Thứ Ba, 21/05/2013 10:20

Bài học cay đắng từ việc làm đại lý độc quyền

Chuyện hợp tác, liên kết hoặc làm đại lý (ĐL) cho các công ty nước ngoài để đôi bên cùng có lợi là lựa chọn phổ biến của nhiều doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) thời hội nhập. Tuy nhiên, cũng đã xảy ra trường hợp tranh chấp, “trở mặt” với nhau, làm nhiều DN rơi vào nguy khốn, đối diện với phá sản. Công ty TNHH Dược phẩm (DP) Tân Phong (Cty TP) là một nạn nhân cụ thể.

Cty TP có 100% vốn Việt Nam, được thành lập từ tháng 5/2001 đã gửi nhiều đơn kêu cứu, giải trình đến các cơ quan chức năng và báo chí. Theo đó, từ năm 2001 đến năm 2003, Cty TP bán hàng cho Cty TNHH DP Shinpoong Daewoo VN (Cty SPDVN) - nhập khẩu sản phẩm từ Cty mẹ là Cty DP Shinpoong Korea (SPK, Hàn Quốc) - để chờ Cty SPDVN xây dựng xong nhà máy tại Việt Nam (Cty này thành lập năm 1996, đến tháng 11/2003 mới xây xong nhà máy).

Trong lúc thiếu vốn để xây nhà máy, Cty TP đã cho Cty SPDVN mượn 16,9 tỷ đồng (một phương cách ứng trước tiền hàng) không tính lãi suất, theo thỏa thuận thì đến khi nhà máy đi vào hoạt động, Cty SPDVN sẽ giao toàn bộ sản phẩm của mình cho Cty TP phân phối độc quyền. Do vậy, từ năm 2004-2010, hai Cty đã ký nhiều hợp đồng mua bán (HĐMB) với nhau. Ngày 5/1/2011, hai bên ký HĐĐL số SPDW/01/HĐ2011 có thời hạn kéo dài đến 31/12/2016.

Gần 10 năm làm ĐL, Cty TP đã bán hàng và giúp tư vấn để Cty SPDVN không ngừng phát triển mạnh, trở thành một trong những Cty hàng đầu của thị trường DP Việt Nam: Từ chỗ sản xuất 3 mặt hàng, đến năm 2010 đã tăng lên hơn 60 mặt hàng tân dược, lợi nhuận thu về hàng trăm tỷ đồng. Cty TP đã dốc hết tâm huyết, thời gian, tiền của, bỏ ra hơn 200 tỷ đồng để tạo lập mạng lưới phân phối khắp nơi trên cả nước với hơn 2.500 khách hàng nhằm tiêu thụ toàn bộ sản phẩm mà Cty SPDVN làm ra!

Thế nhưng Cty TP vô cùng bất ngờ và bức xúc khi biết rằng Cty SPDVN có các động thái để từng bước loại hẳn vai trò ĐL của Cty TP nhằm “thâu tóm” thị trường cho riêng mình - thị trường mà Tân Phong đã dày công vun đắp cả chục năm trời! Theo Cty TP, động thái đầu tiên là ngày 24/3/2011, Cty SPDVN đòi tăng giá sản phẩm, Cty TP không đồng ý. Đến ngày 30/3/2011, Cty SPDVN có động thái tiếp theo là “kiếm chuyện” gửi văn bản yêu cầu thanh toán tiền nợ đột ngột, vì những thỏa thuận thanh toán công nợ giữa nhiều bên nên Cty TP chưa thể trả nợ được ngay. Nhưng Cty TP cho biết đây chỉ là “cái cớ” để Cty SPDVN tìm cách chấm dứt HĐĐL với mình.

Ngày 29/4/2011, Cty SPDVN ra thông báo và chính thức ngưng cung cấp hàng cho Tân Phong. Đến ngày 4/5/2011, Cty SPDVN gửi công văn đến tất cả các khách hàng của Tân Phong thông báo rằng họ “tạm ngưng cung cấp hàng cho Tân Phong” và “nếu quý khách hàng có thắc mắc gì xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi hoặc sắp xếp cho chúng tôi một buổi gặp mặt để hai bên có thể hiểu rõ nhau hơn”. Đồng thời, ngay thời điểm này, Cty SPDVN đã trực tiếp bán hàng vào tất cả các hệ thống ĐL của Cty TP, toàn bộ gần 200 nhân viên kinh doanh của Tân Phong cũng bị SPDVN lôi kéo với mức lương cao hơn…

Hậu quả là Cty TP bị tổn hại nặng nề, gần như mất sạch bóng dáng trên thị trường DP và hiện đang đối diện nguy cơ phá sản. Điều đáng nói, khi Cty SPDVN kiện CtyTP ra tòa, Bản án số 16/2012/KDTM-ST ngày 27/6/2012 của TAND quận 4 (TP.HCM) đã công nhận quan hệ giao dịch từ trước đến nay giữa Cty SPDVN với Cty TP là quan hệ ĐL thương mại, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn SPDVN; chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Cty TP, buộc Cty SPDVN phải bồi thường những khoản hoa hồng, lợi nhuận và chi phí thị trường cho Cty TP vì SPDVN đơn phương chấm dứt HĐĐL. Hơn nữa, Cty TP còn “cáo buộc” Cty SPDVN có dấu hiệu “chuyển giá” khi đa số nguyên liệu sản xuất DP đều mua từ Cty mẹ tại Hàn Quốc với giá cao gấp 2-3 lần so với thị trường ở cùng thời điểm.

Thế nhưng, thực tế thì Cty SPDVN vẫn ung dung kinh doanh bình thường với lợi nhuận ngày một cao hơn. Nếu không có gì thay đổi, ngày 29/5 tới, TAND TP.HCM sẽ đưa vụ này ra xử phiên phúc thẩm, Cty TP đang chờ một phán quyết hợp tình, hợp lý từ Hội đồng xét xử.

Một Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Có đủ cơ sở pháp lý vững chắc để xác định quan hệ giữa Cty TP và Cty SPDVN từ năm 2004 đến ngày 30/4/2011 là quan hệ ĐL thương mại, phù hợp với quy định của pháp luật theo Điều 166 của Luật Thương mại năm 2005: ĐL thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao ĐL và bên ĐL thỏa thuận việc bên ĐL nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao ĐL hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao ĐL cho khách hàng để hưởng thù lao.

Từ năm 2004-2011, nội dung của tất cả các HĐ đều thể hiện: Cty TP phân phối các mặt hàng của Cty SPDVN sản xuất tại Việt Nam. Tên gọi của các HĐ khác nhau tùy năm, nhưng về nội dung đều là một, thực chất đây là mối quan hệ giữa nhà sản xuất và ĐL bán hàng. Phân phối ở đây thực tế là phân phối độc quyền, vì vậy phải hiểu Cty TP chính là nhà ĐL phân phối của Cty SPDVN.


Lê Minh Hùng

pháp luật VN

Các tin tức khác

>   'Cần ủy ban quốc gia giải cứu doanh nghiệp' (21/05/2013)

>   Nợ phải thu của 27 tập đoàn, tổng công ty là 54.133 tỉ đồng (21/05/2013)

>   Số doanh nghiệp nước ngoài đóng cửa tăng (20/05/2013)

>   Chủ tịch Vinacomin: Sẽ có lời giải cho bài toán bauxite Tây Nguyên (20/05/2013)

>   Quốc hội chê tiến độ và chất lượng tái cơ cấu kinh tế (20/05/2013)

>   Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Viettel (20/05/2013)

>   Thêm một mặt hàng thép bị kiện tại Mỹ (20/05/2013)

>   Doanh nghiệp vẫn đối mặt khó khăn (20/05/2013)

>   Chuyện thu nhập của sếp Vinafood vào báo cáo gửi Quốc hội (20/05/2013)

>   Linh kiện máy bay Airbus sẽ được sản xuất tại Việt Nam (20/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật