5 thị trường chứng khoán nóng nhất thế giới 2013
Mặc dù mới đến tháng 4/2013 nhưng thị trường chứng khoán của một số quốc gia như Nhật Bản, Philippines, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Kuwait đã bứt phá hơn 20%.
* VN-Index thuộc top 11 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất toàn cầu 2013
Dựa trên số liệu chốt ngày 24/04 của Bespoke Investment Group, CNN Money đã liệt kê danh sách 5 TTCK có mức sinh lời tốt nhất từ đầu năm đến nay.
5. Philippines
Mức tăng từ đầu năm đến nay: 20%
TTCK Philippines đã tăng vọt lên các mức cao kỷ lục trong năm nay khi lần đầu tiên xếp hạng tín nhiệm của quốc gia Đông Nam Á này được nâng lên mức “đầu tư”.
Theo đó vào tháng 3 vừa qua, Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm của Philippines lên “BBB-” với triển vọng “ổn định” nhờ sự linh hoạt của nền kinh tế và thâm hụt ngân sách vừa phải xuất phát từ việc quản lý tài khóa hiệu quả của Tổng thống Benigno Aquino.
Bên cạnh đó, ông Ashraf Laidi - chiến lược gia toàn cầu của City Index tại London cho biết nhà đầu tư cũng tìm đến Philippines vì nước này đã tránh được tác động từ đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.
Ông nói: “Nền kinh tế không phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc như nhiều quốc gia khác trong khu vực mà gắn liền với sức tiêu thụ trong nước”.
Trong năm nay, Quỹ iShares MSCI Philippines Investable Market Index ETF đã thu hút được hơn 180 triệu USD và hiện đang tăng gần 20% so với hồi đầu năm.
4. Kuwait
Mức tăng từ đầu năm đến nay: 23%
TTCK Kuwait đã phục hồi lên các mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 5/2010 nhờ lợi nhuận doanh nghiệp khả quan và kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ nước này.
Điểm đặc biệt là động lực cho thị trường lại chủ yếu đến các doanh nghiệp nhỏ, chẳng hạn như National Ranges. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Công ty này đã leo dốc gần 20%.
Trong khi đó, Kuwait cũng tự hào là quốc gia có dự trữ dầu lớn thứ 6 trên thế giới và là một trong những nước xuất khẩu và sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh sản lượng dầu tăng trưởng khiêm tốn, nền kinh tế Kuwait được dự báo tăng 4.5% trong năm 2013 và 5% trong năm tiếp theo.
3. Argentina
Mức tăng từ đầu năm đến nay: 27%
Khép năm 2012 ở mức thấp hơn 40% so với đỉnh cao mọi thời đại xác lập một năm trước đó, TTCK Argentina đã tăng điểm ngoạn mục trong năm 2013. Tuy nhiên, động lực cho đà bứt phá của thị trường không phải là các yếu tố cơ bản ngày càng cải thiện.
Theo nhận định của ông Asha Mehta, Giám đốc quản lý danh mục tại Acadian Asset Management, động lực cho đà tăng của thị trường chính là hoạt động đầu tư đi ngược trào lưu. TTCK Argentina là một trong những thị trường sơ khai giảm điểm mạnh nhất trong năm 2012. Giá cỏ phiếu quá thấp đã hấp dẫn các nhà đầu tư tìm kiếm giá trị quay trở lại”.
Dù vậy, ông Mehta cảnh báo giá cổ phiếu có thể thấp nhưng chứa đựng rất nhiều rủi ro.
Tổng thống Argentina, Cristina Fernández de Kirchner, người từng là đề tài tranh cãi sau động thái quốc hữu hóa công ty dầu lớn nhất Argentina trong năm ngoái, đang hứng chịu sức ép từ chính các chính sách kinh tế của mình.
Dù bà vẫn còn nổi tiếng nhưng người dân Argentina ngày càng bất bình vì bà không có khả năng khôi phục nền kinh tế. Mới đây, hơn một triệu người biểu tình đã xuống đường bày tỏ sự giận dữ của mình.
Argentina là một trong những quốc gia có lạm phát cao nhất trên thế giới với dự báo của hầu hết các nhà kinh tế là khoảng 25%. Đồng thời, hiện mọi người đều đang dõi theo phán quyết của Mỹ với nguy cơ đẩy Argentina đến bên bờ vực vỡ nợ. Trước những bất ổn tiếp diễn tại Argentina, ông Mehta dự báo giao dịch sẽ biến động.
2. Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE)
Mức tăng từ đầu năm đến nay: 28%
TTCK Dubai và Abu Dhabi đang giao dịch ở các mức cao nhất trong hơn 3 năm do nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) sau vụ sụp đổ năm 2009.
Sau khi “quay lưng” vào năm 2009 do khủng hoảng, nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm trở lại đến UAE và thị trường bất động sản nước này. Một trong những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất UAE là Emaar Properties, công ty bất động sản lớn nhất vùng vịnh, với mức nhảy vọt từ đầu năm đến nay là gần 50%.
Các yếu tố cơ bản dài hạn tại Dubai vẫn còn hấp dẫn và Chính phủ dự báo tăng trưởng kinh tế có thể đạt hơn 4% trong năm nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng định giá hiện tại vẫn còn cao, khiến thị trường có vẻ như vẫn còn đắt, đặc biệt là khi so với các thị trường mới nổi khác tại Mỹ Latinh và châu Á.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng sẽ không có gì ngạc nhiên khi đà phục hồi của UAE hạ nhiệt trước khi quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
1. Nhật Bản
Mức tăng từ đầu năm đến nay: 34%
TTCK Nhật Bản bắt đầu tăng vọt kể từ tháng 11/2012 nhờ các biện pháp kích thích mới nhằm kéo nước này ra khỏi vòng xoáy giảm phát tồn tại gần 2 thập kỷ qua.
Với tên gọi “Abenomics” (đặt theo tên của Thủ tướng Shinzo Abe), chương trình mới kết hợp các biện pháp kích thích tài khóa quy mô lớn và chương trình nới lỏng tiền tệ mạnh tay. Các chính sách này đã khiến đồng JPY suy yếu, qua đó thúc đẩy lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật Bản, bao gồm các công ty chế tạo xe hơi như Toyota và các công ty chế tạo điện tử như Sony và Nintendo.
Dù Nikkei 225 đã tăng gần 100% so với mức đáy xác lập tháng 3/2009 và hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2008, các chuyên gia cho rằng đà phục hồi vẫn có thể tiếp tục.
Ông Ashraf Laidi, chiến lược gia toàn cầu của City Index tại London cho biết: “Trước đây, các nhà chế tạo xe hơi Nhật Bản rất e dè với các chính sách kích thích. Tuy nhiên, lần này thì khác. Lần này, Nhật Bản đã thực hiện một chính sách tiền tệ quá sốc và liều”.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|