Chứng khoán CIMB - Vinashin, vốn chủ sở hữu có thể giảm 1/3
CTCK CIMB - Vinashin rơi vào tình trạng khó khăn hiện nay do những khoản phải thu lớn từ các doanh nghiệp mang “họ” Vinashin, trong khi Tập đoàn Vinashin vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu.
Lãi hay lỗ của Chứng khoán CIMB - Vinashin đều không đến từ TTCK
|
CIMB -
Vinashin tiền thân là Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán VFC, do Công ty TNHH một thành viên Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC) thành lập, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép hoạt động ngày 18/12/2008. Năm 2010, Công ty nhận vốn góp từ Ngân hàng CIMB Investment Bank Berhard với tỷ lệ góp vốn là 10%, nâng vốn điều lệ lên 333,34 tỷ đồng và chính thức đổi tên thành CTCK CIMB -Vinashin.
Với mức vốn điều lệ này, CIMB -Vinashin có đủ điều kiện để thực hiện cả 4 nghiệp vụ của một CTCK là môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, doanh thu và lợi nhuận cho Công ty chủ yếu là lãi từ các hoạt động đầu tư trái phiếu và ủy thác quản lý vốn với Tập đoàn Vinashin và các công ty thành viên của Tập đoàn.
Cụ thể, báo cáo tài chính của Công ty cho thấy, năm 2010, CIMB -
Vinashin đạt 32,88 tỷ đồng doanh thu, trong đó, doanh thu từ hoạt động đầu tư chứng khoán (chủ yếu là thu nhập lãi từ trái phiếu Vinashin, với lãi suất 10,5%/năm) là 12,94 tỷ đồng và doanh thu khác là 18,87 tỷ đồng (bao gồm thu nhập lãi tiền gửi 4,66 tỷ đồng và thu nhập lãi từ các hợp đồng ủy thác là 14,21 tỷ đồng). Như vậy, doanh thu từ hai mảng này đã chiếm tương ứng 39,35% và 57,39% tổng doanh thu của Công ty.
Tương tự, năm 2011, doanh thu từ hoạt động đầu tư và doanh thu khác đạt lần lượt 15,45 tỷ đồng, chiếm 38,96% và 23,04 tỷ đồng, chiếm 58,09% tổng doanh thu. Năm 2012, dù tổng doanh thu của Công ty giảm 44,43% so với năm 2011, chỉ đạt 22,04 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ doanh thu từ hai mảng trên vẫn chiếm đến gần 97%, đạt 21,31 tỷ đồng.
Khó khăn bắt nguồn từ hoạt động đã mang lại doanh thu
Năm 2010, CIMB -Vinashin đạt 16,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thế; năm 2011 là 949 triệu đồng. Sở dĩ lợi nhuận năm 2011 giảm mạnh, trong khi doanh thu lại tăng là do trong năm 2011, Công ty phát sinh khoản chi phí thuê văn phòng phải trả cho năm 2009 và 2010.
Năm 2012, CIMB -Vinashin bất ngờ báo lỗ hơn 40 tỷ đồng, dẫn đến việc vốn chủ sở hữu giảm 15,58 tỷ đồng, còn 317,76 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính đã được KPMG kiểm toán, lý do CIMB -
Vinashin lỗ lớn là trong kỳ đã phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu khó đòi lên đến 41,34 tỷ đồng.
Đến thời điểm 31/12/2012, CIMB -Vinashin có khoản phải thu 333 tỷ đồng, trong đó, phải thu từ Tập đoàn Vinashin gần 136 tỷ đồng (115 tỷ đồng trái phiếu và gần 21 tỷ đồng khoản lãi trái phiếu quá hạn và phí tư vấn), phải thu khoản ủy thác vốn và lãi phải thu từ các khoản ủy thác từ công ty mẹ VFC 138 tỷ đồng; phải thu các khoản tiền gửi và lãi tiền gửi tại Công ty TNHH một thành viên Cho thuê tài chính công nghiệp tàu thủy (VFL) 59 tỷ đồng.
Việc có thu hồi được các khoản nợ này hay không còn chưa chắc chắn và phụ thuộc vào kế hoạch tái cấu trúc tài chính của Tập đoàn Vinashin đối với các khoản nợ. Điều này đồng nghĩa với việc, trong năm 2013, CIMB -
Vinashin phải trích lập dự phòng đối với khoản phải thu nhiều hơn, không chỉ dừng lại ở con số 41 tỷ đồng như năm 2012. Theo đó, vốn chủ sở hữu của Công ty sẽ bị “ăn mòn” thêm, khi mà gần như toàn bộ doanh thu của Công ty là từ các khoản lãi này.
Trao đổi với ĐTCK, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc CIMB -Vinashin cho biết, việc bị rút giấy chứng nhận thành viên lưu ký là do Công ty chậm thực hiện nghiệp vụ này sau khi được cấp giấy phép. Bởi tại thời điểm đó, đánh giá thị trường còn có nhiều khó khăn nên Công ty quyết định lùi lại chưa triển khai. Hiện Công ty đang tiến hành các thủ tục cần thiết để xin cấp lại giấy chứng nhận thành viên lưu ký.
Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2013, ông Tuấn chia sẻ, hiện Tập đoàn Vinashin đang chờ quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu của cấp có thẩm quyền, nên trong năm 2013, có thể Công ty sẽ tiếp tục thực hiện trích lập dự phòng cho khoản phải thu trái phiếu Vinashin 115 tỷ đồng. Trong trường hợp xấu nhất, CIMB -Vinashin thua lỗ, vốn chủ sở hữu không đáp ứng điều kiện vốn pháp định, Công ty sẽ rút bớt một nghiệp vụ kinh doanh.
Doanh thu không đến từ hoạt động kinh doanh chính
Huyền Vy
Đầu tư chứng khoán
|