Thứ Năm, 16/05/2013 13:40

Lào, Campuchia và doanh nghiệp Việt phản đối cáo buộc của Global Witness

Tổ chức phi chính phủ Global Witness ngày 13/5 công bố báo cáo nhằm cáo buộc 2 doanh nghiệp (DN) lớn ở Việt Nam (VN) là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang “chiếm đất”, hủy hoại sinh kế của người dân địa phương cũng như môi trường; đồng thời chỉ trích 2 Tập đoàn này đều không tôn trọng pháp luật, phớt lờ các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường, xã hội của Lào và Campuchia…

* Hoàng Anh Gia Lai và VRG đang gặp rắc rối tại Lào và Campuchia

Global Witness cho rằng HAGL, VRG đã lập các Cty trên giấy để có quyền thuê những mảnh đất lớn, nhiều hơn số đất cho phép theo luật tại 2 nước này thông qua các mối quan hệ thân tín. Họ đặt nghi vấn về khả năng HAGL và các Cty liên kết được bố trí tổng cộng 81.919ha đất (47.370ha ở Campuchia); VRG và các Cty liên kết thì được tổng cộng 200.237ha (ở Campuchia 161.344ha)…

Ngay lập tức thông tin trên nhận được sự quan tâm của dư luận và nhiều cơ quan báo chí trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt là sự phản ứng quyết liệt, mạnh mẽ từ những "người trong cuộc".

Phản bác trước cáo buộc trên, trả lời trên Đài RFA, ông Phay Siphan - Người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia nói: “Báo cáo của Global Witness nhằm mục đích sỉ nhục và cáo buộc Chính phủ. Campuchia không ngạc nhiên với báo cáo này vì Global Witness là một tổ chức bảo vệ môi trường đối lập.

Chính sách phát triển nông nghiệp Campuchia không chỉ riêng cấp đất tô nhượng làm kinh tế cho các Cty VN. Việc nhượng đất đều dựa trên hai yếu tố cơ bản là khả năng tài chính đầu tư và tính chuyên nghiệp phát triển. Mục đích, phát huy hiệu quả trong công cuộc giảm nghèo và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế.

Việc phổ biến báo cáo như vậy không phải là hành động giúp giải quyết vấn đề ở Campuchia, không phải là đối tác để giúp hạn chế người vi phạm. Những gì nêu ra trong báo cáo là có động cơ chính trị, phê phán Chính phủ…”.

Nhà ở do HAGL xây tặng cho người dân Attapeu

Sáng qua (15/5), ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc VRG cho Báo Pháp luật Việt Nam biết: “VRG là một tập đoàn lớn của Nhà nước VN. Khi đầu tư ra nước ngoài, chúng tôi luôn tìm hiểu kỹ và tuân thủ chặt chẽ những quy định pháp luật của các nước sở tại. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo để phản đối vấn đề này tới Bộ Ngoại giao VN và Global Witness”.

Còn ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL khẳng định: “Cáo buộc trên là hoàn toàn không chính xác, vô căn cứ. Chúng tôi là một tập đoàn tư nhân lớn, một thương hiệu nổi tiếng, với nhiều cổ đông trong và ngoài nước nên chuyện thượng tôn pháp luật là việc đầu tiên chúng tôi phải thực hiện. Các Cty con thuộc HAGL đang có những hoạt động đầu tư vào lĩnh vực trồng cây cao su, mía đường tại Campuchia, Lào đã tuân thủ đúng theo luật pháp nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng.

HAGL không tham gia khai thác gỗ, kể cả gỗ có giá trị kinh tế cao trong khu vực nhượng quyền của HAGL. Chính phủ Lào và Campuchia toàn quyền kiểm soát, sở hữu và quyết định đối với toàn bộ khối lượng gỗ. Global Witness chưa chỉ ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào, HAGL sẵn sàng đối chất từng vấn đề cụ thể mà tổ chức này đưa ra”.

Theo thông cáo báo chí vừa phát đi thì HAGL đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế địa phương bằng cách đóng thuế, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động và có đóng góp rất lớn mang tính cộng đồng như xây 2.000 căn nhà cho người nghèo, các trường học, bệnh viện, hàng trăm kilômét đường, hệ thống dây điện, nhiều cầu nối liền các bản làng; ngoài ra Tập đoàn này còn quyên góp cho những chương trình xóa đói giảm nghèo tại 2 nước Lào và Campuchia với tổng giá trị lên đến cả trăm triệu USD...

Minh chứng cho sự thật này, ông Khamphan Phommathat - Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Attapeu (tỉnh mà HAGL đầu tư lớn nhất tại Lào) cho biết: “Mỗi dự án của HAGL đều tạo ra những đột phá về cơ sở hạ tầng, công ăn việc làm, an sinh đối với người dân nơi đây. Khoảng vài năm gần đây, Attapeu thay đổi diện mạo từng ngày nhờ các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sự có mặt của HAGL”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Somsavat Lengsavad đã nhiều lần khẳng định ở các Hội nghị Đầu tư Việt -Lào: “Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy các DN VN đã thực hiện rất đúng các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao của 2 Đảng, 2 Chính phủ. Một số địa phương chúng tôi đi thăm, đều thấy rằng các DN VN sang đầu tư đã cùng chúng tôi góp phần làm phát triển kinh tế, thu nhập của nhân dân tăng cao lên, cải thiện đáng kể đời sống, trí tuệ được nâng cao…

Ngoài chuyện làm ăn, các DN VN còn làm rất tốt công tác xã hội, mà HAGL với VRG là những hình mẫu về đầu tư nước ngoài hiệu quả và đầy tính trách nhiệm tại Lào, làm cho mối quan hệ đặc biệt giữa 2 nước ngày càng gắn bó, sâu sắc, tốt đẹp hơn...”.

Bên cạnh đó, Chính phủ Campuchia luôn ủng hộ, đánh giá rất cao những hoạt động đầu tư của VRG và HAGL tại nước họ.

Đài RFI (Pháp) cũng phỏng vấn ông Đoàn Nguyên Đức qua điện thoại và được ông Đức giải thích: HAGL không “chiếm đất” như cáo buộc, mà trái lại tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại 2 nước trên. Ông cho rằng đầu tư vào Lào và Campuchia có hàng ngàn công ty của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… chứ không chỉ có riêng HAGL và VRG của VN.

Chính phủ 2 nước này đang khuyến khích nhiều DN trên thế giới đầu tư chứ không chỉ VN. Mục đích chính là giải quyết việc làm cho người dân địa phương, giúp có thu nhập tốt hơn và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Nếu bất cứ dự án đầu tư nào làm cho người dân khó khăn hơn thì chắc chắn Chính phủ sở tại không bao giờ cho đầu tư.

Các DN mà làm sai thì sẽ bị ngừng hoạt động ngay; những việc chúng tôi làm được các cơ quan chức năng giám sát hàng ngày, chứ không phải muốn làm gì cũng được. Nơi nào HAGL đầu tư vào là tạo nên môi trường xã hội ở đó tốt lên, chứ không thể xấu đi! Những thông tin này, mọi người có thể kiểm chứng từ chính quyền các nước Lào, Campuchia hay VN.

Theo thông tin mới nhất, để tôn trọng sự thật khách quan cũng như để trả lời cho dư luận, cổ đông về những việc làm đúng pháp luật, minh bạch và hiệu quả của mình, chiều qua (15/5) HAGL chính thức gửi thư mời Global Witness đến VN vào đầu tháng 6/2013 để tham quan, kiểm tra bất cứ dự án nào của Tập đoàn này.

Lê Minh Hùng

pháp luật vn

Các tin tức khác

>   UDC: BCTC Q1-2013 (16/05/2013)

>   UDC: BCTC HN Q1-2013 (16/05/2013)

>   PTL: Quý 1 lỗ do lãi vay và tiền phạt trả cho khách hàng (16/05/2013)

>   TPP: Báo cáo tài chính quý 1/2013 và giải trình (16/05/2013)

>   TET: Báo cáo tài chính quý 1/2013 hợp nhất và giải trình (16/05/2013)

>   TKU: Báo cáo tài chính quý 1/2013 hợp nhất (16/05/2013)

>   OCH: 17/05 GDKHQ lấy ý kiến về phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông (17/05/2013)

>   STT: BCTC HN Q1-2013 (16/05/2013)

>   STT: BCTC CT mẹ Q1-2013 (16/05/2013)

>   PVD: Lãi ròng công ty mẹ quý 1 gần 340 tỷ đồng (16/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật