Liên thông giá vàng: Lực bất tòng tâm!
Trao đổi với DĐDN, ông Trần Quốc Quýnh - Chuyên gia cao cấp Hiệp hội kinh doanh vàng VN cho rằng, mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát giá vàng quốc tế là “lực bất tòng tâm”, nhất là khi thị trường vàng VN chưa liên thông với thị trường vàng thế giới.
Ông đánh giá như thế nào về công tác điều hành, quản lý thị trường vàng của NHNN trong thời gian vừa qua?
Trong bối cảnh thị trường vàng thường xuyên biến động và diễn biến phức tạp thì điều hành và quản lý là một bài toán rất phức tạp. Lấy ví dụ đơn cử, đầu tuần giá vàng thế giới đã có một phiên giảm giá chưa từng có trong lịch sử, vượt qua mọi dự đoán của các chuyên gia khi sụt 9% trong một phiên.
Ông Trần Quốc Quýnh
|
Qua đợt biến động mạnh của thị trường vàng vừa qua, có thể nhìn rõ một điều rằng mặc dù áp lực giá vàng thế giới lên giá vàng trong nước rất lớn nhưng mức giảm giá trong nước so với thế giới không tương ứng, thậm chí khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới còn được nới rộng. Điều đó phần nào phản ánh một thực trạng là giá vàng trong nước đã đang dần không theo thị trường vàng thế giới nữa.
NHNN từng nhiều lần phát đi thông điệp sẽ kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới nhưng thực tế dường như phản ánh điều ngược lại, giá vàng trong nước thời gian gần đây thường chênh lệch so với giá vàng thế giới 5-6 triệu đồng/lượng, theo ông đâu là nguyên nhân?
Những thông điệp đó theo tôi chủ yếu là tạo hiệu ứng về tâm lý. Thực chất, lực bất tòng tâm. Bởi chúng ta càng nói kéo, thì biên độ càng rộng ra. Theo tôi, có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất là giá vàng thế giới diễn biến rất phức tạp, NHNN, thậm chí ngay cả các tổ chức nắm giữ vàng lớn của thế giới cũng không thể lường trước, trong khi đó phản ứng của chúng ta lại chưa thực sự linh hoạt và chưa có những quy định cụ thể về biên độ giá vàng. Thứ hai, quan trọng hơn, “sức” của NHNN có hạn. Nguyên tắc của thị trường là muốn chi phối thì phải có đủ cơ số hàng hóa để áp đảo. Ngay cả các nước có dự trữ vàng lớn như Mỹ, Anh cũng không dám nói ổn định giá vàng, thì làm sao chúng ta có thể nói điều đó.
Vậy theo ông, đâu là giải pháp để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới?
Kinh tế thị trường thì giá cả, điều hành phải theo quy luật thị trường. Chúng ta nói và mong muốn theo thị trường nhưng một mặt lại áp dụng những chính sách, biện pháp quản lý hành chính nhà nước thì rõ ràng không thể đạt được mục tiêu. Muốn thị trường vàng trở nên “bình thường” thì điều quan trọng nhất vẫn phải làm cho thị trường vàng liên thông với thế giới. Cần sớm thành thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia. Mô hình này rất nhiều quốc gia đã thực hiện nhưng tôi không hiểu sao chúng ta vẫn e dè. Nếu được như vậy thì tự khắc chỉ trong vài tuần giá vàng sẽ điều chỉnh theo thị trường mà chẳng cần bất cứ thông điệp nào từ cơ quan quản lý.
NHNN gần đây liên tiếp tổ chức đấu thầu vàng, việc tăng nguồn cung sẽ tác động như thế nào đến thị trường vàng trong nước, thưa ông?
Sau 8 phiên đấu thầu, NHNN đã “bơm” ra thị trường 223.600 lượng vàng, tương đương 8,6 tấn vàng. Những phiên tổ chức đấu thầu vàng của NHNN trong thời gian gần đây trùng hợp đúng vào thời điểm giá vàng có nhiều biến động. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh vàng, cũng như nhận định của cá nhân tôi, số vàng được tung ra thời gian vừa qua chủ yếu được sử dụng cho việc các tổ chức tín dụng chuẩn bị tất toán trạng thái vàng trước hạn chót 30/6. Thực tế cũng cho thấy có phiên, giá sàn mà NHNN đưa ra dù cao hơn cả giá thị trường cùng thời điểm nhưng các đơn vị đấu thầu vẫn chấp nhận tham gia “cuộc chơi” vì không còn lựa chọn nào khác, nhất là khi áp lực thời gian cận kề. Vì vậy, có thể nói lượng cung vàng ra thị trường thời gian vừa qua không đủ tác động lên giá vàng trong nước.
Ông đánh giá như thế nào về khả năng tất toán vàng của các ngân hàng thương mại?
Nhiều người cũng tỏ ra lo ngại về khả năng các ngân hàng thương mại có đủ sức để tất toán không? Cá nhân tôi cho rằng may ra thì được khoảng 60-70%.
Ông nhận định như thế nào về diễn biến giá vàng trong thời gian sắp tới?
Giá vàng đã có một phiên giảm chưa từng có trong lịch sử, nhưng ngay sau đó lại có dấu hiệu đi lên. Cá nhân tôi cho rằng, giá vàng thế giới sẽ giao động trong khoảng 1.400 - 1.500USD/ounce, tương đương với mức 35 - 37 triệu đồng/lượng chứ không thể xuống sâu hơn được nữa. Nếu cộng với mức chênh lệch phổ biến trong giai đoạn vừa qua là 4 - 5 triệu đồng/lượng thì giá vàng trong nước có thể duy trì mức 40- 42 triệu đồng/lượng.
Ông có lời khuyên gì đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay?
Giá vàng biến động mạnh luôn tiềm ẩn rủi ro nhưng cũng là cơ hội tốt đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi mà khoảng cách giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước vẫn ở mức cao, khi mà thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thế giới thì rủi ro cũng rất lớn. Với những chính sách hiện tại, đặc biệt là khi chúng ta chưa liên thông với thị trường thế giới thì giá vàng trong nước khó có thể kỳ vọng rút ngắn khoảng chênh so với thế giới trong thời ngắn, và khi mục tiêu điều hành thị trường còn chưa rõ ràng, chủ yếu giải quyết các vấn đề mang tính “tồn tại” thì nhà đầu tư cần rất thận trọng.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Phan Dũng Khánh - Chuyên gia phân tích độc lập:
Khả năng tăng giá là thấp
Giá vàng thế giới về dài hạn theo tôi vẫn sẽ đi theo chiều hướng giảm, như diễn biến đã diễn ra trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, trong năm 2013, theo tôi mức thấp nhất của giá vàng thế giới có lẽ sẽ quanh quẩn trên dưới mốc 1.350 USD/ounce, mặc dù sang năm trở đi, giá vàng có thể còn giảm hơn. Một điều dễ nhận thấy là dù một số quốc gia như Triều Tiên hay các NHTƯ trên thế giới đang tăng mua vàng..., nhưng các tổ chức đầu cơ và các Quỹ ETF vàng đang tích cực bán ra. Đặc biệt, do đồng USD đang mạnh lên và dòng tiền có xu hướng dịch chuyển mạnh sang một số loại ngoại tệ và TTCK cùng BĐS thế giới đang rẻ cũng làm vàng bớt hấp dẫn khi nó đã có 12 năm tăng giá. Xin lưu ý là các Ngân hàng Trung ương trên thế giới mua vàng vì lợi ích quốc gia còn quỹ và các nhà đầu cơ tài chính mua vàng vì lợi nhuận của họ, vì thế nếu họ bán ra nghĩa là khả năng tăng giá sẽ rất thấp và theo đó nhà đầu tư cũng sẽ có tâm lý nên bán theo.
Ông Nghiêm Anh Tuấn - Khâm Thiên, Hà Nội:
Tâm lý mua - bán ổn định
Tâm lý mua bán vàng của người dân hiện nay đã khá “ổn định”, không chạy theo tâm lý đám đông như trước. Ngoại trừ một số ít người dân có thói quen mua vàng cất dự trữ, hầu hết những người tham gia thị trường này đều có tâm lý đầu tư (không chuyên). Một điểm khác biệt rất lớn so với năm 2012, người dân theo dõi diễn biến giá vàng trong nước, mua - bán theo thông tin trong nước, thì năm nay, chúng tôi chỉ mua - bán theo thông tin giá vàng quốc tế. Đó là lý do vì sao, những đợt “sốt” vàng vừa qua không hề gây xáo trộn lớn trên thị trường vàng. Người dân không còn ồ ạt mua đi - bán lại theo các đợt sóng vàng trong nước. Dựa theo thông tin về biến động và xu hướng giá vàng trong nước, quốc tế tôi cho rằng khả năng giá vàng trong nước sẽ còn giảm, nhưng khó giảm sâu như đợt vừa rồi. Tuy nhiên, việc tăng giá cũng sẽ không nhiều mà chỉ dao động quanh mức 40 triệu đồng/lượng. Tôi sẽ chờ giá vàng giảm thêm một chút nữa và khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới rút xuống khoảng 2 triệu đồng/lượng sẽ mua vào.
|
Phan Nam
diễn đàn doanh nghiệp
|