chỉ tính đơn giản nếu tính chi phí đã thực hiện 2,1 tỷ đồng nói trên (chưa tính tới 19,6 tỷ đồng nợ khó đòi), DN này sẽ chỉ còn lãi 2,8 tỷ đồng. Con số này không đủ để chia cổ tức 6% cho 8 triệu cổ phần (theo kế hoạch cần 4,8 tỷ đồng).
Có rất nhiều nguyên nhân và nhiều cách giải thích cho tình trạng loạn lỗ - lãi của DN nhưng điều này cho thấy một thực tế đáng báo động về chuẩn xác của số liệu, tính minh bạch trong kinh doanh của các DN. Sâu xa hơn, người ta hoàn toàn có thể đặt vấn đề về những lợi ích và vấn đề chi phối làm sai lệch các kết quả báo cáo.
Việc kết luận đúng sai của từng trường hợp là không hề dễ ngay cả với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp nhà đầu tư, cổ đông luôn là người thiệt thòi. Sự nhập nhằng này còn khiến cho niềm tin vào thi trường sụt giảm. Điều đáng buồn, những chuyện như thế này lại không hề ít trên thị trường chứng khoán.
Huấn Tú
diễn đàn kinh tế Việt Nam
|