Giới doanh nghiệp Anh chỉ trích các nghị sĩ "bài" EU
Lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu tại Anh vừa lên tiếng chỉ trích các nghị sĩ
nước này có quan điểm bài xích Liên minh châu Âu (EU) và kêu gọi nước này rời bỏ
khối gồm 27 quốc gia thành viên này, cho rằng những người này đang từ bỏ lợi ích
quốc gia và đặt chính trị lên trên lợi ích kinh tế.
Trong một lá thư gửi tới báo The Independent, những nhân vật tên tuổi trong
giới doanh nghiệp Anh như Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Anh và Chủ tịch tập
đoàn BT, Deloitte, Lloyds, Centrica và Virgin Group ước tính tư cách thành viên
EU có thể mang lại cho nền kinh tế "đảo quốc sương mù" từ 31-92 tỷ bảng mỗi năm,
tương đương 1.200 bảng đến 3.500 bảng cho mỗi hộ gia đình.
Tuy nhiên, các nhà điều hành doanh nghiệp cũng nhấn mạnh rằng cải cách EU là
việc làm cần thiết, đồng thời hối thúc Thủ tướng David Cameron đưa ra các biện
pháp nhằm bảo vệ Trung tâm tài chính London trước những ý tưởng của EU có thể
làm ảnh hưởng đến vai trò và vị trí của trung tâm này.
Theo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp này, Anh cần phải thúc đẩy và tăng cường
thị trường chung châu Âu để khai thác lợi thế của các lĩnh vực kỹ thuật số, năng
lượng, giao thông và viễn thông vì đây là những ngành có thể giúp nước này tăng
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thêm 110 tỷ bảng mỗi năm.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh mâu thuẫn về việc rời bỏ hay tiếp
tục ở lại EU trong nội bộ đảng Bảo thủ của Thủ tướng Cameron ngày càng gia tăng.
Tuần trước, hơn 1/3 số nghị sĩ của đảng này trong Quốc hội đã bỏ phiếu chống
lại quan điểm của ông về quy chế thành viên của Anh trong EU.
Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Cameron đã tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về
việc Anh có ở lại EU hay không nếu đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng trong
cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Trong trường hợp đảng của ông giành chiến thắng,
cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tiến hành vào nửa đầu nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội,
tức vào cuối năm 2017.
Tuy nhiên, các nghị sỹ đảng Bảo thủ có quan điểm "bài" EU muốn thông qua một
đạo luật trước năm 2015 về cuộc trưng cầu dân ý trên. Mâu thuẫn càng gay gắt khi
trong chương trình nghị sự được công bố trước Quốc hội tuần trước, Chính phủ Anh
đã không đưa ra được các bước đi để đảm bảo tổ chức cuộc trưng cầu này như cam
kết của ông Cameron.
Mặc dù Hạ viện Anh đã bác bỏ dự luật do các nghị sĩ đảng Bảo thủ đưa ra nhằm
đưa cuộc trưng cầu ý dân liên quan tới việc "đi hay ở" vào chương trình nghị sự
năm nay, nhưng cuộc bỏ phiếu đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của Thủ tướng Cameron
khi trong số 130 nghị sỹ ủng hộ đề xuất trên có tới 114 người là thành viên đảng
Bảo thủ của ông.<
Ngày 19/5 vừa qua, cựu Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tài chính Lord Howe, một
nhân vật uy tín trong đảng Bảo thủ, lại "đổ thêm dầu vào lửa" khi cáo buộc Thủ
tướng Cameron e ngại những thành viên trong đảng có quan điểm "bài" EU và không
kiểm soát được đảng này trong vấn đề về châu Âu.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của ông
Howe, đồng thời nhấn mạnh rằng đảng Bảo thủ vẫn đang đoàn kết và Thủ tướng
Cameron vẫn đang thể hiện vai trò lãnh đạo về vấn đề này.
Theo ông Hunt, quan điểm của ông Howe không phản ánh được tình hình thực tế
hiện nay./.
Huy Hiệp/London
Vietnam+
|