Thứ Hai, 20/05/2013 08:47

Một số giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường vàng

Cơ chế và thực tiễn quản lý thị trường vàng thời gian qua tiếp tục là tâm điểm bàn thảo với nhiều ý kiến trái chiều. Sau khi chuyên mục Góc nhìn chuyên gia đăng bài viết của PGS-TS Ngô Trí Long, chúng tôi đã nhận được bài viết của ông Nguyễn Duy Lộ - người từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng bày tỏ sự đồng tình và đề xuất một số giải pháp.

Báo SGGP trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Mua vàng nữ trang.

Nên nhận thức thống nhất về vàng hóa

Tôi cho rằng chính sách xóa bỏ vàng hóa trong nền kinh tế là cần thiết nhưng phải có bước đi thích hợp theo lộ trình phát triển của hệ thống tiền tệ - ngoại hối. Trước hết, phải có nhận thức thống nhất về vàng hóa. Vàng hóa thể hiện qua các chức năng tiền tệ của vàng. Về chức năng phương tiện giá trị cất giữ của vàng đối với dân cư, bằng mọi hình thái vàng vật chất và cả phi vật chất, dứt khoát không thể xem đó là hiện tượng vàng hóa.

Việc cất giữ cần được hiểu rộng, gồm cất giữ tại nhà, mang theo người, gửi bảo quản tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có chức năng làm dịch vụ kho quỹ và cả việc dân ký gửi vàng trên tài khoản mở tại ngân hàng để lấy chứng chỉ vàng… Điều đó nên xem bình thường, không phải là vàng hóa. Cần khuyến khích mở rộng quan hệ dịch vụ cất giữ vàng giữa chủ sở hữu dân cư và các NHTM làm dịch vụ cất giữ hộ vàng. Trong dịch vụ này, ngân hàng có thể thu phí hay miễn thu, tùy điều kiện cất giữ thỏa thuận.

Cất giữ vàng là tập quán, thói quen của dân cư trong xã hội loài người. Đối với người Á Đông trong đó có Việt Nam, thói quen này càng sâu đậm hơn nhiều. Tuy nhiên cùng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế nói chung, giá trị của VNĐ ngày càng ổn định nói riêng, xã hội sẽ sử dụng rộng rãi tiền tệ để làm tài sản cất giữ, hoặc đưa vàng vào đầu tư phát triển kinh tế, dần dần chức năng cất giữ của vàng ngày càng giảm. Đây là quy luật kinh tế xã hội tất yếu sẽ diễn ra.

Đối với chức năng định giá của vàng trong các quan hệ kinh tế - xã hội, luật pháp nên kiên quyết xóa bỏ. Khi vàng làm chức năng định giá thay tiền bị loại bỏ, đương nhiên cần áp dụng luật pháp chế tài, chấm dứt việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán, chi trả thay tiền. Nói cách khác, trong các quan hệ kinh tế xã hội phát sinh giữa các thành phần, đối tượng chủ thể khác nhau có liên quan đến nghĩa vụ thanh toán tiền của bên này cho bên kia, nhất thiết cấm sử dụng vàng dưới mọi hình thức… Còn trong các quan hệ xã hội dân cư - gia đình, vàng vẫn tiếp tục được dùng làm tài sản có giá trị để biếu tặng; phân chia tài sản thừa kế hoặc làm lễ vật cưới xin… Các giao dịch này không nên ghép vào hiện tượng vàng hóa.

Sửa đổi NĐ 24 theo hướng linh hoạt hơn

Theo tôi, nội dung Nghị định (NĐ) 24 của Chính phủ phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của nước ta trong giai đoạn đất nước còn trong ngưỡng thu nhập trung bình thấp; các yếu tố kinh tế vĩ mô có nhiều bất cập, chưa ổn định. Những khuyến nghị về việc chỉnh sửa NĐ 24 của PGS-TS Ngô Trí Long rất đúng, nhưng phải có thêm thời gian để triển khai theo hướng sửa đổi từng phần, theo từng nội dung hoạt động kinh doanh phù hợp với yêu cầu cuộc sống ngày càng phát triển sau này.

Thực tế đòi hỏi cần xác định rõ lại nội hàm pháp lý vàng miếng theo tiêu chuẩn quốc gia sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế. NHNN cần đưa ra tiêu chuẩn chất lượng, trọng lượng… loại vàng miếng này. Tôi cho rằng, tất cả các loại vàng miếng đã sản xuất và lưu hành lâu nay do một số các đơn vị kinh doanh vàng đứng tên thương hiệu riêng, nếu đạt tiêu chuẩn quốc gia, đều có giá trị hàng hóa như nhau trong lưu thông.
Cá nhân tôi xin khuyến nghị thực thi NĐ 24 có tính linh hoạt hơn, ở các khâu sau: Đối với lĩnh vực nhập vàng nguyên liệu để sản xuất chế tác hàng mỹ nghệ trang sức phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, NHNN tiến hành cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm một cách đều đặn.

Còn việc có tiến hành nhập khẩu hay không là do đơn vị kinh doanh tính toán hiệu quả kinh tế. Không duy trì chính sách cấm nhập khẩu vàng như 2 năm qua. Còn đối với chính sách xuất khẩu sản phẩm mỹ nghệ vàng bạc, hàng trang sức thì được tiến hành tự do nhưng chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp trong diện được phép kinh doanh xuất khẩu vàng mỹ nghệ trang sức.

Cần sắp xếp lại các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên thị trường theo 3 loại: Doanh nghiệp kinh doanh đa năng, khép kín; Doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế tác; Doanh nghiệp chuyên thực hiện thương mại, mua bán lẻ nội địa. Với 3 loại hình doanh nghiệp trên, NHNN cần đưa ra tiêu chí cao nhất đối với loại hình kinh doanh đa năng, khép kín.

Đối với hệ thống NHTM tại Việt Nam, cần chấm dứt việc đầu tư, kinh doanh vàng dưới mọi hình thức. NHNN cần kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tách bạch các quỹ bình ổn thị trường ngoại tệ và vàng do NHNN quản lý tác nghiệp để điều tiết thị trường hàng ngày và không thuộc quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia thực hiện chức năng đảm bảo thanh khoản quốc tế của đất nước. Các quỹ trên đây gồm có ngoại tệ, vàng miếng và VNĐ. Đó là các quỹ bình ổn thị trường, với bản chất thực thi chức năng điều tiết của nhà nước trong quản lý, theo yêu cầu mục tiêu ổn định cung cầu thị trường mang nội hàm bình ổn tỷ giá và giá vàng, nhằm phục vụ mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước. Nên xem việc tăng giảm nguồn tiền từ các quỹ bình ổn do hoạt động tác nghiệp điều tiết thị trường tạo ra, không phải là sự lỗ, lãi kinh doanh của NHNN. Do vậy, cần xác định lại quan điểm kinh tế trong quản lý của NHNN là bình ổn thị trường vàng phải mang nội hàm mục tiêu là bình ổn giá vàng trên thị trường.

Không nên áp đặt chủ quan mức chênh lệch cao hay thấp của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới. Vì mục tiêu của chính sách tiền tệ là giữ bình ổn giá trị đối ngoại của VNĐ, tức tỷ giá hối đoái. Thời gian qua có lúc giá vàng thế giới hạ một cách đột ngột với mức giảm giá khác thường, nếu quy đổi mức giá ấy ra giá VNĐ theo yêu cầu có mức chênh lệch thấp từ 400.000 đồng đến mức cao hơn độ 1 triệu đồng chẳng hạn, thì giá vàng trong nước cần xác lập ra sao đây? Nếu không tung nhiều vàng ra để bán giá thấp thì buộc NHNN phải nâng giá VNĐ trong quan hệ đối ngoại, mà điều đó có thể đi ngược với mục tiêu chính sách tiền tệ.

NHNN cần làm rõ chức năng quản lý nhà nước đối với thị trường vàng và chức năng kinh doanh độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, kể cả độc quyền xuất khẩu vàng miếng. Theo tôi, NHNN từ lâu đã có Sở giao dịch thực hiện chức năng “ngân hàng của các ngân hàng” tiến hành các hoạt động kinh doanh tác nghiệp ngân hàng bán buôn. Chính sở giao dịch này có đủ điều kiện độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để phục vụ sản xuất vàng miếng theo tiêu chuẩn quốc gia cũng như độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. NHNN không cần có xí nghiệp sản xuất vàng miếng riêng trực thuộc, cũng không cần thành lập công ty xuất nhập khẩu vàng trực thuộc nào khác.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB):

Mặt tích cực là hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiểm soát gia công vàng miếng, ổn định được tỷ giá USD, đặc biệt là giá USD tại thị trường tự do không còn nhảy múa như những năm trước khi chênh lệch giá vàng cao. Tuy nhiên, với mức chênh lệch quá lớn giữa thị trường trong nước và thế giới, khó tránh khỏi việc giới kinh doanh nhập lậu vàng để tiêu thụ nội địa thông qua việc chuyển hóa qua vàng nữ trang. Để lập lại trật tự trên thị trường, cần có nhiều DN hơn nữa tham gia đấu thầu. Khi nhiều đơn vị tham gia, có khi họ cũng tham gia bán cùng với NHNN chứ không chỉ mua như hiện nay. Lúc đó, nguồn vàng mới thực sự đi ra thị trường và phát huy hiệu quả làm giảm nhiệt giá.

TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính ĐH Kinh tế TPHCM:

Chính sự độc quyền vàng miếng của NHNN đã dẫn đến sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao. Từ đầu năm 2011 đến tháng 9-2012 giá vàng chênh lệch chỉ vài trăm ngàn đồng, sau khi NHNN quản lý thị trường vàng theo hướng độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng SJC, đã làm lực cầu vàng miếng SJC của người dân và cả những ngân hàng nhằm tất toán trạng thái vàng vào tháng 6-2013 đã được khuếch đại, trong khi nguồn cung thị trường thiếu nên giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch ngày càng cao vì cung không đủ cầu. Chênh lệch giá vàng trong nước với giá thế giới càng cao thì người giữ vàng tồn kho càng được lợi vì số vàng ấy được định giá cao hơn. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ hiện nay ai đang giữ số vàng tồn kho đó.

TS Phạm Đỗ Chí, nguyên chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF):

Hiện nay NHNN đang rơi vào 3 thế kẹt trong quản lý thị trường vàng: thứ nhất, nếu ngưng đấu thầu vàng thì thị trường sẽ hỗn loạn và giá vàng trong nước tiếp tục tăng; thứ hai, nếu tiếp tục bán thêm ra thị trường thì lượng vàng dự trữ ngoại hối sẽ cạn dần; thứ ba, NHNN nhập vàng mới về bán thì tiêu hao dự trữ ngoại hối. Trong thời gian tới, nếu NHNN không giải quyết được 3 thế kẹt này thì thị trường vàng có thể có biến động. Đã đến lúc cần trả lại tiếng nói cho thị trường vàng.

Nhung Nguyễn ghi


Nguyễn Duy Lộ - Chuyên gia tài chính - tiền tệ

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Cử tri băn khoăn năng lực điều hành thị trường vàng (19/05/2013)

>   Giá vàng tuần tới: Áp lực giảm đeo bám (19/05/2013)

>   Vàng SJC đắt hơn vàng thế giới gần 6 triệu đồng/lượng (18/05/2013)

>   Né cú tát của “gấu vàng” (18/05/2013)

>   Vàng mất hơn 100 USD/oz sau 7 phiên lao dốc không ngừng nghỉ (18/05/2013)

>   Vì sao vàng đấu thầu dư bán? (17/05/2013)

>   Credit Suisse: Vàng sẽ xuống 1,100 USD/oz trong 12 tháng tới (17/05/2013)

>   Ế 18.000 lượng vàng đấu thầu (17/05/2013)

>   Giá vàng trong nước xuống sát 40,8 triệu đồng (17/05/2013)

>   Vàng mất sạch 6% sau 6 phiên liền tuột dốc (17/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật