Doanh nghiệp FDI lách luật để thu mua cà phê
Hiện tượng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thâu tóm thu mua cà phê là thực trạng đáng lo ngại cho ngành cà phê nước ta. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Kim Ca, Tổng Thư ký Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, hiện tượng các DN FDI thâu tóm vùng nguyên liệu cà phê đã diễn ra khá phổ biến. Cho đến nay, hiện tượng này đã được hạn chế chưa?
Hiện các DN FDI không được chính quyền địa phương cho phép đầu tư trực tiếp vùng nguyên liệu mà chủ yếu mua bán thông qua đại lý trong nước. Thực tế hoạt động tổ chức mạng lưới gom cà phê trực tiếp của các DN FDI cho thấy, vẫn có lỗ hổng trong quản lý. Đang có hiện tượng các DN FDI đầu tư trực tiếp và mua trực tiếp từ người nông dân. Điều này gây khó khăn cho hoạt động thu mua của các DN trong nước bởi DN FDI có thế mạnh về công nghệ quản lý hơn các DN trong nước. Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường công cụ quản lý đặc biệt là công cụ thuế, kiểm soát để tránh hiện tượng đầu tư trực tiếp và mua trực tiếp từ người dân.
Hiện một số DN FDI liên doanh với DN địa phương để kết hợp với nông dân theo chương trình cà phê có chứng nhận. Đây có phải cách lách luật của các DN FDI?
Để “lách” những quy định của Nhà nước, DN FDI thường sử dụng “chiêu thức” đầu tư trực tiếp thông qua công ty liên doanh tại địa phương. Như vậy, họ có thể đầu tư trực tiếp cho dân sau đó thông qua các DN, thương lái, đại lý để mua sản phẩm. Việc này cũng là cách giúp dân nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất ban đầu, tạo vùng nguyên liệu cho DN FDI. Tuy nhiên, đây vẫn là hình thức DN nước ngoài lách luật để thu mua cà phê, tức là đầu tư tiền cho người nông dân và mua lại sản phẩm thông qua thương lái. Khung chính sách của nước ta vẫn có nhưng người thực hiện phải làm thế nào quản lý chặt việc này.
Mức lãi suất của ngành cà phê nằm trong diện được hưởng ưu đãi của Chính phủ. Theo ông, mức lãi suất như vậy đã hợp lý chưa?
Những năm gần đây, Nhà nước đã có chính sách, đặc biệt một số ngân hàng có chính sách cho DN vay vốn ngoại tệ với lãi suất tương tự như các DN FDI để kinh doanh. Mặc dù được vay trong thời hạn ngắn, DN trong nước đáp ứng được yêu cầu thu mua cho người nông dân với giá cao hơn. Nhưng những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ cho người nông dân chưa đạt như mong muốn, bởi chính sách này vẫn chủ yếu hỗ trợ cho người tích trữ, thu mua, còn để người nông dân hưởng lợi phải có cơ chế cụ thể.
Về lâu dài, để bình ổn cho thị trường cà phê, cần phải có quỹ bình ổn giúp cho việc kinh doanh, thu mua sản xuất của DN, người nông dân ổn định khi giá cà phê có dấu hiệu lên, xuống bất thường. Hiện Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đang cố gắng tạo quỹ này để thực hiện bình ổn giá.
Với bất lợi về vốn, DN trong nước cần khắc phục nhược điểm này như thế nào để cạnh tranh với DN FDI?
Theo tôi, các DN trong nước cần khắc phục nhược điểm này bằng cách làm việc trực tiếp với người nông dân để có nguồn nguyên liệu ổn định đồng thời giúp người nông dân có đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, chính sách Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho các DN trong nước với mức lãi suất tương đương với lãi suất của DN FDI. Khi đó, sẽ có cuộc cạnh tranh sòng phẳng, còn nếu chúng ta cứ thực hiện "lệnh cấm" đầu tư như hiện nay sẽ rất khó, thậm chí thiệt hại cho người nông dân.
Phan Thu
Hải Quan
|