Nouriel Roubini: Phục hồi nóng, TTCK có nguy cơ sụp đổ 2 năm tới
Chuyên gia kinh tế nổi tiếng Nouriel Roubini cho biết bong bóng chứng khoán vẫn chưa xuất hiện nhưng đà phục hồi mạnh mẽ của các tài sản rủi ro trong vòng hai năm tới có thể khiến thị trường đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
* Những dấu hiệu cảnh báo một cuộc đại suy thoái mới
* Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 15,000, S&P 500 bước vào thị trường “con bò”
Theo Nouriel Roubini, thị trường sẽ trở nên lộn xộn một khi quá trình thắt chặt tiền tệ bắt đầu và sẽ tiếp tục đảo lộn khi quá trình này hoàn tất.
|
Trong bài nhận định trên CNBC, ông cho biết thêm, tâm lý trên phố Wall (Wall Street) và Main Street vẫn còn rất khác xa nhau, và nền kinh tế thực còn rất yếu.
Ông đưa ra nhận định trên sau đà bứt phá mạnh lên các mức cao kỷ lục của thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày thứ Ba. Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 15,000 điểm và S&P 500 đóng cửa tại mức cao mọi thời đại 1,625.96 điểm.
Bên cạnh đó, Roubini còn cho biết quá trình bình thường trở lại của lợi suất trái phiếu sẽ diễn ra rất chậm. Được biết, lợi suất đã chạm mức thấp kỷ lục do chương trình mua trái phiếu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Hiện tại, hàng tháng Fed đang mua vào 40 tỷ USD chứng khoán thế chấp và 45 tỷ USD trái phiếu kho bạc nhằm duy trì lãi suất ở mức thấp cho tới khi tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 6.5% và lạm phát vượt 2.5%.
Trước đó vào hôm 02/05, Nouriel Roubini cho biết cam kết nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed có thể dẫn đến bong bóng tài sản và cổ phiếu trong hai năm tới. Đặc biệt, ông cho biết cuộc khủng hoảng này sẽ tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng trước.
Người đồng sáng lập kiêm Chủ tịch của Roubini Global Economics, người từng dự báo chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho biết: “Vấn đề ở đây là động thái bơm thanh khoản của Fed không tạo ra tín dụng cho nền kinh tế mà chỉ gia tăng đòn bẩy và làn sóng đầu tư vào tài sản rủi ro trên các thị trường tài chính”.
Ông giải thích thêm: “Việc phát hành trái phiếu rủi ro theo các chính sách nới lỏng tiền tệ và mức lãi suất cực thấp đang gia tăng trở lại; thị trường chứng khoán đang xác lập các mức cao mới bất chấp đà tăng trưởng đang suy yếu; và dòng tiền đang đổ vào các thị trường mới nổi”.
Theo Roubini, việc rút lại dần chính sách nới lỏng định lượng (QE) cũng sẽ tương tự như năm 2004, thời điểm Fed bắt đầu nâng lãi suất. Từ tháng 6/2004 đến tháng 12/2007, Fed đã nâng liên tục lãi suất, mỗi lần 0.25%. Động thái nâng lãi suất từ từ này được cho là xuất phát từ việc Fed đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian quá dài và điều này đã khiến bong bóng thị trường nhà ở ngày càng tồi tệ.
Theo Roubini, chương trình của Fed và các chương trình tương tự từ những ngân hàng trung ương khác luôn đi kèm với các hậu quả khó lường với việc khu vực ngoại vi Eurozone thậm chí đang hưởng lợi từ dòng thanh khoản ngày càng dồi dào này.
Roubini cho biết thậm chí khi lãi suất bắt đầu tăng, theo dự đoán của ông là vào năm 2015, thì quá trình này cũng sẽ diễn ra chậm và từ từ. Tuy nhiên, ông không đưa ra biện pháp thay thế. Thay vào đó, ông cho biết việc thắt chặt chính sách quá nhanh có thể khiến các thị trường tài sản sụp đổ và dẫn đến tình trạng hạ cánh cứng của nền kinh tế.
Theo ông, thị trường sẽ trở nên lộn xộn một khi quá trình thắt chặt tiền tệ bắt đầu và sẽ tiếp tục đảo lộn khi quá trình này hoàn tất.
Ông nói: “Việc rút lại các gói QE và chính sách lãi suất 0% có thể nguy hiểm: Nếu diễn ra quá nhanh, nền kinh tế thực sẽ sụp đổ còn nếu diễn ra quá chậm sẽ gây ra bong bóng khổng lổ và khiến hệ thống tài chính đổ vỡ. Nếu quá trình rút lại chính sách nới lỏng không thành công, Fed có thể khiến bong bóng nổ tung”.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|