Thứ Sáu, 10/05/2013 10:09

Hai câu chuyện lãng mạn của làng công nghệ Việt

Đều bị đánh giá là ngớ ngẩn hoặc viển vông khi bắt đầu nhưng xuất khẩu phần mềm hay làm ứng dụng công nghệ cho điện thoại di động là 2 giấc mơ lãng mạn của những kỹ sư Việt đã thành hiện thực.

Ông Nguyễn Thành Nam – người có công lớn trong việc đưa Việt Nam vào “bản đồ” gia công phần mềm của thế giới và ông Vương Quang Khải – thành viên của “Dream Team” FPT năm xưa, đang cùng các cộng sự của mình tại Công ty VNG viết tiếp một câu chuyện lãng mạn khác của làng công nghệ Việt.

Năm 1998, khi ông Nguyễn Thành Nam trở thành đội trưởng đội xuất khẩu phần mềm của Công ty FPT, nhiều người đánh giá đây là việc “không bình thường” hay nói chính xác là hơi viển vông và ngớ ngẩn. Không có nhiều người tin rằng, một nhóm kỹ sư Việt với trình độ tiếng Anh còn chưa thạo lại có thể làm được xuất khẩu phần mềm sang những cường quốc như Mỹ, Nhật… Thế nhưng, ông Nam và các cộng sự của mình vẫn mơ một ngày Việt Nam sẽ trở thành trung tâm gia công phần mềm của thế giới.

Trải qua nhiều năm bầm dập, gặp không ít thất bại với những lần tưởng như lâm vào ngõ cụt, ông Nam và các cộng sự của mình cũng tìm ra con đường cho xuất khẩu phần mềm. Tới nay, sau 15 năm, nhờ công khai phá của ông Nam và những cộng sự, Việt Nam đã có tên trên bản đồ gia công phần mềm của thế giới.

Cuối năm 2011, một nhóm kỹ sư của Công ty VNG họp bàn để làm một sản phẩm nhắn tin miễn phí cho điện thoại di động - ứng dụng được coi là xu hướng của tương lai. Thế nhưng, tương tự như khi FPT bắt đầu làm phần mềm xuất khẩu trước đây, không có nhiều người tin các kỹ sư Việt Nam có thể làm được sản phẩm công nghệ cao, đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm quốc tế nổi tiếng. “Nếu chỉ xét tới khía cạnh kinh doanh, VNG sẽ không đầu tư làm những sản phẩm công nghệ cao như Zalo hay Zing. Chúng tôi coi việc cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế là một sự lãng mạn lớn của những người làm kỹ thuật”, ông Vương Quang Khải - Phó Tổng giám đốc Công ty VNG chia sẻ.

Trước đó, các ứng dụng công nghệ cao thường được nhập khẩu hoặc đem một sản phẩm nước ngoài về Việt hóa rồi phát hành sẽ an toàn và hiệu quả hơn. Việc tự làm sản phẩm công nghệ cao phải đầu tư lớn, nhiều rủi ro với khả năng thành công không cao. Thực tế, ban đầu, Zalo bị đánh giá là một sản phẩm không có tương lai và hơi điên bởi nó phải đương đầu với những người khổng lồ của thế giới như Viber, Line, Kakao Talk, Wechat, WhatsApp...

Cũng có phần giống câu chuyện của xuất khẩu phần mềm, Zalo mắc sai lầm lớn lúc khởi đầu với sản phẩm thử nghiệm và nhóm thiết kế cảm thấy bế tắc khi những đối thủ quốc tế quá mạnh. Thế nhưng, sau những bỡ ngỡ ban đầu, những kỹ sư Việt đã tìm được con đường riêng.

Tập trung vào tin nhắn thoại, với tốc độ nhanh và ổn định nhất, chạy tốt trên môi trường 2G - 2,5G – 3G – Wifi (so với các đối thủ ngoại chỉ có 3G và Wifi) cùng việc chạy tốt trên cả feature phone lẫn smartphone (đối thủ ngoại tập trung vào smartphone cao cấp) giúp Zalo có vùng phủ sóng, lẫn đối tượng khách hàng rộng hơn. Xét về sản phẩm, Zalo là một ứng dụng di động đúng nghĩa bởi có thể sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi với những loại điện thoại phổ biến chứ không bị tậm tịt, ngoài vùng phủ sóng vì thiếu 3G hay Wifi. Việc bổ sung thêm tính năng vẽ khi nhắn tin và ứng dụng mạng xã hội để người dùng up ảnh, chia sẻ cũng như bình luận là những điểm cộng cho ứng dụng Việt…

Hơn 3 tháng kể khi ra mắt chính thức (tháng 12/2012), ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) thuần Việt đạt 1 triệu người dùng – cạnh tranh ngang ngửa với những sản phẩm ngoại trên thị trường như Line, Kakao Talk. Sau đó, Zalo có sự tăng tốc ngoạn mục, trở thành OTT đầu tiên đạt 2 triệu người dùng tại Việt Nam vào 3/5/2103.

Trước đây, không có nhiều người tin Việt Nam có thể xuất khẩu được phần mềm thì ông Nguyễn Thành Nam (Công ty FPT) và các cộng sự của mình đã cho thấy khả năng của những kỹ sư phần mềm Việt. Giờ đây, một câu chuyện lãng mạn mới của làng công nghệ trong nước đang được viết bởi Zalo: những kỹ sư Việt Nam cũng có thể tạo ra ứng dụng công nghệ cao trên di động, cạnh tranh được với sản phẩm nổi tiếng của nước ngoài và được hàng triệu người Việt Nam sử dụng.

Một sự thật thú vị ít người biết, khi ông Nguyễn Thành Nam quyết định đầu tư cho xuất khẩu phần mềm, FPT đã tập hợp 13 cá nhân công nghệ xuất sắc nhất trong toàn công ty để gộp nên một đội tuyển đi “thi đấu quốc tế”. 1 trong 13 thành viên của “Dream Team” đó là cậu sinh viên năm thứ ba Vương Quang Khải, cha đẻ của các dự án Zing, Zalo sau này.

H.L

dân trí

Các tin tức khác

>   SD4: Thay đổi nhân sự (10/05/2013)

>   TET: Thay đổi nhân sự (10/05/2013)

>   KCE: Thay đổi nhân sự (09/05/2013)

>   CT3: Thay đổi nhân sự (09/05/2013)

>   TCO: Bổ nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc (09/05/2013)

>   PGD: Công bố thành viên Hội đồng quản trị độc lập (09/05/2013)

>   KAC: Từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT (09/05/2013)

>   APG: Hàng loạt thành viên HĐQT và BKS từ nhiệm (09/05/2013)

>   BMJ: Thay đổi nhân sự (09/05/2013)

>   PXM: Thay đổi nhân sự (09/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật