Doanh nghiệp nội tìm phao cứu sinh từ vốn ngoại
Trong lúc cánh cửa tín dụng ngân hàng dường như vẫn khép chặt, nhiều doanh nghiệp đang tìm thấy khe sáng từ đối tác chiến lược nước ngoài.
Với ông Hoàng Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (HOSE: NVT), sự có mặt của Recapital Investments Pte.Ltd. (Singapore) với tư cách là cổ đông lớn nhất, nắm giữ lệ 35,87% vốn điều lệ mới của Công ty, chính là chiếc phao cứu sinh với Ninh Vân Bay.
Dự án Emeralda Ninh Bình của Ninh Vân Bay hoàn thành từ đầu tháng 5 nhờ có thêm vốn.
|
Có được khoản tiền thu được là 225 tỷ đồng từ Recapital Investment PTE Ltd, Ninh Vân Bay khi mua toàn bộ 30 triệu cổ phiếu NVT phát hành riêng lẻ, ban lãnh đạo Ninh Vân Bay cho biết đã có nguồn tiền để hoàn trả một phần khoản vay ngân hàng, nhằm giảm bớt chi phí tài chính trong năm 2013.
Cũng trông vào khoản tiền này, Ninh Vân Bay đã có nguồn để chi 32 tỷ đồng cho Dự án Emeralda Hội An, dự án sẽ được thi công trong tháng 5/2013; 10 tỷ đồng cho Dư án Six Senses Saigon River.
“Phần còn lại hoàn trả khoản vay 2 triệu USD từ phía đối tác nước ngoài, do đối tác mua cổ phần đã cho vay trước khi tham gia mua cổ phần riêng lẻ”, ông Dũng cho biết.
Cũng phải nói thêm, nhờ sự tham gia của Recapital Investment PTE Ltd, Ninh Vân Bay có 140 tỷ đồng để hoàn thiện Dự án Emeralda Ninh Bình, tạo điều kiện quan trọng để Dự án này chấm dứt giai đoạn thi công, đi vào hoạt động chính thức từ tháng 5/2013 và đủ điều kiện để tiếp thị trên thị trường quốc tế..
Rõ ràng, sự có mặt đúng lúc của cổ đông chiến lược này khi cổ phiếu NVT bị ngừng giao dịch vào ngày 4/4/2013 vì lý do có hai năm liên tiếp thua lỗ đã cứu Ninh Vân Bay vượt qua giai đoạn khó khăn.
Mặc dù khi trao đổi với Báo Đầu tư điện tử về lý do thua lỗ, ông Dũng nhấn mạnh tới lý do các dự án của Ninh Vân Bay đều trong giai đoạn vừa đầu tư, vừa kinh doanh, song giả sử Recapital Investments Pte.Ltd. không chấp thuận việc mua cổ phiếu riêng lẻ để trở thành cổ đông lớn nhất của Ninh Vân Bay, thì bản báo cáo tài chính quý I/2013 của Ninh Vân Bay khó có thể có được khoản lợi nhuận sau thuế là 10,3 tỷ đồng, so với khoản lỗ lên tới 27,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Và như vậy thì cơ hội ra khỏi diện cảnh báo của Ninh Vân Bay không dễ dàng.
Tất nhiên, những khoản tiền này chưa thể đủ để Ninh Vân Bay xử lý toàn bộ các vấn đề của mình cũng như thực hiện các dự án đã phải dừng lại trước đó do thiếu vốn. Ông Dũng cho biết, sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn huy động mới cho hai dự án được ưu tiên trong năm 2013 là Emeralda Hội An và Six Senses Saigon River, song cơ hội tồn tại trên thị trường chứng khoản của NVT nhờ khoản đầu tư từ Recapital Investment PTE Ltd, đã mở thêm cánh cửa huy động vốn cho Ninh Vân Bay. Nhất là khi việc tiếp cận tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý vẫn rất khó. Hiện tại, Ninh Vân Bay vẫn đang có những khoản vay với lãi suất khá cao, khoảng 16%.
Không chỉ Ninh Vân Bay “được cứu” bởi đối tác ngoại, một số doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ cũng đã buộc phải tìm tới những phao cứu sinh từ các đối tác chiến lược nước ngoài do… hụt hơi về tài chính. Không muốn xuất hiện trên báo chí về nội dung này, song vị tổng giám đốc của thương hiệu lớn này cũng buộc phải thừa nhận, nguồn tiền mặt từ việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài thực sự là một cách để bù đắp thiếu hụt về vốn với chi phí hợp lý cho các kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, kênh vốn từ nước ngoài cần phải được doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt hơn.
“Khi chúng tôi làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản, họ đặc biệt quan tâm tới các kế hoạch đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, Toyoko Inn khi chia sẻ kế hoạch đầu tư 100 khách sạn tại Việt Nam cũng nói rõ, họ muốn góp vốn để xây hoặc nâng cấp các khách sạn của doanh nghiệp Việt Nam theo tiêu chuẩn 3 sao của Nhật Bản đón dòng khách, kể cả du lịch và doanh nhân từ Nhật Bản đang đến Việt Nam ngày càng đông”, ông Lộc nhấn mạnh kênh vốn này khi mà những giải pháp mở kênh tín dụng cho doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó.
Tất nhiên, không phải đơn giản để tìm kiếm được những đối tác sẵn sàng chi tiền để cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ cũng như tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư trong bối cảnh kinh tế vẫn có nhiều khó khăn. Lý do đã được chính các nhà đầu tư ngoại nhắc tới, đó là sự thiếu minh bạch trong hoạt động kinh doanh, thiếu chuyên nghiệp trong quản trị là rào cản lớn nhất cho việc bắt tay giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác ngoại.
Ông Thomas Warren Shere, Tổng giám đốc PT Recapital Advisors, khi trả lời về lý do Recapital Investment PTE Ltd quyết định đầu tư vào NVT cũng khẳng định, chính quan điểm và chiến lược kinh doanh tại Việt Nam của ban lãnh đạo Ninh Vân Bay đã quyết định sự tham gia của Recapital Investment PTE Ltd vào Ninh Vân Bay.
Cũng phải nói thêm, ngay sau khi trở thành cổ đông chiến lược của Ninh Vân Bay, ông Thomas Warren Shere cũng vừa được bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2012-2017 của Ninh Vân Bay. Đây là cách tốt nhất để đối tác ngoại kiểm soát được chiến lược hoạt động của doanh nghiệp họ đầu tư.
Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa là lo ngại về khả năng “ngoại át nội” trong các doanh nghiệp Việt Nam càng hiện hữu, nhất là khi trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp nội buộc phải nâng tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài lên cao hơn mức mong muốn của mình.
Bảo Duy
Đầu tư
|