DPM: Tự tin giữ vững thị phần
ĐHCĐ thường niên của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) đã thành công tốt đẹp với sự phấn khởi của cổ đông không chỉ về cổ tức tăng cao mà là sự vững tâm với chiến lược phát triển dài hạn của DPM cũng như hoạt động quản trị công ty ngày càng tiến bộ.
Phóng viên ĐTCK đã trao đổi với ông Bùi Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT DPM cụ thể về những vấn đề này.
Xin ông cho biết, nguồn tiền mặt dồi dào của DPM sẽ được sử dụng như thế nào và DPM có chủ trương trả cổ tức bằng tiền mặt cao trong các năm tới để thu hút các nhà đầu tư dài hạn hay không?
Dự kiến, sau khi chi trả thêm 20% cổ tức 2012 (tương đương 760 tỷ đồng), DPM còn trên 5.000 tỷ đồng tiền mặt. Trong thời gian chưa giải ngân cho các dự án lớn, số tiền trên được gửi tại những ngân hàng lớn, uy tín.
Hiện tại Tổng công ty đang chuẩn bị triển khai một số dự án về sản xuất phân bón và hóa chất với tổng mức đầu tư có thể lên tới 1 tỷ USD. Trong một vài năm tới, nhu cầu giải ngân cho các dự án rất lớn và số tiền mặt hiện có chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, số còn lại Tổng công ty phải thu xếp từ bên ngoài. Cũng có ý kiến cho rằng, DPM nên đầu tư vào một vài lĩnh vực khác để nâng cao hiệu quả dòng tiền, nhưng quan điểm của chúng tôi là trong tình hình hiện nay, việc bảo toàn tài sản vẫn là lựa chọn phù hợp. Chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào lĩnh vực chính của mình, đó là sản xuất và kinh doanh phân bón, hóa chất phục vụ ngành dầu khí và nông nghiệp.
Về vấn đề cổ tức, như đã trình và được chấp thuận tại ĐHCĐ vừa qua, tỷ lệ chi cổ tức năm 2013 là 25%, nhưng nếu kết quả kinh doanh tốt hơn, sẽ trình tăng tỷ lệ này tương ứng. Các nhà đầu tư có thể yên tâm, đầu tư vào cổ phiếu DPM luôn mang lại giá trị dài hạn, ổn định.
Năm 2012, DPM đã nhận chuyển nhượng cổ phiếu thủy sản Út Xi để cấn trừ nợ, vậy khoản phải thu liên quan đến CTCP Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI) sẽ được xử lý thế nào thưa ông?
Việc thu hồi nợ ủy thác đầu tư tại PVFI đã được Tổng công ty thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt từ năm 2011 đến nay, trong đó đã thu hồi được một phần lớn bằng các tài sản của PVFI. Đối với khoản phải thu còn lại, chúng tôi vẫn luôn tích cực tìm các giải pháp để thu hồi. Trong tình hình kinh tế nói chung hiện nay còn khó khăn, việc thu hồi thực sự không đơn giản, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để thu hồi được tối đa.
Thưa ông, cạnh tranh trên thị trường phân đạm đang tăng cao, DPM đã chuẩn bị mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình như thế nào, cả trong nước và xuất khẩu?
Với bối cảnh cạnh tranh tăng cao như hiện nay, việc giữ vững được thị phần hiện có đã là một thử thách lớn. Từ vài năm trước đây, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống này. Quy trình sản xuất được cải thiện nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng ổn định và cao hơn; Quy trình quản lý được cải tiến nhằm hạ giá thành sản phẩm; Hoạt động marketing, quảng bá thương hiệu cũng được hoàn thiện; Công tác xuất khẩu vẫn được duy trì, trước mắt nhằm mục đích giữ chân trên thị trường xuất khẩu do sản phẩm của chúng tôi vẫn đang tiêu thụ rất tốt trong nước… Khi cung lớn hơn cầu, chúng tôi cũng sẽ cân đối lại việc xuất nhập khẩu để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Theo tôi, các nhà nhập khẩu khác cũng đã nhìn được cục diện thị trường hiện nay và họ cũng sẽ phải điều chỉnh việc xuất nhập khẩu phân bón cho hợp lý.
Tôi tin tưởng rằng, với những nỗ lực trong thời gian qua, các sản phẩm của chúng tôi sẽ vẫn giữ được vị trí vững chắc trên thị trường như trước đây.
Giá khí đầu vào sẽ ảnh hưởng thế nào đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của DPM trong quý 1 cũng như dự kiến cả năm 2013?
Theo lộ trình tăng giá khí đã ký kết, từ năm 2012 giá khí chỉ tăng 2%/năm đến 2015. Sự thay đổi này cộng với việc tăng giá về một số nguyên vật liệu khác và cước phí vận chuyển chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận năm 2013. Chúng tôi đang đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm là 2.120 tỷ đồng. Con số này phù hợp với bối cạnh thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay và dự báo giá phân đạm không được cao như năm 2012 vừa qua. Đáng mừng là lợi nhuận trước thuế quý 1/2013 vẫn khá tốt, đạt khoảng 793 tỷ đồng, bằng 37,4% kế hoạch năm.
Được biết, trong HĐQT nhiệm kỳ mới (2013-2018) của DPM có 1 thành viên không điều hành và không thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào với DPM và các cổ đông của DPM.
Trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, HĐQT, Ban điều hành và cổ đông DPM luôn mong muốn tạo nên một không khí đồng thuận, hợp tác, hiểu biết và hài hòa lợi ích giữa các bên. Với việc có mặt của thành viên HĐQT do các cổ đông ngoài Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giới thiệu, chúng tôi nghĩ rằng không khí trên sẽ tiếp tục được tăng cường và nhà đầu tư có thể thấy DPM luôn làm hài lòng các cổ đông lớn, nhỏ.
Thu Hương
đầu tư chứng khoán
|