EU vừa yêu cầu Pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách
Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp ngay trong năm nay như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, trong khi Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tiếp tục đưa ra dự báo không mấy tích cực.
Phát biểu ngày 29/5, ông Hollande nói bất chấp các khó khăn cộng với suy thoái kinh tế đã diễn ra trong sáu tháng qua, mục tiêu của Chính phủ Pháp "vẫn là đảo ngược xu hướng thất nghiệp gia tăng và tiếp tục thu hẹp tình trạng không có việc làm vào năm 2014."
Tuy nhiên, báo cáo của OECD công bố cùng ngày đã dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của Pháp có thể sẽ lên đến 10,7% năm nay và 11,1% vào năm sau, trong bối cảnh kinh tế Pháp năm 2013 sẽ suy giảm và đạt mức tăng trưởng rất khiêm tốn vào năm 2014.
Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 14 năm qua, đến 10,6% với 3,2 triệu người rơi vào cảnh không có việc làm.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng cảnh báo thất nghiệp của Pháp sẽ tiếp tục tăng, có thể lên tới 10,9% vào năm sau.
Ngoài vấn đề này, Paris còn phải đối mặt với sức ép đáp ứng chuẩn mực đưa thâm hụt ngân sách về dưới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), điều mà họ không thể thực hiện được trong một vài năm tới.
Trong cuộc họp báo sau hội nghị đánh giá thường kỳ kinh tế các nước thành viên, EC đã yêu cầu Pháp hạn chế chi tiêu công, cắt giảm chi phí lao động, cải tổ hệ thống hưu trí để có thể kiểm soát thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu này cũng phải đơn giản hóa hệ thống thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng sức cạnh tranh để quay trở lại con đường tăng trưởng.
Các nhà lãnh đạo EU muốn Pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách năm nay xuống còn 3,9%, năm 2014 còn 3,6% và 2,8% năm 2015.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso nói hai năm "ân hạn" này "cần được sử dụng một cách thông minh để vực dậy sức cạnh tranh đã bị giảm sút.
Giới chức Pháp nói họ đồng ý với các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, nhưng nhấn mạnh đang thúc đẩy cải tổ theo tiến trình riêng, bao gồm tiến hành các cuộc thương lượng giữa công đoàn và giới chủ để xây dựng một sự đồng thuận xã hội rộng lớn và tránh kích động các cuộc biểu tình rầm rộ. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng này chỉ được tổ chức sớm nhất vào tháng Sáu.
Trước đó, Paris đã tuyên bố có thể đưa thâm hụt ngân sách về dưới 3% ngay trong năm tới, nhưng Ủy ban châu Âu cảnh báo mục tiêu này đòi hỏi chính sách "thắt lưng buộc bụng" quá mức và điều đó sẽ đe dọa hồi phục kinh tế./.
vietnam+
|