Đại gia chật vật tìm cửa sống
Gác lại dự án resort, căn hộ cao cấp dở dang vì ế khách, nhiều đại gia bất động sản giờ phải “xoay” đủ nghề, như kinh doanh nhà hàng, quán ăn, “cò” dự án… “Xoay” hiểu theo nghĩa là phải buôn thêm cả tôm, cua, cá...
Nhiều đại gia giờ không chỉ còn siêu xe, resort mà phải "xoay" đủ nghề, như kinh doanh nhà hàng, quán ăn, “cò” dự án…
|
Ông L.T.A., từng là giám đốc một doanh nghiệp có dự án khu resort cao cấp quy mô hơn 200 tỉ đồng tại khu vực Ba Vì (Hà Nội). Khi thị trường bất động sản đóng băng, dự án đành phải tạm dừng vì ế khách, cạn vốn. Hơn hai năm sau, giờ ông L.T.A. “khoe” đang làm cho bốn công ty về đầu tư bất động sản, kinh doanh thương mại, thời trang... Nhưng mảng đang phát triển tốt, đem lại mức lợi nhuận tới 20% lại là từ… buôn hải sản. “Giờ tôi đang nhập khẩu tôm hùm, cá tuyết và các loại hải sản cao cấp từ Canada. Riêng loại cá tuyết hiện đang tiêu thụ rất tốt, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn 4 – 5 sao tại Hà Nội, TP.HCM. Trừ hết các chi phí, vẫn có lời tới 20%, không tệ chút nào”, ông L.T.A. hào hứng nói.
Vị doanh nhân trẻ này tỏ ra rất “sành” về ẩm thực, các loại hải sản cao cấp dành cho những bữa tiệc chiêu đãi đắt đỏ. “Thời buổi khó khăn, nhu cầu ăn uống các loại hải sản xa xỉ của thực khách vẫn không hề giảm, nhất là các món ngon lạ, có nguồn gốc tự nhiên thì luôn cháy hàng”. Ông L.T.A. nói và dẫn chứng, tại Hà Nội, trung bình cứ mười nhà hàng cần khoảng bốn tấn cá tuyết mỗi tháng. Còn nhu cầu cá tuyết ở TP.HCM cao gấp 2 – 3 lần, tiêu thụ rất nhanh. Nhưng lượng cá nhập khẩu chính ngạch rất ít, chủ yếu là hàng xách tay (đường hàng không), hoặc thu mua trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Do đó, ông L.T.A. đã quyết định đầu tư thêm vào kinh doanh cá tuyết, để có thêm nguồn thu.
Trong tình cảnh tương tự, nhiều đại gia bất động sản hiện đã lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, mátxa, xông hơi… Một đại gia bất động sản có tiếng “chịu chơi” ở Hà Nội đã đầu tư kinh doanh chuỗi nhà hàng hải sản, thịt bò tại Đà Nẵng. Hiện đang vào mùa du lịch nên các nhà hàng của vị đại gia này rất hút khách du lịch. Có đại gia nhanh nhạy, làm môi giới sang nhượng các dự án khu nghỉ dưỡng mà chủ đầu tư rút lui.
“Kiên trì” với ngành xây dựng, ông L.Q.Tuấn, giám đốc công ty kinh doanh vật tư xây dựng tại Hà Nội lắc đầu ngao ngán. Cả năm nay, các dự án công ty đầu tư bị đình trệ, dở dang, các hợp đồng thi công, xây lắp cũng ì ạch, chậm tiến độ. Trong khi đó, các chủ đầu tư cứ khất lần không thanh toán, chủ nợ liên tục thúc ép trả nợ. “Công ty vừa ký được hợp đồng thi công cầu cảng Nghi Sơn, nhưng giờ làm đơn vị thi công khó khăn lắm. Nhất là với chủ đầu tư có năng lực hạn chế, vốn ít hoặc sử dụng vốn ngân sách thì việc thanh toán thường rất chậm”. Mặc dù vậy ông Tuấn vẫn mừng vì có hợp đồng để nuôi quân.
Khi được hỏi về ý định đầu tư, ông Tuấn cho biết: “Giờ người dân không tiêu tiền, hàng tồn kho cao nên doanh nghiệp không dám đầu tư nữa. Ai cũng co cụm lại, cố duy trì hoạt động thôi. Nền kinh tế quá yếu sức nên đầu tư vào lĩnh vực khác cũng không ăn thua”. Theo ông Tuấn, mặc dù lãi suất huy động đã giảm về mức 6%/năm, nhưng lãi suất cho doanh nghiệp vay vẫn cao (khoảng 10 – 13%/năm) và khó tiếp cận vốn.
Gần đây, Chính phủ đã công bố một số chính sách hỗ trợ bất động sản. Trong đó, tập trung phát triển nhà ở xã hội. Do thế, nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt chuyển hướng đầu tư vào phân khúc này. Ông L.T.A. cho hay, ông đang xin đất để làm một dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở Lâm Đồng. Vì nhu cầu nhà ở giá rẻ ở các khu vực tỉnh lẻ vẫn rất lớn, tiêu thụ tốt, giá thành sản phẩm thấp hơn. “Các doanh nghiệp muốn làm dự án quy mô vừa và nhỏ mà vốn lại “hẻo” thì nên chuyển hướng đầu tư vào các tỉnh lẻ. Vì các thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng”, ông L.T.A. chia sẻ.
Chương trình hỗ trợ 30.000 tỉ đồng của Chính phủ cho nhà ở xã hội cũng sẽ gỡ khó cho nhiều doanh nghiệp. “Rất tốt, giúp doanh nghiệp hào hứng đầu tư trở lại. Nhưng để vay được vốn, triển khai được dự án liệu có dễ dàng?”, ông L.T.A. nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, tâm lý chung của doanh nghiệp, người có tiền trong lúc kinh tế khó khăn là tìm cách giữ tiền, bảo toàn vốn. Vì các kênh đầu tư truyền thống như vàng, bất động sản, chứng khoán… đã “nguội” bớt, kém sức hấp dẫn. Lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm mạnh, hiện chỉ ở mức 7 – 8%/năm nhưng so với các thị trường khác, lãi suất tiền gửi ở Việt Nam là khá cao, do đó, vẫn là kênh đầu tư tốt và an toàn nhất. Với doanh nghiệp, nếu lãi suất cho vay giảm xuống mức 10%/năm và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn thì có thể xem xét đầu tư vào một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, sản xuất sản phẩm tiêu dùng, ăn uống, may mặc… Đây vẫn là những ngành hàng có nhu cầu cao, mức lợi nhuận hợp lý, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. |
Thu Hằng
sài gòn tiếp thị
|