Thứ Ba, 28/05/2013 10:11

Bất động sản sắp được “cởi trói” nhờ luật

Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản hiện đang tồn tại nhiều bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Quan điểm trên được hầu hết các doanh nghiệp, nhà quản lý đưa ra và kiến nghị tại hội nghị tổng kết thi hành 2 luật trên do Bộ Xây dựng tổ chức cuối tuần qua.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sau 8 năm thực thi Luật Nhà ở và 7 năm thực thi Luật Kinh doanh bất động sản, đến nay nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế và thiếu tính thực tiễn của 2 chính sách này.

Đáng quan tâm nhất là việc thi hành luật trong suốt thời gian dài vừa qua, song lại không khuyến khích được các chủ thể tham gia phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà xã hội, nhà giá rẻ, từ đó khiến cho quan hệ cung cầu về nhà ở mất cân đối và nhiều bất cập.

Nguy hại hơn là giá nhà trên thị trường nhìn chung vẫn ở mức quá cao so với mặt bằng thu nhập của đại bộ phận dân cư.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc chồng chéo, bất cập trong các điều luật về xây dựng, bất động sản hiện nay cần được sớm sửa đổi. Chẳng hạn như Luật Kinh doanh sản quy định “chủ đầu tư được huy động vốn khi xong cơ sở hạ tầng của dự án” trong khi Luật Nhà ở lại quy định “chỉ được huy động vốn khi xong móng”; quy định việc huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài không rõ ràng dẫn đến tình trạng dự án của nhà đầu tư ngoại nhưng vốn lại chủ yếu huy động ở trong nước…

Còn theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tich Vingroup, các quy định về chuyển nhượng một phần dự án cần được quy định rõ, vì thực tế có nhiều doanh nghiệp không muốn làm dự án từ đầu mà họ chỉ đi mua lại các dự án dở dang để làm văn phòng, trụ sở… thì luật lại không cho phép, trong khi thực tế này phổ biến trên thế giới.

TS. Đặng Kim Chung (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM), nhìn nhận một số quy định của 2 điều luật nói trên quá cứng nhắc đã loại một số sản phẩm bất động sản ra khỏi cuộc sống. Trong khi đó, quỹ đầu tư bất động sản lại không được quy định rõ ràng, chi tiết trong luật về bất động sản mà lại nằm ở “một luật nào đấy”.

Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, cần thay đổi một cách cơ bản cả 2 luật trên chứ không phải chỉ dừng lại ở điều chỉnh, bổ sung, bởi việc thực thi các điều luật đã dẫn đến một thực tế là chính sách đất đai, nhà ở của chúng ta đang “có vấn đề”.

Đồng quan điểm này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng thẳng thắn đề xuất “cả hai luật này đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong mấy năm qua, giờ phải cho ra đời một luật hoàn toàn mới và sát với cuộc sống hơn”. Bởi theo ông, nếu cứ tiếp tục duy trì nhiều quy định cũ thì sẽ khó mà giải quyết được tình trạng “giá bất động sản cao một cách vô đối” như hiện nay.

Đáp lại những đề xuất trên, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, tới đây cơ quan này với tư cách là đơn vị soạn thảo sửa đổi hai luật trên sẽ đề xuất điều chỉnh, bổ sung nhiều quy định quan trọng theo hướng có lợi nhất cho các chủ đầu tư cũng như người dân đang khó khăn về nhà ở.

“Chúng ta không thể áp dụng máy móc các quy định của nước ngoài nhưng nếu không quan tâm đến kinh nghiệm của thế giới thì cũng khó mà thành công được. Chẳng hạn như việc cho người nước ngoài mua nhà rộng rãi là điều nên làm, cho mua cả nhà, đất, nhiều căn hộ vì nó sẽ có nhiều cái lợi, trong khi nhà đất họ cũng không mang đi đâu được”, Bộ trưởng Dũng nói.

Trong chương trình dự kiến của mình, Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyên Mạnh Hà, cho biết sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách quan trọng, chẳng hạn như bỏ việc cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở (sổ hồng), mở rộng đối tượng người nước ngoài được mua nhà, cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lại…

Riêng về nhà chung cư, Bộ dự kiến sẽ tách nội dụng quản lý nhà chung cư thành một chương riêng; cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thuê nhà để cho thuê lại, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản được được mua và sở hữu văn phòng…

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, lẽ ra các sửa đổi, điều chỉnh của 2 luật nói trên sẽ được trình Quốc hồi vào đầu năm tới, tuy nhiên do phải thay đổi nhiều nội dụng, bổ sung nhiều quy định quan trọng nên cơ quan soạn thảo đã đề xuất lùi thời gian trình sửa đổi sang năm 2015.

Riêng việc mở rộng quy định cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà, ông Nam cho biết, dù sắp tới sẽ thông thoáng và cởi mở hơn rất nhiều, song vẫn phải có quy định “cư trú từ 3 tháng trở lên”.

Song Hà

tbktvn

Các tin tức khác

>   Không để tiền chảy nhầm dòng (28/05/2013)

>   Mua nhà 61, cẩn thận mắc bẫy "cò"! (28/05/2013)

>   Hà Nội “duyệt” dự án đầu tiên chuyển sang nhà ở xã hội (28/05/2013)

>   HUD xin Chính phủ ứng hàng triệu đôla trả nợ (27/05/2013)

>   Sẽ lập quỹ bảo hiểm hợp đồng mua bán nhà (27/05/2013)

>   Thông tư 11/2013/TT-NHNN về cho vay nhà ở: Mục đích đã rõ ràng (27/05/2013)

>   Căn hộ cao cấp cắt lỗ hàng tỷ đồng (27/05/2013)

>   Chưa có dự án nào tại Hà Nội được chuyển sang nhà ở xã hội (25/05/2013)

>   Nhiều dự án vốn trái phiếu chính phủ chậm tiến độ (25/05/2013)

>   Tiếp tục mở bán Tay Ho Residence giá từ 27 triệu/m2 (25/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật