Yếu vì thiếu bệ đỡ pháp lý
Những bất cập trong tổ chức quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các DNNN đã dẫn tới hệ quả và hậu quả là chồng chéo hay mâu thuẫn nhau, tính dễ thay đổi và khó kiểm tra, giám sát trong khâu ban hành quy định mang tính pháp lý của cơ quan quyền lực Nhà nước như Quốc hội hay UBTVQH và các cơ quan chức năng khác.
Gần đây, báo chí đã từng đặt dấu hỏi về cách quản lý và đầu tư vốn Nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), khi tổng công ty này mang hàng nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng để hưởng lãi? Trong khi SCIC cho rằng, cách đầu tư này là hiệu quả, thì hàng loạt DN – trong đó có DNNN đang chật vật loay hoay cầm cự trong cảnh thiếu vốn.
Vấn đề này đã được ông Đặng Quyết Tiến - Cục phó Cục Tài chính DN – Bộ Tài chính khẳng định: “Việc gửi tiền ngân hàng của SCIC là tỉnh táo”. Bởi, trong bối cảnh hiện nay, không ai dại gì đem tiền “ném vào chỗ trống”. Cả ngân hàng và SCIC không thể đầu tư vào các DN không có hiệu quả, kể cả những lĩnh vực có thể sinh lời cao nhưng rủi ro lớn.
Theo Quyết định 21 của Chính phủ, SCIC cũng như các DN khác, khi có tiền nhàn rỗi được gửi ngân hàng, kho bạc. Khoản lãi nhận từ ngân hàng sẽ hoàn nhập để gia tăng số dư.“ SCIC có 2 nhiệm vụ được Chính phủ giao là đầu tư vốn và quản lý quỹ. Quy mô quỹ của SCIC có khoảng 30.000 tỷ đồng; việc sử dụng như thế nào do Chính phủ quyết định”, ông Tiến cho biết.
Mặc dù vấn đề SCIC đã được ông Tiến giải thích rõ, nhưng câu chuyện này một lần nữa nhắc lại khoảng trống pháp lý về quản lý vốn Nhà nước tại DN và một lần nữa nhắc lại vấn đề quản lý, vận hành SCIC. Điều này xuất phát ngay từ khái niệm vốn Nhà nước chưa rõ, chưa chuẩn xác, nên thực tế hiện nay những DN là công ty con của các công ty mẹ thuộc tập đoàn, tổng công ty có 100% vốn Nhà nước đều được gọi và xếp vào DNNN.
Điều đó dẫn đến nhầm lẫn trong việc xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật (như Nghị định 99, quy chế giám sát DNNN. Việc gọi là các mô hình khác nhau như vậy không chỉ làm cho các văn bản pháp luật thêm dài dòng, rắc rối mà nó còn làm sai lệch, nhầm lẫn trong công tác quản lý (như việc quản lý SCIC).
PGS-TS. Vũ Công Ty – Học viện Tài chính chỉ ra khoảng trống đầy chồng lấn: Việc thực hiện quyền của chủ sở hữu Nhà nước tại DN được giao do nhiều đầu mối đảm nhiệm (bộ, ngành, UBND địa phương tỉnh, thành phố, HĐQT các TĐKT, TCT, SCIC); Các quy định pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DN còn đan xen cả quy định cũ và mới.
Đã vậy, phương thức đầu tư thông qua SCIC chậm được triển khai thực hiện, quy mô vốn Nhà nước đầu tư thông qua SCIC còn ít. Vốn Nhà nước mà SCIC được giao quyền đại diện chủ sở hữu còn rất nhỏ bé so với nhiều tập đoàn, TCT khác. Vì thế, vị thế và vai trò nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt, trọng điểm của SCIC cũng rất hạn chế.
Những bất cập trong tổ chức quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các DNNN đã dẫn tới hệ quả và hậu quả là chồng chéo hay mâu thuẫn nhau, tính dễ thay đổi và khó kiểm tra, giám sát trong khâu ban hành quy định mang tính pháp lý của cơ quan quyền lực Nhà nước như Quốc hội hay UBTVQH và các cơ quan chức năng khác. Những khoảng trống pháp lý như vậy đòi hỏi phải có một luật riêng biệt, độc lập nhằm quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại các DN, phát huy cao nhất hiệu quả đồng vốn được Nhà nước đầu tư tại các DN đó.
Ngọc Linh
thời báo ngân hàng
|