Cuộc “cách mạng” về chế độ kế toán CTCK
Sẽ có một cuộc “cách mạng” chế độ kế toán đối với các CTCK để làm thay đổi tình trạng lạc hậu trong ghi nhận hoạt động của CTCK tại Việt Nam.
Đưa về vị thế thật
Ngày 8/5, Bộ Tài chính đã bước đầu đưa ra dự thảo Chế độ kế toán áp dụng đối với CTCK. Bốn phần của hệ thống kế toán - gồm chế độ chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, chế độ sổ kế toán và hệ thống báo cáo tài chính áp dụng riêng cho khối các công ty chứng khoán - sẽ có những thay đổi về bản chất, theo hướng công ty phải bám sát với các giá trị thật.
Tài sản đầu tư dù là dài hạn sẽ bị ghi nhận lỗ ngay khi giá trị thị trường giảm, tiền của khách hàng sẽ không được gộp với tiền của CTCK trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ nữa, tài sản tài chính sẽ được “lôi” lên vị trí chính yếu trong báo cáo, là vài trong rất nhiều điểm thay đổi căn bản trong dự thảo Chế độ kế toán mới cho CTCK.
Theo dự thảo này, tài khoản “Tiền gửi thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán của khách hàng” sẽ được thể hiện riêng ra khỏi “Tiền mặt” của CTCK và “Tiền gửi ngân hàng” của CTCK. “Việc để gộp các tài khoản này với nhau như hiện nay đang làm xuất hiện con số hàng ngàn tỷ trên báo cáo tài chính và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của CTCK, khiến trong nhiều trường hợp, CTCK có vị thế được nâng lên quá cao, khác biệt với chuẩn mực quốc tế và khiến CTCK bị thổi phồng giá trị thật”, bà Lê Thị Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán thuộc Bộ Tài chính, đánh giá.
Chế độ mới dự kiến sẽ không phân loại tài sản đầu tư tài chính ngắn hạn và tài sản dài hạn nữa, thay vào đó sẽ thể hiện các tài sản này trong tài khoản “Tài sản tài chính ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua lãi, lỗ”. Với sự thay đổi này, CTCK sẽ không còn những tài sản đầu tư tài chính dài hạn để tiếp tục tình trạng dù giá trị thị trường đã suy giảm rất nhiều, nhưng vẫn được thể hiện theo giá trị gốc mua vào rất cao. Thay đổi này đồng nghĩa với việc CTCK sẽ liên tục phải đánh giá lại mọi khoản đầu tư của mình theo giá trị thị trường.
Thực tế hiện nay, việc CTCK lấy lý do không thu thập được thông tin để đánh giá lại khoản đầu tư cổ phiếu ngoài sàn (OTC) để ghi nhận giá trị tài sản theo giá thị trường là rất phổ biến. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều công ty không thật, từ đó khiến tỷ lệ an toàn tài chính mà các CTCK báo cáo lên UBCK không đảm bảo chính xác, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giám sát và giữ hệ thống CTCK hoạt động an toàn.
Làm rõ những mảng mù mờ
Cũng theo dự thảo Chế độ kế toán mới, những mảng mù mờ trong báo cáo của CTCK được làm rõ. Ví dụ điển hình là “Thu nhập khác” và “lợi nhuận khác” hiện luôn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong các CTCK - điều hiếm xảy ra trong các DN thuộc ngành nghề khác. Nhưng cách ghi nhận kiểu này, theo bà Hòa đánh giá, đã tạo nên “một túi hỗn độn”, với rất nhiều vấn đề không minh bạch trong hoạt động tài chính của CTCK.
Trong khi đó, căn cứ theo chuẩn mực quốc tế, Tài sản tài chính - loại tài sản gắn liền với hoạt động cốt lõi của CTCK - sẽ được đưa lên vị trí nổi bật nhất trong báo cáo của CTCK, thay vì để ở một vị trí khiêm tốn và có phần lẫn lộn, đứng sau các “tài sản khác” như hiện nay. Hiện nay, các loại tài sản về bản chất là “tài sản khác” như tài sản cố định, bất động sản đầu tư của CTCK lại đang được trình bày ở vị trí nổi bật nhất trong Bảng cân đối kế toán. Thay đổi chính yếu nêu trên, nếu được thực thi sẽ làm người đọc hiểu đúng hơn bản chất hoạt động của CTCK và minh bạch hóa các số liệu của CTCK.
Một thực tế nhức nhối khác hiện nay là nhiều chứng từ của CTCK vẫn chưa có mẫu văn bản được hướng dẫn theo chuẩn mực. Chẳng hạn, các chứng từ cho các hoạt động thường ngày như cho vay margin, ứng trước tiền bán chứng khoán, phiếu lệnh mua, bán ... đang tồn tại theo sự “sáng tác” của các CTCK, không có mẫu quy chuẩn nào. Về điểm này, ý kiến của một số CTCK tại Hội thảo thừa nhận, bộ phận kế toán của các CTCK vẫn đang dựa trên các phiếu lệnh đặt mua, bán do nội bộ tự thiết kế, vì chưa có những mẫu chứng từ được hợp pháp hóa.
“Chứng từ kế toán hiện nay cho CTCK là ‘quá cổ’ chúng ta đã đi tụt lại sau hai lần đổi mới của chuẩn mực kế toán quốc tế. Các công ty vẫn đang áp dụng những mẫu văn bản từ cách đây hàng thập kỷ, khi quan điểm về khái niệm ‘công ty chứng khoán’ của thế giới đã có nhiều đổi khác”, bà Hòa nói.
Quan sát các CTCK, lãnh đạo Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán thuộc Bộ Tài chính nhận xét: hiện nay, các CTCK nghĩ về chứng từ của mình rất giản dị, giản dị vượt khung khổ cho phép. Nếu các nguyên tắc của Luật Kế toán áp dụng vào CTCK thì chắc chắn có nhiều công ty bị xử phạt.
Ngừa rủi ro cho chính CTCK
Theo bà Hòa, hoạt động hiện nay của một số CTCK có quy mô và sự phức tạp ngang tầm hoạt động của một ngân hàng. “Tuy nhiên, dường như các CTCK vẫn mải mê vấn đề kinh doanh mà chưa quan tâm thích đáng đến việc xây dựng hệ thống kế toán để quản trị tốt tài sản và chống rủi ro”, bà Hòa nói. Nhìn sang hoạt động của các ngân hàng với hệ thống quản trị rủi ro khá chặt chẽ, bà Hòa cho rằng, các CTCK mở rộng hoạt động sang mảng tín dụng (hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư), rất cần ý thức về việc xây dựng cơ sở phòng ngừa rủi ro.
Một điểm nguy hiểm là Phòng kế toán của các CTCK hiện chỉ đóng vai trò tổng hợp, lưu chuyển chứng từ kế toán, chứ không giám sát được các giao dịch, không quản lý được thông tin, vì chứng từ rải rác khắp nơi (các phòng chức năng khác). Vì thế, nếu có tranh chấp phát sinh, rất khó quy trách nhiệm rạch ròi cho kế toán trưởng, hay lãnh đạo của các phòng, ban chuyên môn của CTCK.
Việc thực hiện cuộc “cách mạng” hướng hoạt động kế toán của CTCK tới chuẩn mực hiện hành của quốc tế lần này nằm trong nỗ lực của UBCK, Bộ Tài chính để lành mạnh hóa hoạt động của CTCK và xây dựng cơ chế chống rủi ro cho CTCK.
Sau 2 ngày hội thảo 8/5 và 9/5, cơ quan quản lý sẽ gửi văn bản tới từng CTCK yêu cầu trực tiếp đóng góp ý kiến cho những đổi mới lần này và đề ra thời gian biểu cho các bước hoàn thiện Dự thảo.
Hải Linh
đầu tư chứng khoán
|