Gần 3 tỷ đồng của hộ dân chung cư B13 Sài Đồng đi đâu?
Từ năm 2012, các hộ dân sinh sống tại chung cư B13 Sài Đồng (thuộc Dự án nhà ở các Ban đảng Trung ương) có nhiều đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ những khuất tất xung quanh việc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng của Đảng ở Trung ương (BQL) thu tiền chênh lệch giữa giá thành và giá bán tòa nhà, việc quản lý số tiền này và chi tiêu như thế nào?... Tuy nhiên, mọi đơn từ của người dân đều không được giải thích một cách thỏa đáng.
Bức tường tầng 1 phía sau tòa chung cư bị đục khoét, lắp đặt các khung sắt cỡ lớn. Gần 7 tháng sau khi Thanh tra xây dựng đình chỉ xây dựng, khung sắt vẫn chưa được dỡ bỏ.
|
Quá mệt mỏi, các hộ dân tại chung cư này đã bầu ra Tổ đại diện nhân dân đứng ra ký ủy quyền cho Cty TNHH Luật Hà Trần để đại diện cho các hộ dân làm việc với BQL và Ban Quản trị (BQT) tòa nhà B13 tầng.
Tuy nhiên, khi luật sư đến làm việc, thì người đứng đầu BQL là ông Phùng Đăng Dũng bận đi công tác, tất cả các vấn đề luật sư đưa ra trong cuộc làm việc được những người đại diện BQL trả lời: “Vấn đề này phải chờ Giám đốc Ban quản lý đi công tác nước ngoài về giải quyết” và hứa sẽ trả lời bằng văn bản, đồng thời sẽ lên lịch sớm để ông Giám đốc làm việc với Cty Luật Hà Trần. Nhưng đến nay, sau nhiều lần luật sư chủ động liên hệ làm việc, ông Giám đốc vẫn “bận” chưa sắp xếp được lịch.
Đến ngày 8/5/2013, ông Dũng bất ngờ ký giấy mời ông Tổ trưởng Tổ đại diện nhân dân đến họp bàn. Tại buổi họp bàn này, dù ông Tổ trưởng đã giải thích với ông Dũng việc nhân dân đã ủy quyền cho luật sư đến làm việc hoặc luật sư phải ngồi cùng ông Tổ trưởng trong buổi làm việc với BQL, nhưng đã bị ông Phùng Đăng Dũng “khước từ” và trả lời rằng, chỉ làm việc với ông Tổ trưởng, không cho luật sư vào làm việc cùng.
Trong đơn đề nghị ngày 25/3/2013, ông Tổ trưởng Tổ đại diện nhân dân chung cư B13 đã có kiến nghị làm rõ khoản kinh phí bảo trì của tòa nhà khoảng 600 triệu đồng (tính bằng 2% của giá thành) đã chi tiêu như thế nào? Số tiền khoảng 2 tỷ đồng do Kiểm toán phát hiện Ban Quản lý thu chênh lệch giữa giá thành và giá bán tòa nhà đã sử dụng vào mục đích gì?.
Tại buổi làm việc giữa đại diện Cty Luật Hà Trần với đại diện BQL ngày 10/04/2013, đại diện BQL cũng đã khẳng định có khoản tiền thu chênh lệch giữa giá thành và giá bán. Trước đó, trong biên bản làm việc với đại diện các hộ dân ngày 21/11/2012, bà Đoàn Ngọc Oanh, đại diện BQL đã ký xác nhận có khoản tiền 2% của 32 tỷ và tiền chênh lệch giữa giá thành và giá bán BQL để riêng.
Trong biên bản này bà Oanh chỉ giải thích sơ qua, tổng số tiền này (khoảng gần 3 tỷ đồng) đã được BQL chi vào các khoản: làm mái tôn che mưa, làm đường xả rác, sửa tường chắn sân thượng, sơn tòa nhà, nhưng khi làm đều không hỏi ý kiến và được sự chấp thuận của phía các hộ dân.
Tại biên bản họp dân của tòa nhà ngày 9/3/2013, ông Lê Bá Thường, Trưởng Ban Quản trị tòa nhà B13 đã khẳng định: Việc lấy khoản tiền lớn để sơn nhà không thông qua ý kiến nhân dân là vi phạm nguyên tắc và ông Lê Bá Thường cũng không hề biết có khoản tiền bảo trì của tòa nhà, cũng không biết BQL đã lấy nguồn tiền ở đâu để sơn nhà.
Đối chiếu với Mục a, khoản 1, Điều 54 Nghị định 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2005 và Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng thì quỹ bảo trì tòa nhà chung cư B13 tầng, các hộ dân ở đây hoàn toàn có quyền được biết, được quản lý, được sử dụng. Thế nhưng, tòa nhà đã đi vào hoạt động 6-7 năm nay mà các hộ dân ở đây, kể cả ông Trưởng ban quản trị vẫn không hề được biết số tiền này chính xác là bao nhiêu?. Đang ở đâu?. Ai quản lý?. Đã được chi tiêu như thế nào?.
Những câu hỏi trên cần sớm được BQL Dự án các công trình xây dựng của Đảng ở Trung ương làm rõ và công khai cho người dân được biết.
Trần Hưng - Trần Hà
pháp luật vn
|