Công bố quy hoạch chi tiết khu trung tâm TPHCM
Ngày 9-5, Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM đã tổ chức công bố đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu TPHCM (930 héc ta).
Khu trung tâm hiện hữu TPHCM bắt đầu từ cầu Sài Gòn -> đường Nguyễn Hữu Cảnh -> đường Hoàng Sa -> đường Võ Thị Sáu -> đường Cách Mạng Tháng Tám -> đường Nguyễn Thị Minh Khai -> đường Cống Quỳnh -> đường Nguyễn Cư Trinh -> đường Trần Hưng đạo -> cầu Ông Lãnh -> đường Hoàng Diệu -> đường Nguyễn Tất Thành -> sông Sài Gòn. Đồ họa: Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM.
|
Có 5 khu chức năng
Theo đồ án vừa được phê duyệt, trung tâm hiện hữu của TPHCM được quy hoạch thành 5 phân khu chức năng (xem hình), bao gồm khu lõi trung tâm thương mại - tài chính (khu 1 - màu vàng); khu trung tâm văn hóa - lịch sử (khu 2 - màu hồng đất); khu bờ Tây sông Sài Gòn (khu 3 - màu xám vàng); khu thấp tầng (khu 4 - màu xám xanh); và khu lân cận lõi trung tâm (khu 5 - màu xám trắng). Cụ thể:
Khu 1 là khu tập trung các công trình có chức năng thương mại - tài chính (CBD) của thành phố, đây cũng là khu vực lõi trung tâm kinh doanh thương mại; phát triển với chức năng kinh doanh, thương mại, khách sạn, du lịch và hành chính, dịch vụ công; toàn bộ nằm trong ranh giới quận 1, có diện tích 92,3 héc ta, được giới hạn bởi: phía bắc và đông giáp đường Tôn Đức Thắng; phía tây giáp đường Lê Lai và Lê Thánh Tôn; phía nam giáp đường Phạm Ngũ Lão và Hàm Nghi.
Khu 2 là khu tập trung các công trình có chức năng văn hóa - lịch sử, là trục trung tâm văn hóa lịch sử, quanh trục đường Lê Duẩn; phát triển với chức năng văn hóa, kinh doanh, thương mại, du lịch, dân cư và giáo dục; toàn bộ nằm trong ranh giới quận 1, có diện tích 212,2 héc ta, giới hạn bởi: phía bắc giáp rạch Thị Nghè và đường Hoàng Sa, phía tây giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai, phía nam giáp đường Cống Quỳnh, phía đông giáp đường Lê Lai và Lê Thánh Tôn.
Khu 3 là khu vực phát triển mới đa chức năng, trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, thuộc một phần quận Bình Thạnh, quận 1 và quận 4 (giới hạn bởi: phía bắc giáp cầu Sài Gòn, phía tây giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng, phía nam giáp đường Nguyễn Tất Thành, kênh Tẻ, phía đông giáp sông Sài Gòn), có diện tích khoảng 274,8 héc ta.
Khu 4 là khu dân cư hiện hữu, khu vực có nhiều công trình nhà biệt thự từ thời Pháp thuộc; phát triển với chức năng khu dân cư, văn hóa, giáo dục và thương mại thấp tầng thuộc một phần của quận 1 và quận 3 (giới hạn bởi: phía bắc giáp rạch Thị Nghè và đường Hoàng Sa, phía tây giáp đường Võ Thị Sáu, phía nam giáp đường cách Mạnh Tháng Tám, phía đông giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai), có diện tích khoảng 232,3 héc ta.
Khu 5 là khu vực kế cận khu 1 về phía nam, phát triển với chức năng kinh doanh thương mại tiếp nối từ khu trung tâm thương mại – tài chính, thuộc một phần quận 1 và quận 4 (giới hạn bởi: phía bắc giáp đường Hàm Nghi và Phạm Ngũ Lão, phía tây giáp đường Nguyễn Thái Học và Cống Quỳnh, phía đông giáp đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành), có diện tích khoảng 117,5 héc ta.
Phát triển, bảo tồn, giao thông, cây xanh…
Tương lai khu trung tâm TPHCM: Hệ số sử dụng đất trung bình khu trung tâm là 4.0; dân số toàn khu trung tâm khoảng 250.000 người (2020). Đồ họa: Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM.
|
Theo ông Trương Hữu Kiên, Trưởng phòng quản lý khu trung tâm, Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị ở khu 1 sẽ được tổ chức theo hướng bảo tồn những giá trị cảnh quan lịch sử. Do đó, tầng cao công trình quanh những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử như trụ sở UBND thành phố, Nhà hát thành phố, chợ Bến Thành… sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt; nhưng sẽ cho xây nhà cao tầng những khu vực quanh nhà ga metro.
Và ở khu 1, tận dụng cơ hội phát triển ga metro ngầm, không gian ngầm, trong đó có đường ngầm, khu mua sắm và đậu xe sẽ được phát triển dọc theo đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Những tuyến phố lớn này sẽ trở thành các trục đô thị, kiểm soát chặt chẽ công trình xây dựng để chuyển đổi dần thành khu mua sắm (các tuyến phố đi bộ tương lai).
Khu 2 hiện nay đa số các khu đất có mật độ xây dựng thấp (bệnh viện, trường đại học, công trình văn hóa, hành chính, tôn giáo, công viên) nên đồ án quy hoạch giữ lại không gian rộng mở, thoáng đãng với đầy cây xanh của trục đường Lê Duẩn để gắn kết tính lịch sử của công trình và cảnh quan.
Cụ thể, đường Lê Duẩn kết nối Dinh Độc Lập và Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẽ là trục cây xanh đặc trưng của khu trung tâm hiện hữu bằng cách kết hợp không gian công cộng vào công trình. Do đó, đường Nguyễn Thị Minh Khai là tuyến chính có lộ giới lớn nên cho phép xây dựng phát triển mật độ cao, với chức năng phức hợp. Ở những khu vực còn lại của khu 2 sẽ bố trí mật độ vừa và thấp…
Khu 3 - dọc bờ sông Sài Gòn - sẽ hình thành dải công viên văn hóa, giải trí và không gian công cộng từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận. Để đảm bảo sự tiếp cận của người dân thành phố đến toàn bộ khu vực cây xanh dọc bờ sông, theo ông Hồ Quang Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc cho biết, đường Tôn Đức Thắng hiện tại sẽ được ngầm hóa - phía trên đường ngầm là công viên bờ sông; và đường Lê Lợi sẽ được kéo dài từ sau Nhà hát lớn đến Ba Son với lộ giới 56 mét…
Tuy nhiên, định hướng không gian kiến trúc khu vực dọc bờ sông Sài Gòn là phát triển cao tầng (trên những khu đất cảng hiện nay sau khi di dời) với mật độ xây dựng thấp, theo nguyên tắc chiều cao công trình thấp dần từ trong ra phía bờ sông. Khu vực này cũng sẽ hình thành các điểm nhấn cao tầng tại các đầu mối giao thông kết nối giữa trung tâm hiện hữu với khu đô thị mới Thủ thiêm.
Riêng khu 4, với đặc điểm là nơi “quy tụ” của các căn biệt thự từ thời pháp thuộc nên sẽ được kiểm soát bảo tồn, hạn chế phát triển. Trong khi đó, khu 5 sẽ cho phát triển công trình cao tầng ở các vị trí gần ga metro Bến Thành, dọc đường Hàm Nghi, kênh Bến Nghé và đoạn nối dài của đường Nguyễn Thái Học sang quận 4 với chức năng văn phòng và thương mại. Đặc biệt, với các ô phố gần ga metro Bến Thành – nơi tập trung 4 tuyến metro, xe buýt và xe điện - sẽ cho phép chiều cao tối đa công trình trên 200 mét…
Theo đồ án, diện tích cây xanh khu trung tâm sẽ được bổ sung - dọc bờ sông Sài Gòn, những mảng xanh được gắn kết bằng những trục đường xanh (nhiều cây). Đáng chú ý là ngoài hệ thống giao thông hiện tại và các tuyến metro (đã quy hoạch), trong đồ án cho thấy thành phố sẽ phát triển các tuyến xe buýt nhanh từ Bến Thành qua quận 4; tuyến xe điện nhẹ chạy dọc sông Sài Gòn,…
Ông Hồ Quang Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc, nói: “Triển khai đồ án này sẽ được bắt đầu bằng các dự án hạ tầng để tạo điều kiện cho việc phát triển không gian đô thị”. Cụ thể sở sẽ ưu tiên chỉnh trang đường sá, xây dựng các tuyến metro, đường trên cao Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cầu Thủ Thiêm, tổ chức bùng binh chợ Bến Thành thành quảng trường đi bộ, tổ chức đường dọc kênh Bến Nghé…
Ngoài ra, một số khu vực quan trọng trong khu trung tâm đều có quy hoạch chi tiết như khu công viên 23-9, Ba Son…
Ông Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, nói: “Quy hoạch khu trung tâm TPHCM rất đẹp - hài hòa với quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn - nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta quản lý đồ án này như thế nào”.
Đá Bàn
tbktsg
|