Thứ Sáu, 17/05/2013 18:59

Chứng khoán Tuần 13 – 17/05: Mất dần kiên nhẫn!

Phiên giao dịch cuối tuần đã thể hiện khá rõ hình ảnh thị trường trong tuần qua, khi VN-Index không thể bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự 490 điểm trước áp lực chốt lời tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 13 – 17.05.2013

Giao dịch: Tính tổng cộng tuần qua, VN-Index tăng nhẹ 0.31% lên 487.6 điểm, HNX-Index  gần như đứng yên khi chỉ giảm 0.05% xuống 60.45 điểm, VS 100 tăng 1.66% đang ở 73.38 điểm và VN30 tăng 0.3% lên 553.51 điểm.

Các chỉ số Market Cap có tuần giao dịch trái chiều khi VS-Mid Cap và VS-Large Cap tăng lần lượt 1.52% và 1.07%, trong khi VS-Small Cap và VS- Micro Cap giảm tương ứng 0.6% và 1.45%. 

Thanh khoản trên cả hai sàn sụt giảm trở lại trong tuần qua. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE đã giảm 10.8% so với tuần giao dịch. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm mạnh 35.6%.

Diễn biến thị trường không nhiều đổi khác trong tuần qua, khi giao dịch trên hai sàn tiếp tục diễn ra giằng co mạnh.

Lực đẩy cho những phiên tăng điểm trong tuần qua xuất phát từ:

• Nhóm cổ phiếu Xây dựng, Bất động sản đang được dòng tiền “chiếu cố” trước thông tin gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng cho nhà thu nhập thấp. Điều này đã giúp dòng tiền đầu cơ giao dịch tích cực hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ thông tin này không thực sự mạnh mẽ khi áp lực chốt lời đã nhanh chóng gia tăng trở lại sau đó.

• Nhóm cổ phiếu bluechip trở lại thu hút dòng tiền. Đây cũng là lực đẩy chính giúp thị trường duy trì được sự tích cực nhất định, và đỉnh điểm là nhóm này kéo chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 490 điểm trong phiên giao dịch ngày 16/05. Khối ngoại đóng góp vai trò không nhỏ trong trong đà tăng của nhóm cổ phiếu này trong tuần qua.

Trong khi áp lực bán ra đến từ:

• Giới đầu tư có dấu hiệu mất kiên nhẫn với việc thông tin thành lập VAMC tiếp tục nhỏ giọt. Đây là nguyên nhân chính khiến cho giới đầu tư e ngại và chưa thực sự tin tưởng vào sự tăng trưởng trở lại của thị trường. Do đó, việc hạn chế giao dịch và hoạt động trading ngắn hạn được áp dụng triệt để, đẩy nhanh chốt lời ngay khi có thể.

• ”Sự kiện” Hoàng Anh Gia Lai bị cáo buộc một số sai phạm trong hoạt động kinh doanh tại Lào và Campuchia cũng đã tác động xấu đến tâm lý chung của toàn thị trường và giao dịch của khối ngoại.

• Giới đầu tư thận trọng (như thường lệ) khi kỳ họp Quốc hội sẽ được khai mạc và tuần sau.

Phiên giao dịch cuối tuần đã thể hiện khá rõ hình ảnh thị trường trong tuần qua, khi VN-Index không thể bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự 490 điểm trước áp lực chốt lời tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại tiếp tục giao dịch tích cực trong tuần qua, và đã có những ảnh hưởng đáng kể lên thị trường khi lực mua ròng mạnh của họ tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu bluechip.

Thống kê cho thấy tuần qua, khối ngoại mua ròng 614 tỷ đồng trên HOSE. Giao dịch mua ròng tập trung chủ yếu ở VIC (với hơn 398 tỷ đồng) phần lớn thông qua giao dịch thoả thuận.

Nếu loại bỏ giao dịch đột biến tại VIC thì khối ngoại đã mua ròng hơn 216 tỷ đồng trên HOSE. Lực mua tập trung ở các cổ phiếu bluechip như DPM (48.8 tỷ đồng), GAS (39.5 tỷ đồng), PPC (37.9 tỷ đồng) và DRC (28.1 tỷ đồng). Giao dịch bán ròng tập trung ở HAG với 22.8 tỷ đồng, tiếp đó là EIB (15.9 tỷ đồng), VSH (9.4 tỷ đồng), FCN (7.0 tỷ đồng) và STB (5.0 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại mua ròng 28 tỷ đồng, chủ yếu ở PVC với 14.9 tỷ đồng, PGS với 6.8 tỷ đồng, PVS với 5.9 tỷ đồng. Giá trị bán ròng tập trung mạnh nhất ở KLS với 5.3 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK:  Trong tuần tính đến hết ngày 16/05 (Thứ Năm), khối tự doanh CTCK trở lại mua ròng 2.2 triệu đơn vị, tương ứng với hơn 45.8 tỷ đồng.

Giao dịch mua ròng được khối tư doanh thực hiên ở tất cả các phiên giao dịch. Tuy nhiên, khối lượng mua ròng được tập trung nhiều nhất ở phiên giao dịch ngày 16/05 với 1.3 triệu cổ phiếu, tương ứng với 29.4 tỷ đồng. Đáng chú ý đây là phiên mà chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 490 điểm (sau đó quay đầu giảm trở lại ở các phiên tiếp theo).

Giao dịch của khối tự doanh vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu bluechip khi trung bình lệnh mua và bán trong tuần qua lần lượt đạt gần 22,000 đồng và 23,000 đồng/cp.

Cổ phiếu đáng chú ý: Giao dịch thị trường khá cần bằng trong tuần qua khi có 12 ngành tăng và 12 ngành giảm  điểm. 

Phía tăng điểm, Tiện ích công dẫn đầu với mức tăng 7.78%, tiếp theo là SX Nhựa – Hoá chất tăng 3.36% và Bảo hiểm tăng 2.74%.

Ở chiều ngược lại, SX Thuỷ sản dẫn đầu mức giảm với 3.21%, Bất động sản giảm 1.43% và Thiết bị Điện- Điện tử-Viễn thông giảm 1.01%.

Các ngành nóng cũng diễn biến trái chiều khi Ngân hàng, Xây dựng bất ngờ tăng điểm mạnh 2.64% và 2.07%; trong khi Khai khoáng và Chứng khoán lại giảm 0.48% và 0.67%.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là NLG tăng 16.87%, PPC tăng 14.86% và DHM tăng 12.62%; trên HNX là HLD tăng 15.52%.

NLG tăng 16.87%. NLG bất ngờ tăng mạnh trong tuần qua. Nhiều khả năng việc tăng mạnh của NLG xuất phát từ dòng tiền đầu cơ hoạt động tích cực hơn khi thông tin về gói 30 ngàn tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản được chính thức thông qua. Đây là điều khá hợp lý khi NLG đang sở hữu nhiều dự án với giá thành khá hợp lý.

Mặc dù vậy, đà tăng của NLG đã đứng lại khi kết quả kinh doanh quý 1 được công bố. Theo đó, doanh thu quý 1/2013 của NLG chỉ đạt 20 tỷ đồng, giảm 30% so với quý 1/2012, và kết quả là lỗ 33.7 tỷ đồng.

NLG cho biết khoản lỗ trong quý 1 chủ yếu do tính đặc thù kinh doanh bất động sản, do độ trễ của chuẩn mực kế toán về việc ghi nhận doanh thu. Tính đến hết quý 1/2013, NLG có khoản ứng trước từ khách hàng là 162.8 tỷ đồng.

PPC tăng 14.86%. PPC tăng mạnh khi không có thông tin nào mới liên quan đến hoạt động kinh doanh trong tuần qua. Nhiều khả năng PPC tăng mạnh xuất phát từ thông tin tích cực liên quan đến khả năng đồng JPY tiếp tục giảm giá trong thời gian tới.

DHM tăng 12.62%. DHM tăng mạnh có thể xuất phát từ thông tin tích cực khi Bộ Công thương cho phép DHM được phép xuất tối đa 100,000 tấn quặng sắt tồn kho, sau khi đã thông báo chào bán cho các nhà máy luyện gang trong nước.

HLD tăng 15.52%. Nhiều khả năng việc tăng mạnh của HLD xuất phát từ dòng tiền đầu cơ hoạt động tích cực hơn khi thông tin về gói 30 ngàn tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản được chính thức thông qua. Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh đã bắt đầu xuất hiện ở cổ phiếu này trong phiên giao dịch cuối tuần.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là CMX giảm 27.27% và HAR giảm 11.33%; trên HNX ITQ giảm 19.81%.

CMXHAR tiếp tục giảm mạnh khi không có thông tin mới liên quan đến hoạt động công bố trong tuần qua. Nhiều khả năng áp lực điều chỉnh vẫn đang diễn ra ở các cổ phiếu này.

ITQ giảm 19.81%. Việc giảm mạnh trong tuần qua có thể do áp lực điều chỉnh đã diễn ra ở cổ phiếu này khi đã có đợt tăng mạnh trong thời gian qua.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 5 PHIÊN VỪA QUA

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Nguyễn Đức Cường (Phòng Nghiên cứu Vietstock)

infonet

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật