Quận Bình Tân
Một lão nông yêu cầu doanh nghiệp bồi thường hơn 10 tỷ đồng
Số tiền này được liệt kê gồm nhiều khoản, trong đó lớn nhất là khoản bồi thường cho vườn cây ăn trái với hơn 20.000 cây (mãng cầu, xoài, ổi) cùng 7.531 cây mai bị san bằng. Bên cạnh đó, lão nông này còn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc cưỡng chế san bằng trang trại có dấu hiệu trái pháp luật...
“Quên” bồi thường hàng chục ngàn cây ổi và mai
Trong đơn khiếu nại gửi UBND thành phố và cơ quan chức năng, ông Dương Văn Sương (SN 1940, ngụ số 2 đường số 6, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TPHCM) trình bày, gia đình ông cùng 8 hộ trong dòng họ là chủ sử dụng gần 35.000m2 đất tại xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh (nay là P. Tân Tạo, Q. Bình Tân).
Toàn bộ diện tích trên được 9 hộ đưa vào quy hoạch làm trang trại trồng cây ăn trái, nuôi gà công nghiệp và cá theo mô hình vườn ao chuồng. Đang khai thác hiệu quả thì ông Sương nhận được thông tin cả trang trại bị thu hồi để xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo mở rộng.
Về hồ sơ pháp lý, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Tân Tạo mở rộng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định (QĐ) 437/QĐ-TTg ngày 12-5-2000. UBND thành phố ban hành hai QĐ ngày 16-10-2001 và 6-8-2002 phê duyệt phương án đền bù, tái định cư và hoán đổi đất thuộc dự án KCN Tân Tạo mở rộng. Ngày 4-10-2005, UBND thành phố ra QĐ 5116/QĐ-UBND cho phép Công ty cổ phần KCN Tân Tạo chuyển mục đích sử dụng 175.975m2 đất công nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở phục vụ tái định cư và hoán đổi đất cho các hộ trong KCN Tân Tạo mở rộng.
Cho rằng việc thu hồi đất không theo đúng trình tự quy định pháp luật nên ông Sương khiếu nại. Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh (hiện là Chủ tịch UBND Q.Bình Tân) Huỳnh Văn Chính ký hai QĐ số 1204/QĐ-UB ngày 10-6-2003 bác đơn ông Sương và QĐ “cưỡng chế” ngày 11-7-2003 (để thực hiện QĐ số 1204/QĐ-UB). Ông Sương tiếp tục khiếu nại. Ngày 7-7-2004, UBND thành phố ban hành QĐ 3409/QĐ-UB công nhận QĐ 1204/QĐ-UB của UBND huyện Bình Chánh. Ngày 23-2-2007, UBND thành phố có văn bản trả lời đơn khiếu nại của ông Sương, giữ nguyên nội dung QĐ 3409/QĐ-UB.
Ngày 16-11-2007, Văn phòng UBND Q.Bình Tân có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Q.Bình Tân giao Phó chủ tịch quận làm việc với chủ đầu tư dự án xem xét chính sách hỗ trợ cho ông Sương nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh khiếu nại kéo dài. Theo biên bản số 01/BB-CT-08 lập ngày 2-1-2008, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần đầu tư KCN Tân Tạo thỏa thuận bồi thường cho ông Sương, đại diện 9 gia đình, số tiền 4,14 tỷ đồng (số tròn) và 39 nền đất khu tái định cư (hoán đổi từ 34.820m2 đất nông nghiệp).
Ông Sương khẳng định: có 1,084 tỷ đồng (trong số 4,14 tỷ) là tiền đền bù cây ăn trái. Khoản tiền này tuy lớn nhưng không thấm vào đâu so với việc đầu tư và công sức của 9 hộ bỏ ra để biến khu đất ruộng thành trang trại ăn nên làm ra được nhiều người biết đến vào thời điểm đó. Tệ hại hơn, chủ đầu tư chỉ bồi thường 8.269 cây mãng cầu và 410 cây xoài cát Hòa Lộc đang thu hoạch mà “quên” 10.361 cây ổi và 7.531 cây mai được trồng trong đó!
Yêu cầu bồi thường “bổ sung”
Theo biên bản điều tra hiện trạng do CTCP Đầu tư KCN Tân Tạo (HOSE: ITA) lập liên quan đến trang trại của ông Sương thì không có 10.361 cây ổi và 7.531 cây mai nên không áp giá bồi thường. Do đó, khiếu nại của ông Sương, đại diện cho 9 hộ gia đình, là có căn cứ.
Có mặt tại tòa soạn Báo CATP sáng 22-5-2013, ông Sương cho biết UBND thành phố chỉ đạo Thanh tra thành phố xử lý đơn tố cáo - khiếu nại của ông. Được Thanh tra thành phố mời làm việc ngày 8-3-2013, ông Sương đã trình bày toàn bộ vấn đề liên quan kèm theo tài liệu chứng cứ và tin tưởng UBND thành phố sẽ chỉ đạo giải quyết khiếu nại của ông thấu tình đạt lý, trước mắt là việc bồi thường “bổ sung” gần 18.000 cây ổi và mai mà chủ đầu tư đã “quên” tính trước đây với số tiền hơn 1,07 tỷ đồng (chưa tính lãi phát sinh nhiều năm qua).
Ngoài ra, ông Sương còn yêu cầu bồi thường hơn 9 tỷ đồng thiệt hại từ việc thu hoạch 9.000 cây mãng cầu và 410 cây xoài cát Hòa Lộc từ năm 2003 (bị cưỡng chế đốn bỏ) cho đến khi nhận tiền bồi thường năm 2008 (chưa tính lãi phát sinh từ năm 2008 đến nay).
Ông Sương còn đề nghị làm rõ việc cưỡng chế san bằng trang trại của gia đình ông có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chỉ ra người có trách nhiệm chính trong vụ cưỡng chế năm 2003 gồm hai ông Huỳnh Văn Chính - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh kiêm Chủ tịch Hội đồng đền bù dự án KCN Tân Tạo mở rộng và ông Thái Văn Mến - Phó tổng giám đốc (hiện là Tổng giám đốc) Công ty Tân Tạo đồng thời là Phó chủ tịch Hội đồng đền bù dự án...
Huy - Cương
công an
|