HAX: Hai năm thua lỗ, cổ đông "náo loạn" tại Đại hội thường niên
ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 của Haxaco (HOSE: HAX) diễn ra ngày 06/05 trở nên "náo loạn" với hàng loạt chất vấn và ý kiến trái chiều từ nhiều bên. Đại hội bắt đầu từ 9h sáng và đến 18h50 chiều mới kết thúc, cuối cùng thì tất cả các tờ trình đã được thông qua.
Cổ đông yêu cầu bãi nhiệm toàn bộ HĐQT và BKS
Trước Đại hội, nhóm cổ đông đại diện cho 12.95% vốn của HAX (tương đương 1,440,000 cổ phần) gửi đề nghị bãi nhiệm toàn bộ HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2009-2014 và tiến hành bầu lại cho nhiệm kỳ 2013-2018.
Cụ thể, danh sách HĐQT nhiệm kỳ 2009-2014 gồm:
- Ông Lê Quang Định
- Ông Nguyễn Hồng Anh
- Ông Phạm Tuấn Mai
- Ông Nguyễn Văn Đức
- Ông Châu Bá Long
Ban kiểm soát:
- Ông Văn Ngọc Trường Sơn
- Bà Trần Thị Ngọc Phương
- Ông Nguyễn Văn Minh
Tại Đại hội, ông Phạm Tuấn Mai (Thành viên HĐQT) cho rằng, không có điều khoản quy định nào cho phép bãi nhiệm HĐQT trước nhiệm kỳ. Các cổ đông không có quyền yêu cầu bãi nhiệm.
Ông Lê Quang Định (Chủ tịch HĐQT) cho biết, tờ trình Đại hội trên đáp ứng đúng quy định. Theo quy định của Luật doanh nghiệp, thông tư cũng như điều lệ công ty, nội dung bãi nhiệm, và bầu lại HĐQT do cổ đông lớn giữ liên tiếp từ 9% vốn cổ phần trong vòng 6 tháng được quyền đề nghị.
Tuy nhiên, ông Định cũng nói rằng, nếu ĐHĐCĐ không đồng tình thì sẽ không tiến hành bãi nhiệm.
Thay máu HĐQT và BKS
Đại hội đã thống nhất được danh sách bầu cử vào HĐQT và Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2013-2018, trong đó có 7 ứng cử viên cho HĐQT và 4 cho BKS.
Đại hội sẽ bầu ra 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS.
Ứng cử HĐQT:
- Ông Đỗ Tiến Dũng
- Ông Lê Quang Định (thuộc HĐQT cũ)
- Ông Lê Văn Hiệp (Độc lập)
- Ông Vũ Quang Huy
- Ông Châu Bá Long (thuộc HĐQT cũ)
- Bà Tăng Thị Thu Lý
- Ông Phạm Tuấn Mai (Độc lập - thuộc HĐQT cũ)
Ứng cử BKS:
- Đặng Thị Phượng Loan
- Bà Hoàng Thị Minh Nguyệt
- Bà Trần Thị Ngọc Phương (thuộc BKS cũ)
- Bà Lê Thị Thanh Thủy
Ông Dũng, ứng cử cho HĐQT mới có ý kiến. Ông cho biết ông Mai đã ủy quyền cho ông Minh thực hiện quyền bầu cử của mình, còn các phiếu bầu của gia đình ông Mai thì ông Mai sử dụng để bầu cho bản thân. Theo ông Dũng, việc ủy quyền này không thể do Ban chủ tọa thông qua là được mà cần phải có sự đồng ý của các cổ đông.
Ông Dũng cũng nhờ tổ tư vấn thuộc CTCK Ngân hàng Đông Á đứng ra nhận định về vấn đề ủy quyền của ông Mai như vậy có hợp pháp không.
Tổ tư vấn cho biết sẽ cho quay lại đoạn phim để xác nhận rằng ông Mai có thực thực hiện hợp lệ việc bầu cử hay không, bên cạnh đó tổ tư vấn cũng cho biết thêm là ông Mai chưa ký giấy ủy quyền cho ông Minh để thực hiện phần biểu quyết của mình.
Chủ tọa đoàn xin biểu quyết của ĐHĐCĐ về vấn đề ủy quyền của ông Mai. Hầu hết cổ đông có mặt tại Đại hội đã nhất trí cho việc ủy quyền của ông Mai, ngoại trừ ông Dũng và nhóm cổ đông liên quan đến ông Dũng với đại diện là ông Vũ Quang Huy. Tuy nhiên, do ông Dũng và nhóm cổ đông của mình chiếm số cổ phần lớn (gần 32%, tương ứng gần 36% có quyền biểu quyết tại Đại hội) nên Đại hội không thể thông qua vấn đề này.
Đại hội quyết định loại 2.92% số cổ phần của ông Mai khỏi biểu quyết.
Đến 17h50, Đại hội mới thông qua được danh sách HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2013-2018. Ông Mai đã không trúng cử. HĐQT và BKS chỉ còn 2 thành viên cũ: Ông Lê Quang Định và bà Trần Thị Ngọc Phương.
HĐQT:
- Ông Đỗ Tiến Dũng
- Ông Lê Quang Định - Chủ tịch
- Ông Lê Văn Hiệp (Độc lập)
- Ông Vũ Quang Huy
- Bà Tăng Thị Thu Lý
BKS:
- Bà Đặng Thị Phượng Loan
- Bà Hoàng Thị Minh Nguyệt
- Bà Trần Thị Ngọc Phương - Trưởng BKS
Ngoài ra, chức vụ Tổng giám đốc sẽ do ông Đỗ Tiến Dũng đảm nhận.
Ông Nguyễn Văn Đức sau khi từ nhiệm Tổng giám đốc đã chuyển xuống làm Phó Tổng giám đốc hỗ trợ công tác cho ông Dũng.
Ban kiểm soát "chê" ban điều hành yếu kém
Năm 2012, công ty bán 445 xe, chỉ bằng 66.42% so với kế hoạch; sửa chữa 9,640 lượt, đạt 72,77% kế hoạch; doanh thu thuần 602.19 tỷ đồng, tương ứng 60.49% kế hoạch; đặc biệt, mức lợi nhuận trước thuế của công ty âm 22.19 tỷ đồng.
Tại Đại hội, HĐQT giải thích lợi nhuận âm là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính sách của nhà nước thay đổi quá nhiều, quá nhanh trong thời gian ngắn khiến thị trường ô tô liên tiếp chuyển từ thái cực này sang thái cực khác và thiếu ổn định, lệ phí trước bạ cũng nâng lên từ ngày 1/1/2012.
Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng cao khiến chi phí trả lãi vay ngày càng tăng. HĐQT cũng cho biết, việc nhà sản xuất thay đổi chính sách kinh doanh gây nhiều bất lợi cho công ty (MBV bỏ quy định giá bán tối thiểu từ tháng 3/2011).
Yếu tố bên trong công ty cũng góp phần làm lợi nhuận âm như thay đổi nhân sự quá nhiều ở các vị trí quản lý cấp cao; hệ thống quản trị, quản lý điều hành công ty, kiểm soát nội bộ chưa tốt; hàng tồn kho cao; đầu tư chưa đúng thời điểm…
Báo cáo của BKS tại Đại hội cũng đưa ra một số nội dung như: Chi phí chưa được hạch toán đúng, sản phẩm dở dang chưa được xử lý triệt để, phát sinh thêm khoản nợ mới ở xưởng Võ Văn Kiệt…
BKS đánh giá Ban điều hành công ty yếu kém và thiếu năng lực trong quản lý dẫn đến tình hình thua lỗ kéo dài không kiểm soát được. BKS kiến nghị cần xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực để phát triển công ty.
Năm 2013 liệu có lãi?
Về năm 2013, nhận xét tình hình kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro, kinh tế Việt Nam vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức. Thị trường ô tô năm 2013 có thể sẽ còn nhiều khó khăn và tăng trưởng thấp, không có đột biến. Vì vậy, HĐQT trình kế hoạch năm 2013 với số xe bán đạt 405 chiếc; số lượt xe dịch vụ 13,000; doanh thu thuần 667 tỷ đồng và mức lợi nhuận trước thuế 7.3 tỷ đồng.
Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, HĐQT đưa ra một số kế hoạch như hoàn chỉnh các quy chế giao xe, tồn kho, công nợ, tạm ứng, kiểm soát chi phí, kiểm soát công nợ khách hàng. Dự toán chi 2.5 tỷ nâng cấp cơ bản và thiết bị công nghệ.
Cổ đông "náo loạn"
Trong phần thảo luận, một cổ đông bày tỏ sự thất vọng về công ty. Cổ đông này cho rằng công ty làm việc yếu kém, với đội ngũ nhân sự không hề nhỏ trong đó có đến 9 cố vấn nhưng các báo cáo đưa ra toàn thất thoát, doanh thu thấp, chi phí cao, nhân viên làm việc không trung thực. Cổ đông đặc biệt không đồng tình với quản lý của công ty.
Ngoài ra, luật sư Mai Thanh Hà đại diện cho một nhóm cổ đông cũng đưa ra hàng loạt ý kiến về văn hóa doanh nghiệp, sức mạnh của cổ đông và lực lượng lao động trẻ.
Cổ đông cho rằng văn hóa doanh nghiệp là gì khi cổ đông có ủy quyền nhưng bị Ban tổ chức ngăn cản không cho vào họp? Cổ đông cũng hỏi về chính sách tuyển dụng, kế hoạch PR, bán hàng, về hàng tồn kho, nợ xấu,…
Ông Đỗ Tiến Dũng, cổ đông nắm giữ 17.8% phát biểu, việc cổ đông không có thư mời thì không được vào hay được ủy quyền mà không mang theo thư mời của người ủy quyền cũng không được vào.
Tuy nhiên, ý kiến của ông Dũng không được nhiều cổ đông có mặt tại Đại hội đồng tình.
Được biết, ông Dũng cũng tham gia ứng cử vào HĐQT trong lần này.
Về phía HĐQT, HĐQT trả lời rằng, thư mời có thể sẽ linh hoạt giải quyết và có thể có văn bản về phần ủy quyền. Sau khi kiểm tra lại tư cách, nếu không đạt tư cách sẽ hủy bỏ tư cách bầu cử.
Trả lời về chính sách bán hàng của HAX, ông Đức cho biết rằng sẽ định hướng theo chính sách mới của Mercedes. Trong năm 2013, Mercedes có giới thiệu sản phẩm mới, việc sản phẩm mới ra đời sẽ tạo điều kiện tốt cho công ty, giúp cho doanh số bán hàng tăng lên.
Ông Hà hỏi thêm về việc nếu xảy ra tình trạng cổ phiếu ngừng giao dịch thì sẽ như thế nào?
HĐQT hết sức lạc quan và trả lời câu hỏi của ông Hà bằng việc đưa ra con số lợi nhuận quý 1/2013 của công ty là hơn 4 tỷ đồng.
Ông Định còn nói thêm, HAX đã hoàn thành kế hoạch đề ra trong quý 1/2013 nên theo hợp đồng thì phía Mercedes sẽ có một khoản tiền cho việc hoàn thành chỉ tiêu, nhưng khoản tiền này công ty chưa nhận được trong quý 1 và sẽ hạch toán vào quý 2.
Duy Hoàng (Vietstock)
FFN
|